Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
001579642 visits

 

Oan ức trĩu Hồn Cây

 

Hoàng Xuân Phú

 

chìm chung bể khổ

vạn người oan ức

huống hồ ngàn cây

 

Than ôi, mới ngày nào còn to khỏe, trẻ trung, đứng thẳng, vươn cao, tỏa bóng mát bên đường. Vậy mà nay tai họa "chủ trương" đã biến bạn thành cây thiên cổ. Thôi đành duỗi rễ xuôi cành mà bồng bềnh nơi chín suối, sung sướng chi mà tiếc nuối chốn Hà Thành.

 

1. Nới chút mối ấm ức

 

Bạn ấm ức mình bị chết oan ư? E rằng sẽ bị quy là sai quan điểm. Trên mảnh đất dân chủ gấp vạn lần xứ tư bản, cái chết luôn phù hợp với quy luật, đúng với chủ trương đường lối và được thực hiện đúng quy trình, ngay cả trong trường hợp có kết luận rằng bạn đã tự tử trong khi làm việc với chính quyền Thành phố.

 

Bạn than vãn mình phải chết quá trẻ ư? E rằng sẽ bị phê là chưa thấm nhuần tư tưởng. Cụ Hồ từng dạy: "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người." Được nhắm cho lợi ích trăm năm, mà khối người còn phải chết non lúc mới được mấy mươi. Còn bạn, vốn chỉ được gán với lợi ích mười năm, mà các học trò trung thành vẫn rộng lượng, hay lãng quên, để cho bạn sống yên suốt mấy chục năm, rồi bây giờ mới ra tay đốn hạ. Như vậy thì đâu có bị thiệt thòi hơn người? Thôi thì cứ coi mình như người lính trẻ, phải chết trận trong chiến tranh.

 

Nhưng đây là một trận… khai thác gỗ phi nghĩa, nên sự hy sinh của bạn là vô ích sao? Phi nghĩa chỉ là cách nói của bạn, chứ bất cứ ai chủ chiến cũng đều khẳng định mình là chính nghĩa. Còn có ích hay không thì còn tùy thuộc vào tầm nhận thức. Hãy trau dồi lý luận chủ nghĩa… rồi hãy đánh giá. Rõ ràng, nhờ tiền bán gỗ, tiền chênh lệch cây giống và bao khoản dư ra khác, một số quan chức sẽ giàu nhanh hơn. Theo cách nói của cụ Râu Xồm, thì kiểu làm giàu đó cũng thuộc dạng tích lũy tư bản nguyên thủy. Quá trình ấy càng tiến triển nhanh bao nhiêu, thì càng sớm đến ngày nứt đố đổ vách bấy nhiêu. Lúc đó, giới tư sản đỏ có thể mãn nguyện chùi lớp son phấn hóa trang, để công khai thừa nhận, rằng họ chẳng theo thứ chủ nghĩa nào sất. Nhờ thế, Dân tộc ta sẽ sớm vượt qua giai đoạn kinh tế thị trường định hướng giả dối. Vậy thì sự hy sinh của bạn nào có vô ích?

 

Nhưng không được triệt tiêu bóng mát ư? Bóng mát để làm chi? Che nắng cho đám tập trung đông người trái phép à? Thích mát, sao không hóng ở những nơi khang trang hiện đại như Bảo tàng Hà Nội,  mà lại bỏ hoang, phí phạm cả tài sản toàn dân?

 

Nhưng không được chặt những cây to cao, mà phải chặt vô vàn những cây thấp lè tè đang che chắn đèn hiệu và biển điều khiển giao thông ư? Đã tốn công thì không ngu gì mà làm chuyện vô ích. Thời buổi này, đến bà con nông dân cũng nấu ăn bằng than, bằng ga, thậm chí nấu bằng điện, thì chặt củi để bán cho ai? Hơn nữa, nhờ cây che chắn nên các "anh hùng núp" mới dễ gom tiền phạt. Chặt cây ngụy trang là chặn đường hành nghề của họ, tức chống người thi hành công vụ, cũng là chống chế độ, để vào tù hay sao?

 

Nhưng tại sao lại trồng cây mỡ nhân danh vàng tâm ư? Ăn nhau chính là chỗ ấy. Trước mắt là phải trồng nhầm cái đã, có thế mới chén được khoản chênh lệch tiền giống. Cây mọc lù lù, chẳng trốn đi đâu, nên hiển nhiên sẽ có người phát hiện và góp ý. Lúc ấy chỉ việc tiếp thu, lại được thêm tiếng thơm là thành khẩn, cầu thị. Và nhờ vậy có cớ để mấy năm tới trồng lại từ đầu. Không làm sai, thì lấy đâu ra thành tích sửa sai, làm gì có công đổi mới? Cũng giống như vỉa hè, nếu lát chắc chắn ngay thì lấy cớ gì để vài năm sau lật lên lát lại? Muốn tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trên đầu thiên hạ, thì luôn phải năng động sáng tạo ra đủ thứ dự án. Từ dự án sát nhập đến dự án cao tốc, dự án sân bay… Từ dự án nhớ ơn đến dự án tôn thờ, dự án kỷ niệm, dự án vinh danh… Từ dự án quán triệt đến dự án học tập, dự án làm theo… Từ dự án tình nghĩa đến dự án cứu trợ… Dự án phải đè lên dự án. Dự án phải đẻ ra dự án. Tư duy dự án đã trở thành công nghệ đắc lực để lái dòng ngân sách, nhắm tới mục tiêu "Tất cả vì lợi ích… đầy tớ của dân". Không chỉ "đầy tớ" được hưởng lợi, mà dân cũng được phần "xuống nia". (Có điều, đó là phần "lọt giần" chứ không phải "lọt sàng".) Chỉ ở trong guồng máy, đứng trên tầm quản lý, mới mong thấu hiểu được mức độ sáng suốt của ý tưởng dự án thay thế cây xanh và bao dự án khác.

 

Nhưng phải tôn trọng pháp luật, không được làm trái pháp luật ư? Chớ có lẩn thẩn như vậy. Văn bản dưới luật thì vi phạm luật. Luật thì vi phạm Hiến pháp. Hiến pháp thì tự mâu thuẫn, vi phạm chính mình. Bản thân pháp luật chẳng tôn trọng pháp luật, thì còn đòi ai phải tôn trọng pháp luật nữa? Pháp luật còn trái pháp luật, huống chi là người? Vả lại, dưới gầm trời này, loài người còn phải chung sống với luật rừng, huống hồ là loài cây.

 

Nhưng phải hỏi ý kiến dân ư? Đừng quá chú trọng tiểu tiết như thế. Cái lớn lao như Hiến pháp Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân mà còn chẳng cần phải đoái hoài tới ý dân, thì tại sao lại phải hỏi dân về cái chuyện vặt chặt cây ngoài đường cho rách việc?

 

Quần chúng nhân dân bức xúc, xuống đường phản đối ư? Nên thận trọng khi xem xét hiện tượng này. Cái trò "quần chúng nhân dân bức xúc" thì Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị chẳng lạ, nên ông đã thẳng thắng vạch trần:

"Nhân danh bảo vệ cây xanh nhưng thực ra là chống chế độ, chống lại chính quyền các cấp."

Cho dù khó tiêu hóa cái món đánh đồng bản thân với chế độ để tự vệ, thì cũng nên hiểu rằng một nhà lý luận hàng đầu không có nói vu vơ. Chắc hẳn ông ấy có đầy đủ lý lẽ, và lý lẽ đó có thể đại khái như sau. Chẳng chấp làm gì một nhúm "biểu tình viên chuyên nghiệp", động tí là lại phản đối phản đối, gây rối trật tự công cộng, tiếp tay cho thế lực thù địch phá họa hình ảnh Thủ đô, khiến lãnh đạo phải huy động lực lượng "quần chúng tự phát" phối hợp với công an cương quyết xử lý. Còn những người khác thì sao? Họ luôn nín lặng, như thể chẳng có gì đáng để bận tâm. Họ luôn chấp nhận, như thể mọi thứ sản phẩm của đảng đều hợp với lòng dân. Thậm chí, đã hàng triệu lần đài báo nói đại rằng "nhân dân đồng tình ủng hộ", nhưng chẳng bao giờ họ cãi lại là không phải. Thế thì tại sao bây giờ lại đột nhiên giở chứng? Nổi hứng chống tham nhũng ư? Bao vụ còn tày đình gấp nghìn lần, gây thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng, thì tuyệt đối làm thinh, sao bỗng dưng lại kéo nhau xuống đường chỉ vì mấy chục tỷ đồng ngân sách? Vì ảnh hưởng tới khí hậu, môi trường, gây tổn thương cho lá phổi của Hà Nội ư? Rõ là ngụy biện. Khí hậu, môi trường không phải là chuyện cục bộ địa phương, mà luôn chịu tác động toàn cục, bởi cả việc khai thác bô-xít ở Tây Nguyên, bởi cả việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, bởi cả việc lấp sông ở Đồng Nai… Lá phổi của Hà Nội không chỉ co quắp trong quần thể cây xanh trên địa bàn Hà Nội, mà trải rộng khắp những cánh rừng bị triệt phá nơi nơi… Vậy mà có thấy họ kêu ca, xuống đường bao giờ đâu? Nếu bình thường họ luôn quan tâm nhắc nhở, lên tiếng phê bình phản đối mỗi khi gặp chuyện bất bình, thì lãnh đạo Thành phố đã đề cao cảnh giác, chẳng ngu gì mà dính vào cái dự án vặt vãnh này cho rách việc. Phải chăng, họ cố tình giả vờ làm ngơ để lãnh đạo chủ quan, rồi lợi dụng lúc lãnh đạo sơ hở thì bất ngờ tấn công? Như thế, nếu không phải là rắp tâm "chống chế độ, chống chính quyền các cấp", thì là cái gì? Kiểu này, phải yêu cầu bên Quốc hội bổ sung ngay vào Bộ luật hình sự "Tội lợi dụng sơ hở của lãnh đạo để chống chế độ".

 

Bạn thấy chưa, dù mình có lập luận thế nào đi nữa thì cũng không thể lại. Người ta thừa sức chứng minh một cách biện chứng rằng: Phản đối là dân, nhưng có lỗi cũng là dân! Đã được đào tạo rất cơ bản, nên người ta làm gì cũng có lý luận soi sáng. Chớ ngây ngô mà tưởng người ta ngớ ngẩn, hành động sơ hở. Vậy mà bạn còn hy vọng rằng Thanh tra sẽ điều tra ra thủ phạm, để trừng trị đích đáng, trả lại công bằng cho bạn sao?

 

2. "Oan có đầu" ở đâu?

 

Tiếc thay, liếc qua một đoạn trong Kết luận thanh tra số 904-KL/TTTP, do Thanh tra Thành phố Hà Nội ban hành ngày 8/5/2015 về "Việc cải tạo, thay thế cây xanh…", đã thấy rất ư là bế tắc. Đó là:

"KIẾN NGHỊ

1. UBND Thành phố

- Chỉ đạo…

- Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND Thành phố…"

Thử hỏi, ai có thể đứng ra nhân danh UBND Thành phố để "Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm…"? (Lưu ý là "kiểm điểm" chứ không phải "tự kiểm điểm" đâu nhé!) Đương nhiên chỉ có thể là lãnh đạo UBND Thành phố. Tức là, Thanh tra Thành phố đã kiến nghị lãnh đạo UBND Thành phố nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của chính lãnh đạo UBND Thành phố. Vậy Thanh tra Thành phố Hà Nội là ai mà to gan đến thế? Theo thông tin về "Vị trí, chức năng", được công bố trên Cổng giao dịch điện tử, thì

"Thanh tra Thành phố Hà Nội là cơ quan thuộc UBND Thành phố Hà Nộichịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND Thành phố mà trực tiếpChủ tịch UBND Thành phố…"

Đứng đầu lãnh đạo UBND Thành phố không ai khác ngoài Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo. Có nghĩa là, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ông Nguyễn Thế Thảo, Thanh tra Thành phố kiến nghị ông Nguyễn Thế Thảo nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của chính ông Nguyễn Thế Thảo. Nói nôm na, nếu lược bớt vai trung gian là Thanh tra Thành phố, thì chỉ còn đọng lại vở: Ông Thế Thảo tự chỉ đạo mình phải nghiêm túc "chém đầu" chính mình. Quả là ly kỳ hết mực.

 

Thực ra, đó chỉ là một phân cảnh dành cho công chúng. Để hiểu rõ bức tranh toàn cảnh, không thể bỏ qua khẳng định của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, rằng thay cây cũ - trồng cây mới, thay cây xấu - trồng cây đẹp, thay cây cong - trồng cây thẳng, thay cây sâu mọt gây nguy hiểm… là chủ trương đúng.

 

Thế nào gọi là "cây cũ – cây mới"? Chỉ riêng từ "cây cũ" đã vọng ra âm thanh chém chặt rồi. "Cây cũ" có nghĩa là "đủ già", tức là đủ tốt để làm đồ gỗ. Nhưng nội thành Hà Nội đâu phải là lâm trường của lãnh đạo Thủ đô? Cây hai bên đường phố được ươm trồng qua bao thế hệ, để trang điểm và cải thiện môi sinh cho muôn thuở, chứ chẳng phải trồng để lấy gỗ. Với chức năng ấy, cũng như con người, chỉ khi bị bệnh quá nặng hay đã quá già thì mới đành chịu chết, chứ làm gì có chuyện "người cũ" phải toi, "cây cũ" phải chết? Tuổi thọ của cây có thể kéo dài hàng trăm năm, vậy mà mới mấy chục năm đã khẳng định là cũ, là phải thay. Nói như thế mà không sợ phạm húy, mang tiếng kích động hay sao? Dân có thể vận dụng sáng tạo lý luận Phạm Quang Nghị mà liên hệ rằng: Chế độ nguyên mẫu Liên Xô thọ nhất cũng chỉ được 74 năm, vậy thì số phận của chế độ sao chép sẽ ra sao sau 70 năm tồn tại? Đã đủ cũ để thay mới hay chưa?

 

Thế nào gọi là "cây xấu – cây đẹp"? Căn cứ vào thẩm mĩ của ai để xác định "xấu – đẹp"? Cái xấu đối với nhà cầm quyền có thể là cái đẹp đối với muôn dân. Ngược lại, nhiều thứ được nhà cầm quyền coi là đẹp như tấm gương, đúng như chân lý, thì dân lại thấy là xấu, là sai. Hơn nữa, cả thanh niên tốt khi rơi vào guồng máy cầm quyền cũng dễ thành người xấu, thì lấy gì để đảm bảo rằng cây giống đẹp lớn lên trong môi trường tham nhũng sẽ không thành cây xấu? Cây xấu phải thay, vậy tại sao không thay đám người xấu trong bộ máy cầm quyền?

 

Thế nào gọi là "cây cong – cây thẳng"? Cong hay thẳng không hẳn là thực tại khách quan, mà còn tùy thuộc vào hệ qui chiếu chủ quan. Khi ý đồ cong như tư cách, lòng người, thì nhìn cây thẳng cũng thấy cong. Cây từng trải qua mưa gió thì bị chê là cong, nhưng ai có thể đảm bảo mấy cây giống đang thẳng rồi đây sẽ chẳng bị cong, mà dùng chúng để thay thế? Thực ra, chẳng có cây nào bên đường phố là thẳng tuyệt đối, đơn giản vì tại những vị trí mà cây phân nhánh, luôn có ít nhất một nhánh không thẳng hàng với đoạn trước. Cho nên, nếu muốn chọn cây thật thẳng, thì chỉ còn nước đồng loạt trồng cau. Trên thực tế, những cây to đã tồn tại hàng chục năm bên đường phố, thì hiển nhiên phần thân chính gần gốc khó có thể cong đến mức cản trở giao thông, nếu không thì chúng đã bị đốn hạ từ lâu. Còn những cành cong tít trên cao thì ảnh hưởng đến ai? Nếu không thích cành cong thì cứ việc chặt cành, chứ tại sao lại đốn tận gốc? Hơn nữa, cây đẹp chính ở chỗ cong, nên dân trồng cây cảnh mới phải công phu tạo ra dáng cong, chứ nếu thẳng đuỗn cả, thì chẳng ai thèm rước.

 

Rõ ràng, dù ngụy biện thế nào cũng không thể lấp liếm cái sai sờ sờ của ba loại chủ trương "Thay cây cũ - trồng cây mới, thay cây xấu - trồng cây đẹp, thay cây cong - trồng cây thẳng". Chính chúng đã dung túng, mở đường cho chiến dịch đốn hạ bao cây to cao, đang sung sức và hoàn toàn khỏe khoắn, mà chứng tích hủy diệt bị phơi bầy đầy trên internet. Vậy mà ông Nghị vẫn tần ngần phân trần:

"Mấy ngày qua, tôi đã ngẫm nghĩ hết mọi lý lẽ về việc này. Chủ trương thay thế cây là đúng như thế, mà sao lại gặp phải phản ứng thế này?"

Đúng ư? Chỉ riêng cái chủ trương thứ tư, "thay cây sâu mọt gây nguy hiểm", có thể xem là đúng. Song công việc "thay cây sâu mọt gây nguy hiểm"  thì ai ai cũng thấy là hiển nhiên và phải tiến hành thường xuyên từ lâu, đâu cần phải huy động trí tuệ tầm lãnh đạo Thủ đô để đề ra "chủ trương" cho tốn cơm, tốn gạo.

 

Lúc dư luận mới phát giác và lên tiếng phản đối thì hùng hồn khẳng định là chủ trương đúng đắn. Từ khi sự thật bị phơi bày đến mức không thể chối cãi được nữa thì chẳng thấy tăm hơi. Cách phản ứng ấy càng khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò và vị trí của ông Phạm Quang Nghị trong chiến dịch đốn hạ cây xanh. Song vẫn chưa thấy lãnh đạo Thành ủy công khai nhận phần trách nhiệm. Khi kể công nhận cả công thời tiết, chẳng nhẽ bây giờ chỉ hỏi tội thiên tai? Thôi thì thương người cũng để thương thân, đành phó thác cho cánh thanh tra lành nghề lựa tay chèo chống.

 

3. Thanh tra giỏi tránh tra

 

Với bản Kết luận thanh tra dông dài 20 trang chẵn, Thanh tra Thành phố Hà Nội đã rất thành công trong nghệ thuật lấy lan man thay cho cụ thể. Tức là viết lan man đủ thứ, cả những thứ không đáng hay không nên viết, để người đọc ù tai hoa mắt, khó nhận ra rằng mấy điều cụ thể quan trọng nhất, đáng quan tâm nhất, lại không hề được đề cập đến. Trong khi dư luận chỉ quan tâm đến việc hủy diệt cây xanh trong mấy tháng trước, thì phần Kết quả thanh tra lại được mở đầu bằng mục “1.1. Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ nước thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Và bản Kết luận thanh tra đã nhắc tới 20 lần cụm từ "đến năm 2030" và 19 lần cụm từ "tầm nhìn đến năm 2050". Những đoạn kể lể công lao thì ngân nga theo kiểu "từ ngày có lãnh đạo". Nhưng đến đoạn phân chia trách nhiệm thì lại quên hẳn phần của mấy vị đứng đầu.

 

Đường Nguyễn Chí Thanh mới mở, vậy mà cây trồng hai bên đường chưa đầy hai thập niên nay đã phải chặt đi trồng lại, với lý do:

"Hiện trạng cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh chủ yếu là cây Keo lá tràm đã trồng gần 20 năm, là cây thân giòn, dễ gãy; cây Hoa sữa trồng với mật độ rất dày gây mùi nồng nặc… có một số cây không đúng chủng loại cây đô thị (Bàng, Dâu da, …)."

Nếu quả thật "hiện trạng cây xanh trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh chủ yếu" tệ hại như vậy, thì tại sao lại gán cho con đường ấy hư danh "đẹp nhất Việt Nam"? Và nếu cho rằng việc chặt bỏ là đúng, thì ai phải chịu trách nhiệm về việc trồng sai cả hệ thống cây qui mô như thế? Tất nhiên, Kết luận thanh tra đã tránh xa hai câu hỏi quan trọng này.

 

Kết luận thanh tra viết nhiều về những cây được trồng để thay thế và liệt kê chi tiết "một số cây trồng thay thế… không đúng loại cây đã được cấp phép":

"… phố Kim Mã 13 cây Lát Hoa, giấy phép: Bằng lăng; phố Ngô Thì Nhậm 11 cây Lát Hoa, giấy phép: Chẹo; phố Quang Trung 41 cây Lát Hoa, giấy phép: Sao đen, phố Lê Duẩn và Trần Nhân Tông 32 cây Lát Hoa, giấy phép: Vàng Anh."

Rồi dùng 32 dòng ở hai trang 14-15 và 7 dòng ở trang 19 cho chủ để "cây Vàng tâm hay cây Mỡ". Tường trình về việc trồng sai chủng loại cây thay thế tất nhiên là cần thiết, nhưng điều đó chỉ thuộc hàng thứ yếu, vì nếu trồng sai giống cây thì vẫn còn có thể nhổ lên trồng lại. Vấn đề quan trọng hơn nhiều là những cây đã bị chặt sai, bởi lẽ đã bị đốn hạ rồi thì không tái sinh được nữa. Cho nên, vấn đề mà dư luận quan tâm nhất là: Tại sao lại chặt cả những cây không đáng chặt và chúng có bị chặt oan hay không? Và số liệu được dư luận quan tâm nhất không phải là bao nhiêu cây thay thế bị trồng sai chủng loại, mà là: Có bao nhiêu cây khỏe đẹp đã bị chặt oan trong chiến dịch "mượn gió bẻ măng"? Nhưng Kết luận thanh tra lại lờ đi, tuyệt đối không đoái hoài đến ba câu hỏi: Có chặt sai hay không? Nếu có thì bao nhiêu cây bị chặt sai? Và những ai phải chịu trách nhiệm?

 

Không phải mọi người đều nhận ra sự thiếu vắng của mấy điều quan trọng nhất, đáng viết nhất và được dư luận quan tâm nhất, sau khi mệt nhoài đọc hết 20 trang của Kết luận thanh tra, được viết với vẻ công phu và nghiêm túc. Tài nghệ điêu luyện của thanh tra lành nghề chính là ở chỗ đó.

 

4. Vĩnh biệt một kiếp cây

 

Bạn thấy đấy, lấy đâu ra cơ hội để chứng minh rằng các bạn đã bị bức hại một cách oan uổng? Thôi, đừng cố nuôi hy vọng mà càng khổ lâu.

 

Hãy tự an ủi rằng mình đã hy sinh vì sự nghiệp cao cả. Chúng tôi sẽ mãi mãi tri ân sự hy sinh của bạn, thậm chí biết ơn cả những kẻ đã sát hại bạn, như từng biết ơn những kẻ chủ mưu và đồng lõa đưa giàn khoan HD-981 đến Hoàng Sa vào tháng 5 năm 2014, vì đã có công đánh thức lòng dân. Nếu vẫn còn ấm ức, thì cứ coi như mình sớm được hóa kiếp. Nhưng "kiếp sau xin chớ làm người", cũng chớ dại dột tái đâm chồi trên đất Hà Nội.

 

Để bạn nhẹ lòng, thanh thản rời trần thế, xin nhắc lại mấy câu trong bài "Đi đi em" của nhà thơ Tố Hữu. Đại ý là:

"Thì cây hỡi! Đi đi, đừng tiếc nữa!

Ngại ngùng chi? Nấn ná chỉ thêm phiền!

Đi đi cây, can đảm bước chân lên

Ừ bị đốn đâu phải là tội lỗi!"

Nói là "đại ý", vì đã mạn phép nhà thơ đổi "em" thành "cây" và đổi "đói khổ" thành "bị đốn". Sáu câu thơ tiếp theo cũng hợp với tâm trạng oan ức của bạn. Hãy tự đọc nốt và suy ngẫm để thấm thía thông điệp của nhà thơ thời cách mạng!

 

26/05/2015

 

 

Cây Sồi (Quercus, Oak, Eiche) trên 400 tuổi trong vườn của Giáo sư Gisbert Freiherr zu Putlitz

(người trong ảnh) tại Gross Pankow, CHLB Đức (Ảnh: Hoàng Xuân Phú, chụp ngày 5/6/2015)

 

 

Cây Sồi (Quercus, Oak, Eiche) khoảng 600 tuổi trong vườn của Giáo sư Gisbert Freiherr zu Putlitz

(Ảnh: Gisbert Freiherr zu Putlitz, chụp ngày 5/6/2015)

 

 

Hàng cây Bồ đề (Tilia, Limes, Linden) được trồng năm 1848 trong vườn của Giáo sư Gisbert Freiherr zu Putlitz, tức là 40 năm trước khi Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hà NộiVua Đồng Khánh ký chỉ dụ nhượng Hà Nội cho Pháp, và tính đến năm 2015 thì hàng cây Bồ đề đã tồn tại 167 năm.

(Ảnh: Hoàng Xuân Phú, chụp ngày 5/6/2015)

Trong số cây bị chặt ở Hà Nội vào năm 2015 theo chủ trương "Thay cây cũ - trồng cây mới", liệu có cây nào được sống bằng một nửa số tuổi của những cây Bồ đề này hay không? 

 

 

Bản gốc được lưu trữ tại trang

http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings

 (với định dạng HTMPDF)

 

Cùng tác giả:

Sai phạm về tố tụng trong vụ án "Nguyễn Hữu Vinh cùng đồng bọn…"  

Não lòng với Hiến pháp

Bắt mạch Hiến… nháp

Hiến pháp vi hiến

Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?

Đảng và Nhân dân – Vị thế bị tráo

Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp

Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov

Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?

Chỗ đứng của Nhân dân trong Hiến pháp

Teo dần quyền con người trong Hiến pháp

Hai tử huyệt của chế độ

Bài học tồn vong từ thảm họa

Lực cản Nhà nước pháp quyền

Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng

Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ

Quyền biểu tình của công dân

Phiêu lưu điện hạt nhân

Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ

Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân

 



©2010 by Hoang Xuan Phu