Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
001579642 visits

 

Trải bốn nghìn năm còn chậm lớn

 

Hoàng Xuân Phú

 

 

Cháu ngoại của tôi vừa mới sinh ra ở Đức, được 8 ngày thì gia đình nhận được một lá thư của bệnh viện, ngoài phong bì ghi người nhận là: "Herr V. D. K.".

 

Trong tiếng Đức, từ "Herr" vốn dĩ được dùng để chỉ "bề trên". Từ đầu thế kỷ 17, nó được dùng để xưng hô một cách trang trọng, kiểu như "quý ông" (Gentleman). Ngày nay nó được dùng chung cho đàn ông, nhưng đi với họ hay cả họ tên đầy đủ, chứ không chỉ kèm với tên riêng, nghĩa là một cách xưng hô theo thể lịch sự. Dịch ra tiếng Việt là "ngài", "ông", hay "anh", chứ không thể dịch là "em", "cháu", hay "cu". Còn "V. D. K." là họ tên đầy đủ của bé sơ sinh. Mặc dù bé chưa được khai sinh và chưa được đăng ký cư trú, nhưng bệnh viện đã gửi thư theo tên bé, chứ không phải theo tên cha mẹ. Hơn nữa, bé còn được gọi là "Herr". Một đứa bé sơ sinh mà đã được cư xử như người lớn, với tư cách chủ nhân của chính mình.

 

Cùng lúc đó thì ở Việt Nam, Bộ Công an triển khai cấp chứng minh thư nhân dân theo mẫu mới, trong đó bất kể trẻ già đều phải ghi cả tên cha mẹ. Đã có nhiều ý kiến phản đối, như: thêm tên cha mẹ vào chứng minh thư là phản cảm, là trái với Điều 38 của Bộ luật Dân sự về quyền bí mật đời tư và Điều 16 của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em... Nhưng Bộ Công an vẫn bỏ ngoài tai, nhất định triển khai dự án của mình.

 

Tôi đã bình luận mấy câu về sự kiện này trong bài "Chứng minh… tên bố". Ở đây chỉ bổ sung thêm hai ý: Việc bắt dân phải khai tên cha mẹ trong chứng minh thư là biểu hiện rơi rớt của chủ nghĩa lý lịch sai trái, đã từng làm hại hàng triệu người dân và góp phần làm chậm bước tiến của Dân tộc. Nó cũng phản ánh lối tư duy và hành động kẻ cả của giới "quan phụ mẫu", luôn coi dân như con trẻ, như một thứ sở hữu của họ, nên cư xử hết sức tùy tiện, thích gì là làm nấy, bất chấp người dân có đồng tình hay không.

 

Ở xứ họ trẻ con được coi trọng như người lớn, nên cả xã hội cũng trưởng thành nhanh hơn, sớm khẳng định được vị trí cường quốc hàng đầu trên thế giới. Thật đáng kính nể!

 

Ở xứ mình người lớn cũng bị đối xử như trẻ con, khiến người người còi như bị chột, và nước Việt trải bốn nghìn năm mà vẫn còn chậm lớn. Đáng buồn thay!

 

 

23.09.2012



©2010 by Hoang Xuan Phu