Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
1594273 visits
Phiêu lưu điện hạt nhân

 

Phiêu lưu điện hạt nhân

 

Hoàng Xuân Phú

 

dâng Tổ quốc

những đêm dài trăn trở,

nỗi âu lo

đè nặng những lo âu

 

Để bác bỏ quan điểm cho rằng điện hạt nhân vừa rẻ lại vừa an toàn,[1] tôi đã viết hai bài “Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân[2] và “Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ”.[3] Bài thứ nhất để chỉ ra rằng điện hạt nhân luôn luôn nguy hiểmkhông bao giờ có được công nghệ điện hạt nhân tuyệt đối an toàn. Bài thứ hai để khẳng định rằng điện hạt nhân đắt hơn hẳn tất cả các dạng điện năng khác nó hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh một cách sòng phẳng.

Với nhận thức ấy, trong bài này chúng ta sẽ cùng nhau xem xét chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam.

 

Quốc hội phán quyết

Thực ra, nhận thức về sự nguy hiểm và sự đắt đỏ của điện hạt nhân hoàn toàn không phải là điều mới lạ, kể cả ở Việt Nam. Báo chí trong nước đã đăng nhiều ý kiến cảnh báo, chỉ ra những mặt trái của dự án điện hạt nhân. Dưới tiêu đề “Điện hạt nhân không rẻ”,[4] Ngọc Trung đã tổng hợp một số thông tin đáng chú ý để minh họa cho luận điểm: Điện hạt nhân không chỉ hết sức tốn kém, mà còn phải nói là “đắt một cách không tưởng”.

Trong bài “Cần tuyên truyền trung thực về nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam”,[5] tác giả Hoàng Văn Dụ viết rằng chúng ta cần khoảng 15,387 tỷ USD để xây hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận và cuối cùng có thể giá sẽ đội lên 2,5 lần so với dự toán ban đầu, có nghĩa là chúng ta cần phải chi khoảng hơn 30 tỷ USD.

Đáng chú ý là loạt bài viết công phu của TS Vật lý Nguyễn Quốc Anh, đăng trên tạp chí Công Nghiệp,[6] trong đó đề cập đến nhiều khía cạnh khác nhau, kể cả tính an toàn và tính kinh tế, của điện hạt nhân. Ông cũng sử dụng dự đoán về tổng giá thành của hai nhà máy điện hạt nhân là 15,387 tỷ USD.

Các ý kiến kể trên và nhiều ý kiến khác nữa đều được công bố đủ sớm, hơn 6 tháng trước khi Quốc hội thảo luận và biểu quyết về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.  Hơn thế nữa, ngay từ năm 2004, đáp lại bài “Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam[7] của Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam PGS Vương Hữu Tấn đăng trên Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, GS Nguyễn Khắc Nhẫn đã phân tích một cách sâu sắc để chỉ ra rằng: “Điện hạt nhân không kinh tế mà còn rất nguy hiểm cho đất nước.[8]

Tinh thần trao đổi thẳng thắn và đầy trách nhiệm cũng thể hiện qua một số ý kiến được trình bày tại Quốc hội. Trong bài “Không thể để điện hạt nhân làm gánh nợ lớn cho con cháu”,[9] Hồng Khánh đã tường thuật lại phiên họp chiều ngày 13/11/2009 của Quốc hội. Đại biểu Bế Xuân Trường đã đặt câu hỏi:

Dự trữ quốc gia của ta 22 tỷ USD, một phần số đó đã dành cho các gói kích cầu. Nếu lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai phải mất 12 tỷ USD, vậy tiền đâu ra?

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương băn khoăn:

Nếu vay tới 75-85% vốn đầu tư, tức là phải lệ thuộc vào tài chính của nước ngoài thì liệu có làm chủ được mình? Điện hạt nhân trở thành gánh nợ của con cháu.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết phân tích:

12 tỷ USD đầu tư cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chiếm tới nửa ngân sách nhà nước. Đó là ta mới tính khi lựa chọn công nghệ lò phản ứng thế hệ hai, nếu lựa chọn thế hệ ba phải 16 tỷ USD, thế hệ ba cộng phải hơn nữa. Ta cũng chưa tính tới yếu tố trượt giá.

GS Nguyễn Minh Thuyết không tán thành chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân vì những lý do khác nhau, chẳng hạn: hiệu quả kinh tế của điện hạt nhân là rất thấp, không yên tâm về việc đảm bảo nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân...

Thiết tưởng, các ý kiến mang tính cảnh báo, chỉ ra mặt trái của điện hạt nhân và đề nghị Việt Nam không nên xây hoặc chưa nên xây nhà máy điện hạt nhân, đã đủ nhiều, trình bày rất thẳng thắn – đầy tâm huyết – đủ thuyết phục, và được đưa ra đủ sớm. Trách nhiệm còn lại là của những người lãnh đạo cao nhất và của tập thể Quốc hội. Nếu thành tâm lắng nghe ý kiến nhiều chiều để cân nhắc trước khi quyết định, thì góp ý như vậy cũng đã đủ để tham khảo. Còn nếu cứ dứt khoát hợp pháp hóa và thực hiện bằng được ý đồ đã định, thì có góp ý thêm bao nhiêu cũng vô ích, như vấn đề bô-xít Tây Nguyên chẳng hạn.

Mặc dù có nhiều ý kiến phản đối đến từ trong và ngoài Quốc hội, nhưng cuối cùng Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận trong phiên họp ngày 25/11/2009, với 382 (trong số 439) đại biểu tán thành, 39 người không tán thành, và chỉ có 18 vị không biểu quyết.[10]

Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội[11] quyết định lựa chọn “thế hệ lò hiện đại nhất” để xây hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi cái có công suất khoảng 2.000 MW, với tổng mức đầu tư cho hai nhà máy khoảng 200.000 tỷ đồng, tính theo thời điểm lập dự án vào quý IV năm 2008 là khoảng 12 tỷ USD, tức là bình quân 6 tỷ USD cho một nhà máy.

“Thế hệ lò hiện đại nhất” thì tất nhiên không thể là thế hệ 2. Sau thảm họa hạt nhân Fukushima, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã khẳng định Việt Nam sẽ sử dụng lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3 hoặc 3+.  Điều đáng lưu ý là Quốc hội quyết định chỉ chi khoảng 12 tỷ USD, chỉ bằng ¾ so với con số khoảng 16 tỷ USD mà đại biểu Nguyễn Minh Thuyết và các tác giả Hoàng Văn Dụ, TS Nguyễn Quốc Anh đã đưa ra.

Quốc hội dựa vào đâu để ấn định mức chi phí thấp như thế? Vì sao? Phải chăng, để được Quốc hội thông qua, người ta đã cố tình báo cáo với Quốc hội một mức giá thấp hơn hẳn, chỉ phù hợp với lò thế hệ cũ? Đặc biệt, đã không đưa vào dự toán nhiều khoản chi theo thông lệ quốc tế, ví dụ như khoản chi phí tháo dỡ (chiếm khoảng 20-25% tổng dự toán), phí bảo hiểm (cho mỗi lò phản ứng hạt nhân là 300 triệu SDR), bỏ qua khoản chi phí xây dựng đường tải điện từ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận tới đường dây cao áp 500 kV quốc gia (đã tính trong Báo cáo đầu tư là khoảng 1 tỷ USD tại thời điểm năm 2008).

 

Chính phủ ra tay

Trong buổi hội đàm với Thủ tướng Nhật Naoto Kan ngày 1/11/2010 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo là Việt Nam đã quyết định chọn Nhật Bản làm đối tác hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin này trong ngày 1/11/2010, như Nhân Dân,[12] Báo điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam,[13] Lao Động,[14] Sài Gòn Giải Phóng,[15] Tuổi Trẻ,[16] Người Lao Động,[17]... Các báo này đều đề cập đến cả chi tiết cụ thể là Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ cho Việt Nam vay khoản ODA trị giá 79 tỷ Yên (khoảng 1 tỷ USD), trong lúc hoàn toàn không nhắc đến giá trị hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, như thể điều đó chưa hề được bàn đến. Cách đưa tin của báo chí trong nước làm cho người đọc hiểu đó chỉ là động thái đầu tiên và phải một thời gian nữa mới hy vọng có ký kết cụ thể. Thế nhưng, một số báo ở nước ngoài đưa tin trong cùng ngày 1/11/2010, vào hôm trước (tức ngày 31/10/2010, một ngày trước khi báo chí trong nước chứng kiến “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo...), Nhật Bản và Việt Nam đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy Ninh Thuận 2 với trị giá khoảng 14,4 tỷ USD, ví dụ như Asahi Shimbun[18] và UPI (United Press International).[19] Hơn nữa, 7 tháng trước đó Forbes đã tiết lộ là người Nhật có vẻ đã móc nối được kênh nội bộ để giúp họ nhận được hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam với trị giá khoảng một nghìn tỷ Yên.[20] Gần 6 tháng sau khi báo chí nước ngoài công bố trị giá hợp đồng, báo Đại Đoàn Kết ngày 20/4/2011 đưa tin về việc khảo sát xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 và viết rằng tổng mức đầu tư dự toán là khoảng 200.000 tỷ đồng.[21] Chẳng biết thông tin lẻ loi này đáng tin đến đâu? Nếu nó đúng thì ít nhất cũng nói lên rằng riêng nhà máy Ninh Thuận 2 đã ngốn hết sạch số kinh phí mà Quốc hội đã duyệt cho cả hai nhà máy.

Thiết tưởng cũng nên lưu ý rằng, theo Asahi Shimbun, đây là lần đầu tiên các công ty Nhật  Bản xây dựng cơ sở điện hạt nhân ở một nước đang trên con đường công nghiệp hóa. Người Nhật đầu tư khắp nơi trên thế giới, từ lâu lắm rồi, vậy thì tại sao, với điện hạt nhân, Việt Nam lại là nơi... đầu tiên?

Trị giá hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 cũng là một bí ẩn. Nhiều tờ báo ở Việt Nam, ví dụ như Lao Động,[22] Sài Gòn Giải Phóng,[23] Dân Trí,[24] VnExpress,[25] chỉ đưa tin chung chung về lễ ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam diễn ra sáng 31/10/2010 tại Hà Nội, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, mà không hề đề cập đến giá trị hợp đồng, mặc dù có đi vào những chi tiết cụ thể, như “nâng kim ngạch thương mại lên 3 tỷ USD vào năm 2012 và 10 tỷ USD vào năm 2020”.

Các quan chức cao cấp của phía Nga cũng không đưa ra thông tin cụ thể, trong khi một nhân viên của tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom lại nói với hãng thông tấn AFP (Agence France-Presse) rằng hợp đồng này trị giá 4 tỷ Euro, tương đương với 5,6 tỷ USD.[26] Thông tin này của AFP được nhiều báo đưa lại, ví dụ như Nuclear Power Dail,[27] Bangkok Post,[28] Straits Times,[29] The Himalayan,[30]  Vietnam Business & Economy News,[31] ABS-CBN.[32] Ngày 30/10/2010, VTC (Việt Nam) đưa tin “Nga - Việt sẽ ký thỏa thuận hạt nhân trị giá 7,2 tỷ USD”, nhưng xem kỹ thì thấy bài viết này cũng chỉ dựa trên thông tin 4 tỷ Euro của AFP, song khi chuyển đổi thì tính nhầm 5,6 thành 7,2 tỷ USD.[33]

Cái giá 5,6 tỷ USD nói lên điều gì? Nếu một nhà máy giá 5,6 tỷ thì hai nhà máy cùng công suất, cùng thời gian và cùng vị trí sẽ hết khoảng 11,2 tỷ USD, tức là ở mức mà Quốc hội đã phê duyệt. Tuy nhiên, khó có thể coi giá này là hợp lý. Vì giả sử giá 5,6 tỷ USD là đúng, thì tại sao Chính phủ Việt Nam lại không mua luôn hai nhà máy của Nga (với tổng giá cho cả hai là 11,2 tỷ USD), mà lại chi những 14,4 tỷ USD (gấp 2,57 lần so với giá của Nga) chỉ để mua một nhà máy của Nhật Bản? Mua bán lành mạnh thì tất nhiên không thể làm như thế được. Vậy thì có lẽ con số 5,6 tỷ USD khác xa với sự thật, nhưng lại được tung ra như thuốc an thần, để làm yên lòng dư luận Việt Nam.

Theo bản tin điện tử Industrial Fuels and Power[34] ngày 4/10/2010, giá của nhà máy Ninh Thuận 1 là 200.000 tỷ đồng (tức là bằng toàn bộ số kinh phí mà Quốc hội đã phê duyệt cho cả 2 nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận), và bản tin này đã chú thích là tương đương với 10,2 tỷ USD. Cùng ngày, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ làm tròn thành 10 tỷ USD.[35] Điều này cũng khá phù hợp với thông tin của Business Monitor International số 2/2011, theo đó trị giá hợp đồng của nhà máy Ninh Thuận 1 là 10,6 tỷ USD và của Ninh Thuận 2 là 14,4 tỷ USD[36] (tức là trị giá hợp đồng Ninh Thuận 2 hoàn toàn trùng khớp với số liệu mà Asahi Shimbun và UPI đã đưa ra).

Bỗng thấy ứ nghẹn buồn tủi: Tại sao người nước ngoài thì được tỏ tường, mà dân ta với tư cách những người chủ – ít nhất là chủ của các món nợ phải trả – lại không được biết?

Các đại biểu Quốc hội khóa XII (tức là khóa chịu trách nhiệm về 2 dự án điện Ninh Thuận) có được biết thông tin về giá trị hợp đồng điện hạt nhân ký kết với Nga và Nhật Bản hay không? Nếu họ không được biết thì Quốc hội giám sát hoạt động của Chính phủ như thế nào?

Hơn một năm sau lễ ký hiệp định xây dựng nhà máy điện hạt nhân, trong buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 10/01/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thông báo rằng Chính phủ Nga đã đồng ý cho Chính phủ Việt Nam vay 8 tỷ USD để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1.[37] Điều này không mâu thuẫn với giá hơn 10 tỷ USD đã được trích dẫn ở trên, vì 8 tỷ USD chỉ là vốn vay của phía Nga, ngoài ra có thể còn phải huy động thêm các nguồn vốn khác nữa. Nhưng ít nhất có thể khẳng định rằng: Giá trị hợp đồng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 phải lớn hơn hoặc bằng 8 tỷ USD, tương đương với 168.000 tỷ đồng (theo tỷ giá tại thời điểm đó là 21.000 VNĐ/USD). Nghĩa là, chỉ khoảng 2 năm tính từ khi Quốc hội phê duyệt đến thời điểm Thủ tướng thông báo nói trên, giá một nhà máy đã tăng lên ít nhất thành 133% (nếu tính bằng USD) hoặc 168% (nếu tính bằng đồng Việt Nam).

 
Nỗi lo Ninh Thuận

Nếu tạm thời coi số 8 tỷ USD vốn vay của Nga, mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố, là giá trị hợp đồng của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, và nếu thông tin 14,4 tỷ USD cho hợp đồng Ninh Thuận 2 được tiết lộ trên báo chí là đúng, thì tổng trị giá của hai hợp đồng điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ ít nhất là 22,4 tỷ USD (tương đương 470.000 tỷ VNĐ ở thời điểm hiện nay). Đấy là một con số khổng lồ, cao gấp 2,35 lần so với mức mà Quốc hội cho phép. Nếu trị giá hợp đồng Ninh thuận 1 không phải là 8 tỷ USD, mà là hơn 10 tỷ USD, thì mức độ vượt quá phê duyệt của Quốc hội còn cao hơn nữa. Vốn thì không có, phải đi vay. Lãi suất phải trả cho số vốn này sẽ là bao nhiêu?

Đấy là chưa hề kể đến yếu tố đội giá (cost overrun) và rủi ro tỷ giá. Về yếu tố đội giá, người ta hay nhắc đến ví dụ của Darlington Nuclear Generating Station ở Canada, được khởi công xây dựng năm 1981 với dự trù kinh phí là 7,4 tỷ USD, nhưng năm 1993 mới hoàn thành với tổng chi phí là 14,5 tỷ USD, tức là tăng gần 2 lần so với dự toán thiết kế.[38] Hiện tượng đội giá không hiếm đối với các công trình xây dựng điện hạt nhân, một phần do phải giải quyết rất cẩn trọng mọi vấn đề bất ngờ nảy sinh, dẫn đến thời gian thi công có thể kéo dài đáng kể, và vì vậy lãi suất phải trả trong thời gian xây dựng cũng tăng lên nhiều. Về rủi ro tỷ giá, thì chỉ từ khi Quốc hội phê duyệt đến tháng 3/2013, tỷ giá đã tăng khoảng 27% (từ 16.500 VNĐ/USD lên 21.000 VNĐ/USD). Không thể bỏ qua yếu tố này, vì chúng ta sẽ phải vay vốn và trả vay cả gốc lẫn lãi bằng USD.

Khi tiêu tiền riêng để làm ra nhà máy của riêng, thì việc đội giá hay rủi ro tỷ giá chỉ là chuyện bị động, xảy ra ngoài ý muốn. Còn khi tiêu tiền chùa, thì ngoài việc chấp nhận yếu tố khách quan, nhiều lúc trạng thái “bị động” được hoạch định một cách cố tình. Khó khăn khách quan được nhân với ý muốn chủ quan, sinh ra giá khủng, điều đó không còn là chuyện lạ. 

Cuối cùng thì tổng chi phí cho việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ là bao nhiêu? Và chúng sẽ hoạt động thế nào? Đâu phải lúc nào việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng là trôi chảy. Nhà máy điện hạt nhân Mülheim-Kärlich ở CHLB Đức, với công suất 1.302 MW, được xây dựng từ năm 1975 đến 1986, mới hoạt động hơn 2 năm đã phải ngừng hoạt động vĩnh viễn vào tháng 9 năm 1988.[39] Có thể kể ra nhiều ví dụ buồn như vậy trên thế giới. Ở Việt Nam cũng không thiếu những bài học về những dự án kéo dài và tăng vốn đầu tư lên rất nhiều, mà điển hình là dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mới đi vào hoạt động mà đã phải ngừng hoạt động hết lần này[40] đến lần khác,[41] gây tốn thất lớn cho nền kinh tế quốc dân. Lấy gì để đảm bảo rằng điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ không đi vào vết xe đổ của lọc dầu Dung Quất, không bị sa lầy như dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, hay không bị chìm nghỉm như con tầu Vinashin?

Những người ủng hộ cho rằng lợi thế của điện hạt nhân là nhiên liệu rẻ. Thực ra đấy cũng là một mối lo. Michael Dittmar đã khảo sát và chỉ ra rằng giai đoạn uran giá rẻ sắp kết thúc, và viết rõ rằng khả năng khai thác uran trên thế giới không đủ để thỏa mãn nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy điện hạt nhân đang tồn tại và đang dự kiến xây dựng trong vòng 10-20 năm tới.[42] Nếu cảnh báo của Michael Dittmar là đúng, thì sau khi Việt Nam bỏ hàng núi tiền để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, lại phải tung tiền ra để tranh mua nhiên liệu hạt nhân đã trở nên đắt đỏ.

Để hóa giải lo lắng của dư luận về tương lai khó khăn của nhiên liệu hạt nhân, ông Vương Hữu Tấn (khi đó là Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam và nay là Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) đề xuất:

Do lượng nhiên liệu hạt nhân tiêu thụ hàng năm không lớn, nên Việt Nam có thể dự trữ trong nhiều năm, tức là đảm bảo được an ninh nhiên liệu trung hạn và dài hạn (nhà máy điện chạy than công suất 1.000MW hàng năm tiêu thụ 2,6 triệu tấn than, trong khi nhà máy điện hạt nhân cùng công suất hàng năm chỉ tiêu thụ khoảng 30 tấn nhiên liệu hạt nhân).”[43]

Nhưng muốn dự trữ lâu như vậy thì cũng phải có rất nhiều vốn, vốn làm kho dự trữ, vốn mua nhiên liệu. Vốn lớn kéo theo lãi suất phải trả cũng nhiều. Thêm vào đó là chi phí bảo quản. Cuối cùng, toàn bộ chi phí cho việc dự trữ sẽ cao hơn cả mức độ trượt giá của nhiên liệu.

Để minh họa, ta chỉ cần xét ví dụ sau đây: Theo dự đoán năm 2008 của EIA (U.S. Energy Information Administration, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ), giá nhiên liệu hạt nhân có thể tăng từ 0,58 USD/mmbtu trong năm 2007 lên 0,77 USD/mmbtu trong năm 2023,[44] tức là tăng thêm 33% sau 16 năm. Nếu vào năm 2007 ta dùng một khoản vốn với lãi suất 6,75% (đây là mức lãi suất danh nghĩa của 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ mà Bộ Tài chính phát hành ra thị trường vốn quốc tế vào cuối tháng 1/2010)[45] để mua nhiên liệu hạt nhân dự trữ, thì riêng lãi suất (kép) phải trả sau 16 năm là 184,37%. Chi ra 184,37% để tiết kiệm 33%, như thế có phải là một cao kiến hay không? Đấy là mới tính vốn dùng để mua nhiên liệu, hoàn toàn chưa tính đến vốn để xây dựng kho chứa và chi phí bảo quản. Ai cũng có thể mường tượng rằng, việc bảo quản nhiên liệu hạt nhân là rất tốn kém, hơn nữa còn rất nguy hiểm. Tai họa xẩy ra tại bể chứa nhiên liêu hạt nhân (đã qua và chưa qua sử dụng) ở tổ máy số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi[46] đã minh chứng cho điều đó. Không thể xử sự với nhiên liệu hạt nhân như những đống than, có thể quăng quật ngoài trời, để rồi dùng khối lượng hay thể tích làm cơ sở tư duy cho lý luận được. Nếu việc dự trữ nhiên liệu hạt nhân mà dễ dàng như vậy thì thiên hạ cũng đã làm từ lâu, đâu đến lượt mình.

Tốn kém về đầu tư xây dựng, tốn kém trả lãi suất vốn vay, tốn kém về đào tạo nhân lực, tốn kém nhiên liệu hạt nhân, tốn kém vận hành, tốn kém vì xử lý chất thải hạt nhân, tốn kém cho việc tháo dỡ nhà máy hết hạn sử dụng, tốn kém để cứu nạn... Chi phí chồng chi phí. Rồi đây, những “lỗ đen vũ trụ” này sẽ hút hết bao nhiêu của cải của dân, của nước? Bao tiền của bỏ ra, cuối cùng sẽ đem lại cái gì?

Nhưng nỗi lo về hiệu quả về kinh tế còn kém xa nỗi lo về hiểm họa. Bây giờ mới đào tạo nhân lực, mà lại xây một lúc 4 lò điện hạt nhân. Kể cả những người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận “nhân lực là... chưa ổn.” Lo lắng trước thực trạng này, GS Phạm Duy Hiển đã nhiều lần tha thiết kêu gọi:

Trong điều kiện Việt Nam chưa có bất cứ lợi thế nào để làm điện hạt nhân, nên lùi thời điểm bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân 10 năm để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng về nhân lực, tài chính, cơ sở hạ tầng về công nghiệp.[47]

Nói mãi mà phía mình không nghe, ông đành phải làm một chuyện bất đắc dĩ là viết thư ngỏ kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan:

... lùi thời hạn khởi công lại khoảng mười năm để nước Nhật giúp chúng tôi đào tạo đội ngũ chuyên gia thành thạo, thúc đẩy các dự án về năng lượng tái tạo, sớm xóa bỏ tình trạng sử dụng điện năng quá lãng phí và rất kém hiệu quả như hiện nay.[48]

Thật là khó xử cho ông Kan. Một khi Chính phủ Việt Nam đã cương quyết xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, thì dù ông Kan có muốn cũng khó mà chiều theo ý ông Hiển, vì nếu phía Nhật đơn phương quyết định lùi thời hạn khởi công thì sẽ bị... phía Việt Nam phạt vi phạm hợp đồng, rồi có thể bị cắt luôn hợp đồng. Biết đâu, nhà thầu Trung Quốc chỉ chờ có vậy... Nếu xảy ra chuyện thay vai diễn như thế, ông Kan sẽ bị giới kinh doanh Nhật chê, còn ông Hiển sẽ bị nhân dân Việt Nam trách. Éo le thay, đúng là làm phúc phải tội.

Tôi không dám nghĩ đến viễn cảnh một đội ngũ công nhân vừa mỏng về lực lượng, vừa hạn chế về trình độ và kinh nghiệm, lại chưa rũ bỏ được hết thói quen tùy tiện và làm ẩu, mà dàn người ra để điều khiển 4 tổ máy điện hạt nhân, dưới sự lãnh đạo của những người quen hành động theo “quyết tâm chính trị”. Dù sử dụng bất cứ công nghệ nào thì đó cũng là một môi trường lý tưởng để ươm mầm đại họa hạt nhân!

Không phải cố tình bôi bác dân mình đâu, mà ngay ở các nước công nghiệp rất phát triển thì con người cũng dễ trở nên “ngộ nghĩnh, đáng thương” khi đứng trước quái vật. Cẩn thận và chặt chẽ như người Đức mà một bác thợ cả lại biểu diễn cho công nhân học nghề xem cách nối mạch điện ngay giữa nhà máy điện hạt nhân Lubmin (Greifswald), rồi gây ra hỏa hoạn,[49] dẫn đến một trong 17 vụ tại nạn điện hạt nhân nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20.[50] Dày dạn kinh nghiệm như người Liên Xô, những người đã xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên thế giới (Obninsk Nuclear Power Plant 1954),[51] đang yên đang lành lại diễn tập xử lý sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Chernobyl, mô phỏng trường hợp mất điện toàn bộ, để rồi dẫn đến thảm họa điện hạt nhân lớn nhất trong lịch sử nhân loại.[52] Đôi khi, duyên cớ dẫn đến thảm họa cứ như chuyện đùa. Làm sao học hết được chữ “ngờ”...

Đọng lại là những nỗi lo: Điều gì sẽ chờ đợi dân ta sau các dự án điện hạt nhân? Điều gì sẽ xảy ra với đồng bào Ninh Thuận? Điều gì sẽ đến với nhân dân 4 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi, những nơi đã được chọn để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, sẽ bắt đầu vận hành trong khoảng thời gian từ 2020 đến 2030?[53] Nếu sự cố xảy ra thì hệ thống y tế tàn tạ hiện nay làm sao gánh nổi? Với tổng sản phẩm quốc gia chỉ bằng 1/53 so với Nhật Bản,[54] Việt Nam lấy đâu ra tiền của để khắc phục hậu quả nếu có sự cố hạt nhân?

Mong Trời thương Dân mình, đã đủ khổ rồi, không gây thêm thử thách.

Xin thành tâm cầu nguyện cho Đồng Bào của con được bình an!

 

Nỗi niềm trăn trở

Toàn bộ tư liệu mà tôi dùng để viết ba bài về điện hạt nhân đều được lấy từ internet, với nguồn gốc được khai báo rõ ràng. Tôi không nhận được thông tin từ bất cứ ai (ngoài gợi ý về bài báo của nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz[55] đăng trên Tia Sáng ngày 20/5/2011) và không dùng bất cứ tài liệu mật nào. Đương nhiên, thông tin tham khảo có thể không chính xác, và điều đó chẳng lạ trên thế giới này. Dựa vào thông tin sai thì có thể rút ra kết luận sai, nhưng nếu chuyện ấy xảy ra thì không phải là lỗi của riêng tôi.

Chính phủ chỉ tiêu tiền của dân. Kể cả tiền Chính phủ vay của nước ngoài cũng nhân danh nhân dân Việt Nam và cuối cùng thì dân cũng phải góp mà trả. Tài nguyên lấy từ dưới lòng đất cũng là của toàn dân, của cả muôn đời con cháu mai sau. Vậy thì lẽ ra phải xin ý kiến dân, hay ít nhất cũng phải báo cáo với dân. Tại sao tiêu tiền của dân mà lại không cho dân biết?

Với bản năng của một nhà khoa học là luôn đặt câu hỏi, chưa thông và chưa tin bằng nào chưa tìm được cơ sở hợp lý để nâng đỡ niềm tin, tôi đã huy động khả năng tư duy và hiểu biết của mình, mà vẫn chưa tìm được bất cứ một lý luận khoa học hay lý lẽ đời thường nào có thể biện hộ cho cái quyền giấu dân khi tiêu tiền của dân. Bình thường thì đã khó chấp nhận cái quyền giấu dân ấy, trong hoàn cảnh tham nhũng là quốc nạn, trên chồi cây có cả bầy sâu (theo cách ví của ông Trương Tấn Sang),[56] thì lại càng không thể chấp nhận được. Hơn nữa, tại sao dân mình thì bị giấu, trong khi người nước ngoài được biết (những người mà hôm nay được gọi là nhà kinh doanh hay nhà đầu tư nước ngoài, nhưng mới cách đây chưa đầy ba chục năm vẫn bị lý luận chính thống coi là những kẻ bóc lột, thuộc lực lượng thực dân kiểu mới)?

Nếu Chính phủ công khai các thông tin liên quan đến điện hạt nhân, thì tôi cũng chẳng phải mất công tìm kiếm trên internet để mà vấp váp. Trong hoàn cảnh không có nguồn chính thống, tôi không còn lựa chọn nào khác, và đành giả thiết rằng: Nếu những thông tin mà tôi sử dụng là sai thì, như thông lệ, chắc người phát ngôn của Bộ Ngoại giao hay ai đó với chức năng tương tự đã phải đứng ra bác bỏ rồi. Những chuyện bao người chứng kiến mà còn phủ nhận được, huống chi là thông tin sai, lại có thể gây hiểu lầm Chính phủ.

Như đã trao đổi trong hai bài “Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân” và “Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ”, điện hạt nhân rất rất nguy hiểm và cũng rất rất đắt, đắt hơn nhiều so với tất cả các dạng điện năng khác. Vậy thì Việt Nam có nên xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay không? Đồng ý là ta cần phải xây thêm nhiều nhà máy điện thì mới đáp ứng được nhu cầu năng lượng, nhưng vì sao lại chọn loại điện năng vừa đắt nhất, vừa nguy hiểm nhất?

Áo đã xây xong nhà máy điện hạt nhân Zwentendorf (đầu tiên và cũng là duy nhất) mà lại quyết định không đưa vào sử dụng, vì tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý vào năm 1978.[57] Ở Bỉ, Thượng viện đã chấp thuận Đạo luật Liên bang ngày 31/1/2003, theo đó nghiêm cấm việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân và hạn chế thời gian hoạt động của các nhà máy hiện có trong vòng 40 năm.[58] Ở Tây Ban Nha, sau lệnh cấm xây dựng mới nhà máy điện hạt nhân vào năm 1983, chỉ có 2 lò phản ứng được tiếp tục hoàn thành và 5 lò bị bỏ dở.[59]

Sau thảm họa hạt nhân Fukushima, năm nước Áo, Đan Mạch, Hy Lạp, Irland và Luxemburg đòi toàn bộ châu Âu rút khỏi năng lượng hạt nhân;[60] Israel dừng kế hoạch xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên;[61] Trung Quốc ngưng cấp phép xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân...[62] Ở Italy, Chính phủ của Thủ tướng Silvio Berlusconi đã phải khuất phục trước kết quả của cuộc trưng cầu ý kiến toàn dân được tổ chức vào ngày 12/6/2011, với kết quả áp đảo là gần 96% người tham gia bỏ phiếu phản đối điện hạt nhân.[63] Ngày 30/6/2011, Quốc hội Đức đã thông qua kế hoạch rút khỏi điện hạt nhân tới năm 2022, với 85,5% phiếu thuận, 13,2% phiếu chống và 1,3% phiếu trắng.[64]

Tiếp theo là ai? Vâng, chính Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan – người đến Hà Nội đầu tháng 11/2010 và được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng  thông báo: Việt Nam quyết định chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác và giúp Việt Nam thực hiện xây dựng nhà máy điện hạt nhân số 2 tại Ninh Thuận[65] – đã tuyên bố trong cuộc họp báo tại Tokyo, ngày 13/7/2011, rằng:

Bằng cách giảm dần sự lệ thuộc vào năng lượng hạt nhân, chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu trở thành một xã hội có thể tồn tại mà không có điện hạt nhân.

Xem xét nguy cơ nghiêm trọng của các tai họa hạt nhân, chúng tôi cảm nhận mạnh mẽ rằng chúng ta không thể cứ tiếp tục dựa trên lòng tin là chỉ cần tìm cách đảm bảo an toàn hạt nhân.[66]

Liệu có cần ông Kan phải nói rõ hơn nữa không?

Họ có tất cả: Tiền của, công nghệ siêu đẳng, nhân lực lành nghề, với bao nhiêu nhà máy điện hạt nhân sẵn có, vậy mà còn phải tiến tới dẹp bỏ. Việt Nam tay trắng, thiếu vốn, thiếu kiến thức và kinh nghiệm, thiếu nhân lực, thiếu đủ thứ, sao lại đi vay tiền để mời họ đến xây nhà máy điện hạt nhân?

Nếu dùng số kinh phí (ít nhất là) 22,4 tỷ USD dành cho hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận để xây dựng các nhà máy nhiệt điện, với tỷ lệ đầu tư 1,6 tỷ USD cho 1.200 MW như ở nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 (khởi công ngày 1/3/2011),[67] thì sẽ tạo ra khoảng 16.800 MW công suất điện, tức là gấp hơn 4,2 lần tổng công suất 4.000 MW của cả hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Vậy thì quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân có phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam là rất thiếu vốn và rất thiếu điện hay không?

Vì sao một số người muốn xây dựng nhà máy điện hạt nhân bằng được? Họ đưa ra nhiều lý do, nhưng phải chăng chỉ là ngụy biện?

Nếu quả thật là lo cho sự thiếu hụt nhiên liệu trong tương lai, thì tại sao vẫn cho xuất khẩu than ồ ạt?[68] – Trong khi biết rõ nguồn than trong nước sắp cạn kiệt và nhu cầu nhập than sẽ tăng từ 10 triệu tấn vào năm 2012 lên 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2020, gấp gần 2,5 lần tổng số than khai thác của Việt Nam hiện nay.[69]

Nếu quả thật là lo cho an ninh năng lượng quốc gia thì tại sao lại để các nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất… của Việt Nam trong tổng thầu EPC?[70] – Mặc dù biết rõ là công nghệ của họ còn nhiều hạn chế, tốn nhiều than, gây ô nhiễm môi trường,[71] và đôi khi chỉ phù hợp với “than lạ”. Khi nghe nhà thầu Trung Quốc mang sang Việt Nam từng cái đinh vít, một số người chỉ nghĩ đến chuyện dân mình mất công ăn việc làm, mà chưa nhận ra điều đáng lo nhất là những nhà máy mình bỏ tiền ra mua sẽ hoàn toàn lệ thuộc vào họ trong suốt quá trình vận hành, vì chỉ họ mới có phụ tùng thay thế và nguyên liệu đặc chủng.[72]

Hẳn nhiều người còn nhớ cảnh gần hai vạn công nhân khu gang thép Thái Nguyên phải chơi dài mấy năm do Trung Quốc ngừng cung cấp than mỡ, và Hội đồng Bộ trưởng (tức là Chính phủ thời bấy giờ) phải ra Quyết định số 155/HĐBT, ký ngày 16/12/1981,[73] với đoạn mở đầu:

“Hiện nay Xí nghiệp liên hợp Gang thép Thái Nguyên đang ở trong tình trạng sản xuất bị suy giảm nghiêm trọng, có nguy cơ bị ngừng hẳn do có những khó khăn về nguyên liệu, về thiết kế dây chuyền sản xuất...”

Ai có thể đảm bảo rằng rồi đây hai nước sẽ luôn luôn tương đồng, hòa hợp? Nếu một ngày “trái gió trở trời”, “bạn không kịp cung cấp” nguyên liệu và phụ tùng thay thế thì sẽ ra sao? Các nhà máy điện lệ thuộc sẽ lần lượt ngừng hoạt động. Mất điện thì các cơ sở dùng điện cũng phải ngừng theo. Vậy là nước mình trở thành con tin... Hệ thống các nhà máy điện và các công trình huyết mạch của nền kinh tế quốc gia do Trung Quốc thầu xây dựng kết thành chiếc vòng kim cô chụp lên đầu dân tộc Việt Nam. Sao lại trao cho “láng giềng tốt” cái vòng kim cô ấy? Nếu vừa thấy người ta chắp tay trước ngực, mình đã lo sợ câu thần chú, thì an ninh, tự chủ kiểu gì?

Ngày 16/5/2011 AsiaNews.it đưa tin là “Bắc Kinh dự định sẽ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ 2 ở các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam...[74] Báo chí trong nước cũng đã từng cho biết: “Ngoài Liên bang Nga, Việt Nam cũng đã xem xét đề xuất hợp tác từ Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc trong vấn đề phát triển năng lượng hạt nhân.[75] Hãy tưởng tượng xem: Nếu Trung Quốc triển khai điện hạt nhân ở Việt Nam thì sẽ thế nào? Trong thời gian qua, việc Trung Quốc thắng thầu ở Việt Nam đã thành thông lệ. Nhưng lần này thì không chỉ là nhà máy điện, mà là điện hạt nhân...

Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận quyết định lựa chọn “thế hệ lò hiện đại nhất” để xây hai nhà máy với tổng công suất khoảng 4.000 MW và tổng đầu tư khoảng 200.000 tỷ đồng. Điều này không khả thi, kết cục là Chính phủ Việt Nam ký hai hợp đồng với Nga và Nhật Bản với tổng trị giá vượt xa mức được Quốc hội cho phép. Nghị quyết 41/2009/QH12 quy định công nghệ lựa chọn phải “bảo đảm tuyệt đối an toàn”. Điều này cũng không khả thi, vì không tồn tại công nghệ điện hạt nhân tuyệt đối an toàn.

Đặc biệt, tại điều 2, khoản 2 của Nghị quyết 41/2009/QH12, còn có một yêu cầu rất khó hiểu là “bảo đảm ... hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư”. Như đã trao đổi trong bài Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ, nếu tính đúng, tính đủ thì điện hạt nhân hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế. Nhưng “tại thời điểm lập dự án đầu tư” thì nhà máy chưa hề được xây dựng và tất nhiên là chưa được vận hành, vậy làm sao biết được dự án có “hiệu quả kinh tế” hay không? Nếu chỉ đòi hỏi “tại thời điểm lập dự án đầu tư” thì khi đi vào khai thác cũng chẳng cần có hiệu quả kinh tế nữa. Do đó, đòi hỏi về hiệu quả kinh tế có cũng như không, kiểu gì cũng có thể coi là thỏa mãn. Phải chăng các kiến trúc sư của dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã biết rằng khi vận hành thương mại sẽ không có hiệu quả kinh tế, cho dù áp dụng miếng võ bỏ bớt khoản chi khi tính giá thành mà các nước khác vẫn làm? Và phải chăng vì vậy, họ đã cài sẵn ở điều khoản này một cái lẫy để mở đường thoát hiểm khi cần đến? Triển khai sai hóa đúng. Hóa đúng vì nghị quyết sai. Khi cả hai đều sai thì ai trách được ai? Vậy thì cả hai cùng đúng.

Soạn thảo và đệ trình một nghị quyết mà mấy mục tiêu chính không khả thi hoặc vô nghĩa thì có thể chấp nhận được hay không?

Thông qua một nghị quyết như vậy có hợp lý hay không?

Khi Nghị quyết số 41/2009/QH12 của Quốc hội đã quy định tổng chi phí cho cả hai nhà máy là khoảng 12 tỷ USD thì những người thừa hành có quyền ký hợp đồng với tổng trị giá là 22,4 tỷ USD, hoặc cao hơn nữa, hay không? Ai có quyền quyết trái với nghị quyết của Quốc hội?

Giả sử việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 41/2009/QH12 là do tác động của những thông tin không đầy đủ và thiếu chính xác, hoặc nói nhẹ nhất là không còn phù hợp với thực tiễn, thì khi phát hiện ra điều ấy, Quốc hội có nên xem xét lại nghị quyết ấy hay không? Có nên tặc lưỡi cho qua hay không, khi dự án điện hạt nhân Ninh Thuận có thể đem lại những hậu quả nặng nề cho đất nước?

Nghị quyết 41/2009/QH12 của Quốc hội quy định tổng mức đầu tư cho cả hai nhà máy Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2 là khoảng 200.000 tỷ đồng. Theo Nghị quyết số 49/2010/QH12 của Quốc hội[76] ban hành ngày 19/6/2010 thì phải trình Quốc hội quyết định các dự án, công trình với “tổng vốn đầu tư từ ba mươi lăm nghìn tỷ đồng trở lên, trong đó vốn nhà nước từ mười một nghìn tỷ đồng trở lên”. Sau khi ký kết với Nga và Nhật Bản thì chỉ riêng phần tăng thêm 22,4 – 12 = 10,4 tỷ USD (tương đương 218.400 tỷ đồng) của hai nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận đã vượt 6,24 lần so với mức quy định phải trình ra Quốc hội là 35.000 tỷ đồng. Nếu so với mức vốn nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa, đến gần 20 lần. Vậy thì Quốc hội có cần phải xét duyệt riêng phần điều chỉnh ấy hay không?

Nếu phần điều chỉnh ấy được mặc nhiên chấp nhận, hoặc sẽ được Quốc hội thông qua, thì lấy gì để đảm bảo rằng sau này sẽ không tái diễn việc ngụy tạo hồ sơ, khai tụt giá xuống còn một nửa, để dễ bề thông qua ở Quốc hội, rồi sau đó sẽ đóng vở điều chỉnh giá?

Nếu chấp nhận trò ảo thuật ấy thì việc xem xét của Quốc hội còn có ý nghĩa gì nữa? 

Nếu Quốc hội không thông qua phần điều chỉnh giá, khiến công trình bị bỏ dở, thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lãng phí khổng lồ này?

Nếu cứ bất chấp, làm bằng được, rồi sau này xảy ra hậu họa, thì ai sẽ đứng ra chịu tội? Người mới nhậm chức hay kẻ đã hạ cánh an toàn? Cuối cùng, ai sẽ phải chịu trách nhiệm với dân, với nước?

Bấy nhiêu câu hỏi, xin nhường cho bạn đọc tự trả lời, để rút ra kết luận cho bài này, và cho cả bản thân: Mình phải làm gì đây?

Chỉ xin bình luận thêm một chút: Trong số những người phải chịu trách nhiệm về những quyết sách sai lầm có cả những công dân thấu hiểu mặt trái của vấn đề mà không chịu lên tiếng và những vị không đủ hiểu biết về vấn đề liên quan mà vẫn tùy tiện bỏ phiếu tán thành.

Thế hệ này đã phung phí tài nguyên mà tổ tiên dành dụm suốt ngàn năm, để lại cho con cháu môi trường bị tàn phá nặng nề cùng với những món nợ kếch xù. Biện hộ là vay để xây dựng những công trình có ích cho cả những thế hệ mai sau, nhưng mấy chục năm nữa thì chúng chỉ còn là những đống rác thải mà con cháu phải chi hàng núi tiền mới mong dọn dẹp được. Vậy mà vẫn vô tư, tự đắc, rồi chờ đợi con cháu sẽ tôn trọng và biết ơn hay sao?

 

Viết xong ngày 17/7/2011 – Cập nhật ngày 27/3/2013



[4] Ngọc Trung (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 22/2/2009): “Điện hạt nhân không rẻ”

[7] Vương Hữu Tấn (Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 13/5/2004 & 20/5/2004): “Phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam”

[18] The Asahi Shimbun 1/11/2010: “Japan bags Vietnam nuclear deal”

[29] Straits Times 31/10/2010: “Vietnam, Russia ink deal”

[31] Vietnam Business & Economy News 29/10/2010: “Russia to build Vietnam's first nuclear plant”

[36] Business Monitor International 2/2011: “Vietnam Infrastructure Report Q2 2011”

[38] http://en.wikipedia.org/wiki: “Economics of new nuclear power plants”

[39] http://de.wikipedia.org/wiki: “Kernkraftwerk Mülheim-Kärlich”

[42] Michael Dittmar (Institute of Particle Physics, Zurich, 17/6/2011): “The end of cheap uranium”

[44] Stan Kaplan 13/11/2008: “Power plants: Characteristics and costs”, CRS Report for Congress

[49] http://de.wikipedia.org/wiki: “Kernkraftwerk Greifswald”

[50] http://www.atomicarchive.com: “Major nuclear power plant accidents”

[51] http://en.wikipedia.org/wiki: “Nuclear power”

[52] http://de.wikipedia.org/wiki: “Katastrophe von Tschernobyl”

[54] http://en.wikipedia.org/wiki: “List of countries by GDP (nominal)”

[55] Joseph E. Stiglitz (Tia Sáng 20/5/2011): Đặt cược cả Trái đất vào sự rủi ro (Bùi Đại Dũng dịch)

[58] World Nuclear Association: “Nuclear power in Belgium”

[59] World Nuclear Association: “Nuclear power in Spain”

[66] Channel NewsAsia 13/7/2011: Japan PM urges nuclear-free future”

[68] Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 15/5/2008: “Sao lại ồ ạt xuất khẩu than”

[69] Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn 23/6/2011: “Bán cái chủ động để mua bị động!”



©2010 by Hoang Xuan Phu