Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
001573920 visits

 

Trả lời phỏng vấn của Nhà báo Vũ Công Lập

nhân dịp GS Ngô Bảo Châu được trao giải thưởng Fields

 

 

V. C. Lập:  Kính thưa GS Hoàng Xuân Phú, ông vừa trúng cử vị trí đại diện châu Á trong Hội đồng Các nước đang phát triển của Liên đoàn Toán học Thế giới. Xin chúc mừng ông vì nhiệm vụ mới mẻ này.

 

H. X. Phú:  Xin cám ơn!

 

V. C. Lập:  Ông cho biết cảm tưởng của ông khi tham dự buổi lễ trao giải Fields cho GS Ngô Bảo Châu.

 

H. X. Phú:  Câu hỏi này có lẽ nên dành cho những đại biểu Việt Nam khác, vì tôi không được ở cương vị thông thường để đón nhận và thưởng ngoạn sự kiện này. Tôi không có được cảm giác hồi hộp chờ đợi và xúc động trào dâng khi Tổng thư ký Liên đoàn Toán học Thế giới, GS Martin Grötschel, đọc đến tên GS Ngô Bảo Châu trong danh sách bốn người được giải thưởng Fields, vì thực tế thì tôi đã được lãnh đạo IMU gửi cho thông tin chi tiết về toàn bộ những người sẽ được trao giải tại Đại hội từ trước đó. Tôi cũng không có nổi thời gian và sự thư thái để hân hoan cùng mọi người, vì đầu óc căng thẳng, phải lo thu xếp, giải quyết các công việc liên quan đến sự kiện này. Tất nhiên, tôi thấy rất vui và rất tự hào là, với GS Ngô Bảo Châu, một người Việt Nam đã được giải thưởng Fields, điều mà trước đây 4-5 năm không mấy người dám mơ và nhiều cường quốc thực sự mạnh rất muốn mà vẫn chưa được.

 

V. C. Lập:  Ông có suy nghĩ gì về tác động của việc GS Ngô Bảo Châu được giải thưởng Fields?

 

H. X. Phú:  Đây là một sự kiện trọng đại, hiếm có trong lịch sử dân tộc. Nó đem lại cho nhân dân Việt Nam niềm vui vô bờ bến, niềm tự hào lớn lao và nhân lên niềm tin để vươn tới tương lai. Từ nay bạn bè trong giới khoa học quốc tế sẽ nể trọng người Việt hơn. Tuy nhiên, đối với cá nhân từng người thì cách nhìn của giới chuyên môn vẫn lệ thuộc chủ yếu vào mức độ thành công của chính bản thân người ấy. Hy vọng rằng các cấp quản lý sẽ tạo điều kiện hơn cho phát triển giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, công nghệ. Đấy là những mặt tích cực, cần phải phát huy. Mặt khác, cũng phải phòng trừ những điều tiêu cực có thể xảy ra. Phải tránh ngộ nhận, đề cao quá mức phần đóng góp của giai đoạn học phổ thông ở Việt Nam trong thành công của Ngô Bảo Châu, mà không thấy hết vai trò quyết định của giai đoạn đào tạo, nghiên cứu tại Pháp, rồi lạm dụng, đồng nghĩa thành công của Ngô Bảo Châu với thành công của nền giáo dục Việt Nam, để lấp liếm thực trạng trầm trọng của nền giáo dục này. Thay vì mạo nhận và tìm cách biện hộ, các cấp quản lý nên tự trả lời câu hỏi: Người Việt có những tư chất đặc biệt và tiềm năng to lớn như vậy thì tại sao hoàn cảnh của đất nước ta lại như hiện nay? Cũng cần tránh tác động làm gia tăng phong trào luyện thi, chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn, vốn đã và đang rất trầm trọng.

 

V. C. Lập:  Chúng tôi nghĩ, Giải thưởng Fields của Ngô Bảo Châu không chỉ là niềm vui sướng, mà còn tạo ra một cơ hội mới cho toán học Việt Nam và khoa học Việt Nam. Ông thấy cơ hội đó thế nào?

 

H. X. Phú:  Cơ hội mà sự kiện Ngô Bảo Châu mang lại cho nền  toán học Việt Nam nói riêng và khoa học Việt Nam nói chung là rất lớn. Các nhà khoa học chân chính sẽ tự tin và bền bỉ hơn trên con đường nghiên cứu khổ ải. Sẽ có nhiều hơn học sinh và sinh viên say mê học tập, nuôi những hoài bão lớn và lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học, bổ sung thêm cho lực lượng đang rất yếu, rất mỏng hiện nay. Nhà nước và các cấp quản lý sẽ tôn trọng và tạo điều kiện hơn cho các nhà khoa học, bởi họ cũng thấy rằng: Không chỉ ngoại giao, quân sự hay kinh tế mới mang lại uy tín, vinh quang cho Việt Nam trên trường quốc tế; không chỉ bóng đá, thể thao mới mang lại niềm hân hoan và tình đoàn kết cho dân chúng. Việc hợp tác quốc tế có thể sẽ thuận lợi hơn, bởi lẽ sự kiện Ngô Bảo Châu cũng chỉ ra rằng thành công khoa học của Việt Nam không thể tách rời khỏi sự hợp tác quốc tế. Có thể sắp tới nghiên cứu khoa học, ít nhất là ở một số hướng trọng điểm, sẽ được cấp nhiều kinh phí hơn. Nhưng đây cũng chính là điều mà tôi rất lo ngại. Trong hoàn cảnh tham nhũng tràn lan, từ trên xuống dưới, chỉ một phần nhỏ kinh phí chi nhân danh khoa học đến được tay những người làm khoa học thực sự. Không khéo thì các nhà khoa học chân chính có thể thuận lợi hơn một chút, khoa học nước nhà có thể tiến bộ thêm một chút, nhưng số tiền đóng góp đầy mô hôi và nước mắt của người dân lại bị tham nhũng gấp bội.

 

V. C. Lập:  Xin ông chuyển giúp chúng tôi lời cám ơn đến GS Gérard Laumon và GS Martin Grötschel vì những bài phỏng vấn vừa qua. Xin cảm ơn ông vì sự hỗ trợ to lớn đối với công tác truyền thông ở Việt Nam trong Đại hội Toán học Thế giới kỳ này.

 

(Hà Nội - Hyderabad - ngày 21.08.2010)

 

 

 

Một số hình ảnh tại Đại hội Toán học Thế giới 19-27.08.2010

 

Ảnh: Hoàng Xuân Phú

 

 

 

 

Lễ khai mạc Đại hội Toán học Thế giới ngày 19.8.2010 tại Hyderabad, Ấn Độ

 

 

 

 

 

 

 

GS László Lovász (Chủ tịch Liên đoàn Toán học Thế giới 2007-2010)

 

 

 

GS Martin Grötschel (Tổng thư ký Liên đoàn Toán học Thế giới 2007-2014)

công bố những người được giải thưởng

 

 

 

Chờ đợi giờ phút được vinh danh

 

 

 

GS Elon Lindenstrauss (Giải thưởng Fields 2010)

 

 

 

GS Ngô Bảo Châu (Giải thưởng Fields 2010)

 

 

 

 

 

 

 

GS Stanislav Smirnov (Giải thưởng Fields 2010)

 

 

 

GS Cédric Villani (Giải thưởng Fields 2010)

 

 

 

 

 

 

 

Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil

 

 

 

GS Ngô Bảo Châu và GS Lê Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam)

 

 

 

Họp báo sau lễ khai mạc và trao giải thưởng

 

 

 

GS Ingrid Daubechies (Chủ tịch Liên đoàn Toán học Thế giới 2011-2014)

GS John M. Ball (Chủ tịch Liên đoàn Toán học Thế giới 2003-2006)



©2010 by Hoang Xuan Phu