Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
1594273 visits

 

Tiếng kẻng vọng từ thuở ấy

 

Hoàng Xuân Phú

 

 

Cái kẻng ấy giờ đây không còn nữa. Có lẽ nó ngân lên lần cuối cách nay hơn 35 năm, rồi vĩnh biệt Trường Phổ thông cấp III Thị xã Thái Bình, giống như học trò chúng tôi, sớm muộn rồi cũng chia tay với mái trường xưa. Chỉ khác nhau ở chỗ, chúng tôi vẫn còn đây, mà cái kẻng đã biến khỏi thế gian. Vì sao? Phải chăng bán đi để mua chút lương thực trong những năm đói kém, vì nó là một tảng kim loại có thể đưa vào lò luyện thép? Hay đẩy đi hằng sớm quên ký ức nặng nề của cuộc chiến tranh, bởi nó là vỏ bom? Vâng, nó là vỏ của một quả bom mà máy bay Mỹ đã ném xuống Thái Bình. Bom nổ toác ra, tạo thành một tấm kim loại khá lớn, với hình thù cong queo méo mó khá độc đáo. Trên vỏ bom vẫn còn mấy dòng thông tin, song khi đó chúng tôi chưa biết tiếng Anh, nên chẳng hiểu nội dung viết gì.

 

Hàng ngày tiếng kẻng ấy vang lên nhiều lượt, trước và sau mỗi tiết học. Nghe mãi thành quen, nên nó chẳng hề gây ấn tượng cho đám học trò. Song khi đoàn quay phim Liên Xô đến thăm trường, thì cái kẻng ấy trở thành đối tượng đặc biệt không thể bỏ qua. Họ dùng phấn trắng tô lên để mấy dòng chữ đúc chìm hiện rõ, rồi quay phim cảnh bác gác trường gõ kẻng. Nhưng khi bác Phôn cầm búa hiện ra thì họ lại lắc đầu. Có lẽ vì trông bác khắc khổ quá, quần áo cũng chẳng lành lặn. Cuối cùng, đạo diễn đề nghị một người ăn mặc tươm tất nhất gõ thay, đó chính là thầy Hiệu trưởng Vũ Huy Hồi.

 

Cái kẻng ấy là một trong những kỷ vật quý hiếm nhất mà trường chúng tôi đã từng có. Hình ảnh của nó đã theo tôi suốt bao năm sống xa Tổ quốc, luôn âm vang gợi lại những kỷ niệm thân thương về thầy cô, bè bạn. Mỗi lần nhớ đến cái kẻng, thì tâm tư lại dồn vào cây xà cừ mảnh dẻ. Nó không lớn nổi, mà bị còng rạp xuống bởi trọng lượng quá lớn của tảng vỏ bom vừa to vừa dày. Song nó vẫn cố gồng lên, để làm nơi treo kẻng.

 

Đối với tôi, cây xà cừ treo kẻng đã trở thành biểu tượng của thầy cô thuở ấy. Họ đều mảnh dẻ như cây xà cừ chậm lớn, cũng gầy guộc như muôn dân trong những năm nghèo đói, song vẫn gồng mình gánh vác trách nhiệm lớn lao. Cuộc sống khó khăn đè nặng từng số phận, nhưng các thầy cô vẫn cố gắng vượt khó, vươn lên để dạy dỗ học trò. Và lũ chúng tôi, dù đói meo vẫn vô tư nghịch ngợm, vô tình đè nặng thêm cái gánh đã quá nặng đối với thầy cô.

 

*  *  *

 

Sau bốn năm sơ tán về nông thôn để tránh bom Mỹ, tôi hồi cư về Thị xã Thái Bình vào cuối năm 1969. Rồi bắt đầu học lớp 8 tại Trường Phổ thông cấp III Thị xã Thái Bình từ tháng 9 năm 1970. Lúc đó trường cũng mới hồi cư, cơ sở vật chất còn rất nghèo nàn, thiếu thốn. Ấy vậy mà nhà trường đã trang bị bốn dụng cụ cho môn thể dục. Xịn nhất là cái xà kép và cái xà lệch, có lẽ được đặt mua từ xa. Cái xà đơn thuộc loại cây nhà lá vườn, làm bằng hai cột gỗ lim được cắm sâu xuống đất, với một ống thép rắn chắc có thể cài ngang vào hai tầm cao thấp khác nhau, đặng chiếu cố cả đám học sinh còi cọc. Cầu thăng bằng cũng do nhà trường tự làm, từ một khúc gỗ dài đặt ngang trên hai cọc gỗ cắm xuống đất. Thầy Thanh và cô Lương là hai giáo viên thể dục được đào tạo chính quy, nên không quên môn nhảy cừu, nhảy ngựa. Dụng cụ cho môn nhảy ngựa thì đắt, tự làm không dễ, nên đành chịu. Còn cừu thì cô Lương hướng dẫn học trò đóng mấy cọc tre xuống đất làm cốt, rồi nhào đất đắp quanh thành ụ, và coi đó là cừu để tập nhảy.

 

Khi còn nhỏ tôi rất yếu, mắc đủ thứ bệnh tật, nên bác sĩ đề nghị nhà trường miễn cho môn thể dục. Song tôi vẫn tham gia học thể dục cùng bạn bè. Thuộc loại nhỏ dưới tầm, nên việc nhảy qua cái ụ đất thay cừu trở thành thách đố lớn nhất của cả mười một năm cắp sách tới trường. Nhưng cố tập mãi, rồi cũng đến lúc tôi nhảy qua được. Vào khoảnh khắc thành công ấy, cô Lương mừng quá, chạy tới ôm chặt cậu học trò bé bỏng. Nhờ kiên trì luyện tập cả mười năm sau đó, nên bệnh tật dần dần biến hết. Vì vậy đối với tôi, thể dục là một trong những môn học quan trọng nhất, đáng học nhất trên đời.

 

Tôi đề cập trước hết đến môn thể dục, vì nó rất phù hợp để khắc họa sự thăng trầm của chất lượng giáo dục. Cái thuở chiến tranh đầy gian khó, thể dục bị coi là môn phụ mà còn được dạy nghiêm túc đến như vậy, thì có thể suy ra nhà trường khi đó coi trọng các môn học khác đến mức nào. Còn bây giờ, giữa thời buổi no nê, chốn chốn bể bơi, nơi nơi sân tenis, mà quanh năm học sinh chỉ được dạy thể dục một cách hình thức, học chay chiếu lệ, chẳng động đến xà đơn xà kép, chứ đừng nói đến nhảy cừu hay nhảy ngựa. Qua đó có thể nhận ra chiều biến thiên đồ thị của chất lượng giáo dục nước nhà.

 

*  *  *

 

Để đánh giá mức độ nghiêm túc của nhà trường thuở ấy, không thể bỏ qua thái độ coi trọng thí nghiệm, thực hành của các thầy cô.

 

Ngay từ đầu lớp 8, lũ học trò chúng tôi đã trầm trồ thán phục, khi cô Yến (dạy vật lý) đặt một tờ giấy lên mặt bàn và dựng cây bút chì đứng trên mặt giấy, rồi giật nhanh tờ giấy khỏi đế sao cho cây bút chì không đổ, để minh họa về quán tính.

 

Khi học lớp 9, cô Mùi (dạy sinh vật) yêu cầu mỗi tổ chuẩn bị một con ếch, rồi từng đứa quan sát màng chân của nó qua kính hiển vi, để thấy được sự chuyển động của mô.

 

Để thực hành kiến thức từ bài giảng kỹ thuật nông nghiệp của thầy Quýnh, thầy Thịnh, nhiều nhóm phải nuôi thỏ, nuôi lợn… Kết quả có lẽ không thành công về mặt kinh tế, nhưng cũng để lại cho học trò những bài học bổ ích về chăn nuôi.

 

Nhờ những bài giảng kỹ thuật công nghiệp của thầy Là, trên lớp cũng như trong xưởng trường, mà chúng tôi biết được động cơ đốt trong có cấu tạo thế nào và được sản xuất ra sao.

 

Có lần thầy Trịch yêu cầu tôi chuẩn bị mô hình minh họa cho một bài tập hình học không gian lớp 9. Tôi đã tốn khá nhiều thời gian, dùng mấy sợi dây nhôm làm các đoạn thẳng, và xoắn chúng với nhau khi các đoạn thẳng cắt nhau. Tất nhiên các mối kết nối khá thô. Và vì dây nhôm mềm, nên cứ chạm nhẹ là mô hình méo mó. Đến lúc giảng bài, thầy Trịch chẳng đoái hoài đến kết quả chuẩn bị của trò, mà trình diễn một mô hình khác. Nó được làm từ những que tre được vót nhỏ rất cẩn thận, dùng chỉ buộc các mối kết nối nên rất gọn gàng kín đáo, đồng thời các sợi chỉ được căng ra để minh họa mặt cắt nên rất dễ hình dung. Nhờ thế, mô hình thầy mang đến vừa chính xác, vừa đẹp, vừa vững chắc.

 

Năm 1972 Mỹ lại ném bom miền Bắc. Một quả bom rơi cách nơi tôi ngồi khoảng 70 mét. Vì vậy trường phải sơ tán về xã Phú Xuân mấy tháng. Có lúc tình hình căng thẳng quá, nhà trường quyết định chỉ duy trì giảng dạy bốn môn toán, văn, lý và hóa, để giảm thiểu thời gian học sinh tập trung trên lớp. Trong điều kiện khó khăn đột ngột ấy, thầy cô vẫn duy trì thí nghiệm. Tuy phải sơ tán gấp gáp, nhưng nhà trường vẫn cố mang theo dụng cụ làm thí nghiệm, chất đầy trong gian nhà lá. Có lần thầy Đường (dạy hóa học) bảo tôi chui qua đường hầm (đào thông vào lớp học), đến cái kho dã chiến ấy lấy lọ đựng natri. Rồi thầy thả một chút natri vào cốc nước. Mẩu natri bơi tung tăng trên mặt nước, tỏa nhiệt phát ra tiếng nổ lách tách, khiến cả lớp háo hức dõi theo. Trong lớp tôi ngồi cạnh bạn Trường (biệt danh Trường Khỉ), rất giỏi môn hóa học. Được thầy Đường cực kỳ tin tưởng, bài kiểm tra hóa học nào của Trường cũng nhận được điểm 10. Đến mức Trường nghi ngờ, thì thào: "Có lẽ thầy cũng chẳng đọc xem tao làm bài thế nào." Vậy mà khi thầy Đường làm thí nghiệm, nhúng một sợi nhôm vào dung dịch muối thủy ngân rồi rút ra, chìa cho cả lớp xem và hỏi có thấy gì không, thì chàng học trò cưng của thầy lại trả lời rằng chẳng thấy gì cả, trong khi tôi nhìn thấy rất rõ hiệu ứng nhôm mọc lông tơ. Cao hứng, tôi làm luôn một câu: "Thưa thầy, bạn Trường lác ạ". Ai ngờ, thầy Đường quát lớn: "Thằng này mất dạy. Mày con cái nhà ai?" Lúc đầu tôi chẳng hiểu tại sao thầy lại nổi nóng đến thế, bởi thời ấy bọn trẻ vẫn quen dùng từ "lác" để trêu chọc, chê bai lẫn nhau, theo kiểu dễ thế mà cũng không thấy. Lát sau mới chợt nhớ ra, là mắt thầy hơi lác.

 

Thầy Đường dạy hóa rất điêu luyện, những kiến thức khô khan qua trình bày của thầy bỗng trở nên hấp dẫn. Song học trò lại xì xào là thầy Đường bất cần, chẳng biết sợ ai, vì thầy giỏi và có thâm niên giảng dạy thuộc loại cao nhất trường. Hơn nữa vợ thầy khi đó là Phó Ty Giáo dục Thái Bình, và học trò đồn rằng thầy từng tuyên bố: "Tôi còn trên cả Phó Ty." Kể nhiều như vậy về thầy Đường để nói rằng, nếu bị xem là bất cần, mà còn coi trọng thí nghiệm, thực hành đến thế, thì các thầy cô của chúng tôi giảng dạy nghiêm túc đến mức nào.

 

*  *  *

 

Thời ấy nhà trường rất chú trọng lao động, nên học trò phải thường xuyên tham gia lao động. Một trong những việc đầu tiên, mà chúng tôi phải làm khi học lớp 8C do thầy Bùi Xuân Trịch làm chủ nhiệm, là phá khu nhà xí và lấy gạch vỡ đầm nền nhà. Thay vì đứng đó chỉ tay điều khiển, thầy Trịch lẳng lặng làm mọi việc, chẳng chút nề hà. Học trò dù không muốn cũng phải làm theo, lười cũng khó. Năm tiếp theo, lớp 9C của chúng tôi được chia thành hai nhóm, một nhóm làm mành tre, một nhóm nuôi thỏ. Và đương nhiên, thầy Trịch luôn xắn tay làm cùng với cả hai nhóm.

 

Lên lớp 10 nhóm học sinh giỏi toán (Xuân Hoan, Tiến Toàn, Thanh Tuân, Như Hồng, Ngọc Hồng và tôi) được dồn cả về lớp 10A, do thầy Nguyễn Đình Ruật dạy toán làm chủ nhiệm và thầy Đào Văn Vĩnh dạy văn. Đó là lúc Mỹ lại ném bom và trường phải sơ tán về xã Phú Xuân mấy tháng. Công việc đầu tiên phải tiến hành là dựng lớp học, cùng với hệ thống hầm kèo tre bao quanh. Lúc tập kết tre luồng, nhóm học sinh giỏi toán được giao nhiệm vụ canh chừng vật liệu. Đêm đông tối mò, trời lại mưa rả rích, mấy đứa chụm đầu thắp ngọn đèn dầu để nhận biết hiện trường. Bỗng ai đó từ đâu tiến đến, giật cái đèn dầu rồi ném xuống ao. Như vậy là có chuyện rồi. Có lẽ đấy là một âm mưu, hủy nguồn ánh sáng để giữa đêm đen dễ bề ăn trộm. Nhận định như vậy, nên Hoan và tôi lò mò đến nhà thầy Ruật đang sơ tán, để báo cáo tình hình và xin thỉnh thị. Thầy cũng chẳng biết phải chỉ thị gì trong hoàn cảnh ấy, đành khoác lên người tấm chăn chiên rồi cùng hai đứa ra hiện trường. Cả đêm hôm ấy, mấy thầy trò ngồi bệt ở chân đống rạ, căng ni lông che mưa. Tấm ni lông thì bé, mà mưa lại to, nên ai nấy đều bị ướt. Rét run cả đêm, đứa nào đứa nấy đều cố kéo cái chăn của thầy, khiến nó bê bết đất. Thời đó, cái chăn cũng là một trong những tài sản đáng kể nhất của mỗi nhà. Mãi rồi trời cũng sáng. Mà cả đêm chẳng thấy tên trộm nào xuất hiện. Chợt hiểu ra, chắc ai đó bực mình vì chúng tôi thắp đèn ngoài trời, có thể khiến máy bay Mỹ phát hiện từ xa mà kéo đến ném bom, nên mới giật đèn ném xuống ao.

 

Vậy mà chúng tôi đã bắt thầy Ruật cùng thức, cùng chịu mưa suốt cả đêm đông. Hơn nữa, sáng ra mới ý thức được rằng, lúc Hoan và tôi đến báo tin thì thầy đang ốm, nên mới phải trùm chăn tới hiện trường. Hơn 40 năm đã trôi qua mà tôi vẫn thấy áy náy về chuyện ấy. Và càng thêm kính nể các thầy cô, những nhà giáo gương mẫu luôn lăn lộn cùng với học trò.

 

*  *  *

 

Lẽ ra, tôi học lớp chuyên toán của tỉnh Thái Bình đặt tại Trường Phổ thông cấp III Thị xã Thái Bình. Ty Giáo dục đã điều thầy Võ Khắc Đôn từ Phụ Dực về phụ trách lớp ấy. Nhưng rồi đột nhiên cấp trên lại quyết định không mở lớp chuyên toán thứ tư, sau ba năm đầu liên tục tuyển sinh. Vậy là tôi học ở lớp thường. Nhưng vẫn may mắn, được thầy Đôn bồi dưỡng và truyền thụ niềm đam mê toán học khoảng hai năm, cho đến ngày thầy vào quân đội. Cùng với thầy Đôn, nhóm học sinh giỏi toán còn được thầy Hùng, thầy Mạc, thầy Ruật, thầy Trịch và thầy Tuyết nhiệt tình bồi dưỡng.

 

Năm 1973 chúng tôi phải thi tốt nghiệp phổ thông với bốn môn toán, văn, lý, địa. Gần kỳ thi, ngoài những tiết học thông thường vào buổi sáng, thầy cô tập trung học sinh để ôn tập cả buổi chiều và buổi tối. Những ngày ấy, chắc thầy Ruật, thầy Vĩnh, thầy Từ, cô Thông và các thầy cô khác mệt lắm, ăn uống quá đạm bạc mà phải lên lớp quá nhiều.

 

Sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông lại đến kỳ thi đại học. Các thầy cô lại lao vào bồi dưỡng cho học trò thi một trong ba khối A, B, C. Đó cũng là lần đầu tiên đám học sinh khối A được thầy Từ và thầy Đường dạy cho những bài tập vật lý, hóa học thuộc loại hóc búa, khó hơn hẳn những bài trong chương trình thông thường.

 

Liệt kê những buổi học thêm như trên, chắc chẳng gây nổi ấn tượng nào cho thầy trò ngày nay, bởi bây giờ họ dạy và học thêm nhiều gấp bội. Song có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên, khi biết rằng thời ấy chúng tôi được thầy cô dạy thêm khá nhiều, mà hoàn toàn miễn phí, học trò chẳng hề phải đóng chút tiền nào. Khi đó chúng tôi quá vô tư, cứ điềm nhiên tiếp nhận lòng tốt của thầy cô, như thể hiển nhiên phải như thế. Mà không ý thức được rằng, chỉ mươi năm sau, diễm phúc mà chúng tôi từng được hưởng từ thầy cô thời đói kém sẽ trở thành chuyện cổ tích khó tin đối với thế hệ đi sau.

 

*  *  *

 

Sống xa Tổ quốc một thời gian dài, nên thỉnh thoảng tôi mới có dịp về Thái Bình để thăm thầy cô. Mỗi lần đến nhà thầy Trịch, thầy Ruật trong khu tập thể của trường, tôi lại đi qua cổng nhà thầy Hồi. Lưỡng lự một chút rồi đi tiếp. Chắc thầy Hồi chẳng nhớ nổi mình là ai, vì thầy là hiệu trưởng bao năm, từng tiếp xúc với hàng nghìn gương mặt. Mình chỉ là một học trò mà thầy từng gặp mấy chục năm trước, và chưa bao giờ trực tiếp giảng dạy. Rồi một lần tôi chậc lưỡi, thử vào thăm thầy xem sao. Ai ngờ, đang định tự giới thiệu, thì thầy đã hỏi thay cho lời chào: "Hoàng Xuân Phú hả?" Hóa ra, thầy không chỉ nhớ rõ họ tên của tôi, mà cả họ tên của bố mẹ tôi. Và không chỉ riêng tôi, rất nhiều bạn bè cùng lứa cũng được thầy Hồi lưu trữ lâu dài trong ký ức như vậy.

 

Rồi một hôm tôi tìm đến nhà thầy Trần Văn Đường và thưa rằng: "Sau hơn hai mươi năm kể từ ngày thầy mắng em mất dạy, hôm nay em trở về thăm thầy…". Thầy chỉ cười hiền hậu, chẳng hỏi "Mày con cái nhà ai" như ngày trước. Bởi cũng như thầy Hồi, thầy Đường vẫn nhớ cả tên tôi và tên của bố mẹ tôi. Ngày thầy qua đời, vừa nghe bạn Như Hồng báo tin, tôi vội bắt xe từ Hà Nội về Thái Bình. Đến nơi gia đình vẫn chưa phát tang, bạn học cũ cũng chưa kịp tới. Sau khi vợ con thầy mở đầu lễ viếng, người điều khiển tang lễ giới thiệu "học trò cũ của thầy Đường vào viếng". Ấy là vì tôi đề nghị chỉ nói như vậy. Sau đó cô Chi (vợ thầy Đường) trách: "Sao lúc viếng em không xưng tên?" Thưa cô, dù em không xưng tên thì thầy cũng nhận ra rồi. Vả lại, em còn muốn thay mặt cả bè bạn phương xa không về được.

 

Thầy cô thuở ấy giờ đây đã rẽ về nhiều ngả, chẳng còn nhiều người tiếp tục sinh sống ở Thái Bình. Thỉnh thoảng tôi về thăm thầy Vĩnh, thầy Trịch và những gia đình đã từng cưu mang thời sơ tán. Thuở còn nhỏ thầy Trịch gọi chúng tôi là em, xưng thầy. Bây giờ trò xưa đã đến tuổi về hưu thì thầy lại gọi là mày, xưng tao. Nghe gần gũi, ấm áp lạ lùng.

 

Hè năm lớp 8 cô Yến đưa Tuân và tôi lên tham quan Hà Nội, ở nhà bố mẹ cô khoảng một tuần. Khi chúng tôi lên lớp 10 thì cô chuyển nơi công tác, và cô trò mất liên lạc từ đấy. Gần 20 năm sau mới tìm được nhà cô ở Phường Quang Trung, Thị xã Thái Bình. Rồi cô Yến chuyển nhà lên Hà Nội, mà chuyển hai lần, vì thế lại thêm hai lần tìm nhà cô. Bây giờ cô Yến vào Sài Gòn chăm sóc con cháu, nên nhân một lần đi công tác tôi mới có dịp cùng Tuân ăn cơm với cô. Cũng nhân dịp vào Sài Gòn công tác, tôi mới gặp được thầy Từ. Lại nhớ cái đêm tối mò ở nơi sơ tán, lo tôi vấp ngã nên thầy Từ đưa cho một quyển truyện, bảo "đốt mà soi đường". Tiếc quá, tôi chẳng đốt mà giữ lại, và tất nhiên là phải lần mò từng bước giữa đêm đen, bốn bề ran tiếng chó sủa.

 

Có lẽ nhóm thầy cô đang sinh sống ở Hà Nội là đông nhất: Thầy Luân, cô Phụng, thầy Quýnh, cô Uyển Di, thầy Vân, cô Phương… Cô Thơm dạy chúng tôi tiếng Nga hai năm lớp 8 và lớp 9. Song khi đó tôi chẳng dám gần. Một mặt vì thấy cô có vẻ rất nghiêm, mặt khác cô là tố nữ Hà Thành, nên đối với đám học trò thôn quê thì cô thuộc đẳng cấp ngoại hạng. Thầy Quyết còn xa vời hơn, bởi thầy chưa bao giờ dạy lớp tôi. Ngoài dáng đẹp trai, thông minh của trí thức Hà Thành, thầy Quyết còn nổi tiếng về việc rèn luyện thân thể. Sáng nào thầy cũng chạy, rồi trần trục tắm nước lạnh bên cạnh cái bể ngoài trời, kể cả những ngày đông gió rét. Vì vậy, đám thanh niên co ro nhìn thầy như người đến từ một hành tinh xa lạ.  Ai ngờ, bây giờ thầy Quyết cô Thơm lại là cặp thầy cô mà nhóm chúng tôi gần gũi thân thiết nhất. Thỉnh thoảng cô Thơm lại nhắc nhở: "Lâu nay nhóm này không gặp nhau, bây giờ phải gặp gỡ thường xuyên hơn, tháng sau bắt đầu từ nhà tôi." Học trò chưa kịp mời thầy cô, thì thầy cô đã mời học trò.

 

Thầy Đôn vào bộ đội năm 1972. Hai năm sau thì tôi đi du học ở Cộng hòa Dân chủ Đức. Vậy là thầy trò bị mất liên lạc suốt bốn thập kỷ. Một lần đi công tác về, gặp Giáo sư Nguyễn Xuân Tấn, cùng công tác ở Viện Toán học, thì anh ấy nói: "Thầy Đôn đang tìm mày." Sao anh biết thầy Đôn? "Vì thầy mày cũng là thầy tao." Hóa ra, thầy Đôn đã từng dạy anh Tấn ở Trường Phổ thông cấp III Phụ Dực. Và nhóm anh Tấn vẫn gắn bó với thầy Đôn suốt nửa thế kỷ qua. Lúc cao hứng, anh Tấn còn tố cáo: "Dạo ấy thầy Đôn ăn đút lót của mẹ tao mấy củ khoai lang." Thầy phân bua: "Phải gạ, chúng nó mới đến để mình bồi dưỡng toán; dạy không công, mẹ nó biếu mấy củ khoai lang, chẳng nhẽ lại không nhận."

 

Một thế hệ thầy cô cần mẫn trong sáng, gặp lứa học trò vốn nghịch ngợm vô tư, nhưng lớn lên rồi cũng hiểu ra, nên trọng tình trọng nghĩa. Trôi với thời gian, mỗi người lênh đênh một phận. Rong ruổi đường đời, kẻ thì thành đạt kẻ thì chơi vơi. Song vẫn trọn lòng kính trọng thầy cô như thuở cắp sách tới trường.

 

*  *  *

 

Xa trường đã hơn bốn mươi năm, mà vẫn nghe văng vẳng tiếng kẻng một thời. Âm vang lan tỏa không trung, rồi đọng lại thành một thứ keo siêu việt, gắn bó tình thầy trò, và kết dính bền chặt lứa học trò chúng tôi với bao kỷ niệm sâu sắc của Trường Phổ thông cấp III Thị xã Thái Bình, nay mang tên THPT Lê Quý Đôn. Dường như tiếng kẻng vẫn rung cả thân cây xà cừ mảnh dẻ, nhắc nhở học trò thuở ấy chớ quên công ơn dạy dỗ của thầy cô, những nhà giáo của thời sống và làm việc theo lý tưởng cao đẹp, luôn hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu.

 

Hà Nội, ngày 2 tháng 11 năm 2015

 

 

 

 

 

 

 



©2010 by Hoang Xuan Phu