Một số khía cạnh hình
sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
Hoàng Xuân
Phú
Tôi chỉ
viết những điều bức xúc
Khi con tim rỉ máu thành
thơ
Ngày
10/02/2012, tức là 37 ngày kể từ khi vụ cưỡng chế sai trái đã châm ngòi cho tiếng
nổ động trời ở Tiên Lãng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra kết luận về vụ cưỡng chế,1
trong đó khẳng định:
"Các Quyết định số
460/QĐ-UBND ngày 23/4/2008, Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của Uỷ ban
nhân dân huyện Tiên Lãng thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn với lý do hết thời hạn
sử dụng là không đúng với quy định của Luật Đất đai 2003 và Nghị Định
181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm
2003."
"Do quyết định thu hồi
đất không đúng với quy định của pháp luật đất đai nên Quyết định cưỡng chế thu
hồi đất cũng không đúng pháp luật. Mặt khác, việc tổ chức cưỡng chế thu hồi đất
của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm."
Về
mặt này, Thủ tướng đã công nhận điều mà hàng trăm, hàng ngàn bài viết đã chỉ ra
và hàng triệu người đã nghĩ suốt hơn một tháng nay.
Đối với lãnh đạo
thành phố Hải Phòng, kết luận của Thủ tướng
viết:
"Thủ tướng hoan nghênh việc lãnh đạo thành phố Hải Phòng nghiêm túc kiểm
điểm, nhận khuyết điểm, trách nhiệm và đã lãnh đạo, chỉ đạo cần thiết đối với vụ
việc này."
"5. Lãnh đạo thành phố
Hải phòng kiểm điểm làm rõ trách nhiệm về việc:
- Chấp thuận đề
nghị cưỡng chế thu hồi đất không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng.
- Khi vụ việc xảy
ra chậm chỉ đạo làm rõ đúng sai và trách nhiệm của tập thể, cá nhân; báo cáo
chưa đầy đủ - nghiêm túc với Thủ tướng Chính phủ; việc thực hiện cung cấp thông
tin chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ gây bức xúc trong dư luận."
"6. Lãnh đạo thành phố Hải Phòng kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc qua vụ việc này và
chỉ đạo rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiện toàn bộ
máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý nhà nước
về đất đai, không để xảy ra vụ việc tương tự…"
Về mặt này,
đánh giá của Thủ tướng chưa thống nhất với đánh giá của dư luận. Các thuật ngữ
như "tham nhũng", "lợi dụng" hay "lạm
dụng" không xuất hiện trong kết luận.
Thủ tướng chỉ thị:
"Chỉ đạo cơ quan bảo vệ pháp luật
khởi tố, điều tra và sớm đưa ra xét xử nghiêm
minh theo đúng qui định của pháp luật việc phá dỡ nhà của
ông Đoàn Văn Vươn."
Từ
"khởi tố" được nhắc đến 2 lần
trong kết luận của Thủ tướng, lần còn lại
là dành cho tội danh của gia đình họ Đoàn. Không thấy đề cập đến việc "khởi tố" các tội khác liên quan đến những
người nhân danh bộ máy chính quyền. Điều đó cho thấy cách nhìn nhận của hai bên
còn khác nhau.
Nguyên
nhân của sự khác biệt có lẽ một phần do đặc thù của nguồn thông tin. Dư luận dựa
trên những gì được đăng tải trên báo chí và internet. Đặc biệt, lần này có rất
nhiều bài trên các báo chính thống phê phán bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng, khiến
mọi người càng tin tưởng vào những thông tin về sai lầm của chính quyền địa
phương. Tất nhiên, Thủ tướng cũng có thể tham khảo thông tin trên báo chí và
internet, nhưng vì bận trăm công nghìn việc, ông không có thời gian để đọc trực
tiếp, mà phải dựa vào thông tin tổng hợp của bộ máy giúp việc. Đặc biệt, theo thông
lệ tổ chức, Thủ tướng thường dựa vào báo cáo của chính quyền địa phương. Các
đoàn thanh tra khi về địa phương thì cũng chủ yếu làm việc với cơ quan Đảng và
chính quyền ở đó. Vấn đề là ở chỗ: Có thể tin vào báo cáo của bộ máy cầm quyền
ở Hải Phòng hay không?
Chỉ cần nhắc đến
một ví dụ sau đây cũng đủ để thấy rằng không thể tin
vào bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng.
Sau khi dư luận lên án mạnh mẽ về việc chính quyền phá nhà của ông Đoàn Văn Quý, toàn bộ bộ máy cầm quyền
Hải Phòng, từ trên xuống dưới, đều tỏ ra ngây ngô, rằng "không biết ai
phá". Hơn nữa, Phó
chủ tịch thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại còn trơ trẽn vu khống nhân dân phá nhà ông Quý.2 Khi
không thể phủ nhận được thì Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, Đại tá Đỗ Hữu
Ca, lại chơi chữ, lập luận rằng ngôi nhà hai tầng kiên cố của ông Quý "chỉ
là chòi trông cá", nên "việc phá hay không phá, cái đó không
thành vấn đề".3 Một khi đã coi cơ ngơi kiên cố của dân là "chòi",
thì có lẽ Đại… Ca cũng chỉ coi dân bằng con muỗi, có đập đánh đét một cái cũng "không
thành vấn đề". Vô liêm xỉ nhất là lập luận của ông Ngô Ngọc Khánh,
Chánh Văn phòng UBND huyện Tiên Lãng:4
"Làm gì cũng phải có trình tự thủ
tục. Người có tài sản phải có ý kiến về việc đó và người chức năng mới xem
xét... Hiện nay, không biết gia đình ông Vươn có đơn chưa, còn huyện chúng tôi
chưa nhận được."
"Nếu nhận được đơn của gia đình
ông Vươn, ông Quý bảo là ngôi nhà bị phá, đề nghị cấp chính quyền xem xét và
làm rõ thì cơ quan chức năng mới vào cuộc."
Bắt
hết đàn ông nhà người ta nhốt vào trại giam, ngăn cản không cho ai vào khu vực
bị chiếm, rồi phá nhà người ta, vậy mà còn viện cớ chủ nhân không có đơn khiếu
nại nên không tiến hành xem xét. Thật là không còn từ ngữ nào có thể mô tả được
mức độ thô bỉ của những kẻ suốt ngày tụng kinh đạo đức.
Cả
một bộ máy khổng lồ, nếu không công khai nói dối trắng trợn, thì cũng lặng
thinh, không một lời phản đối. Tại sao lại như vậy? Phần chủ đạo của bộ máy cầm
quyền ở Hải Phòng đã trực tiếp dính líu vào tội lỗi, phần còn lại thì tê liệt
trong sợ sệt và vô trách nhiệm. Không phải cấp trên bao che cho cấp dưới, mà
họ đang cùng nhau chèo chống để che dấu tội lỗi của chính bản thân. Họ giả dối
đến mức, trong tình huống bị dồn đến chân tường, nếu có tỏ ra một chút trung
thực, thì có lẽ đó cũng chỉ là một thủ đoạn của công nghệ nói dối: Nhận tội nhỏ
để thoát tội to, hy sinh kẻ dưới để cứu kẻ trên. Rõ ràng, không thể dựa vào
thông tin của thành phần bất hảo như vậy để có được đánh giá khách quan về vụ
Tiên Lãng. Việc phá nhà ông Quý là một tội nghiêm trọng, cần bị khởi tố. Nhưng
nếu chỉ khởi tố vụ phá nhà và bỏ qua các tội khác thuộc về những người trong bộ
máy cầm quyền, nếu chỉ truy tố từ cấp huyện trở xuống, còn cấp trên chỉ phải "kiểm điểm làm rõ trách nhiệm"
và "kiểm
điểm rút kinh nghiệm sâu sắc", thì cũng giống như chỉ "tắm từ đùi trở xuống", còn phần trên chỉ xịt chất khử mùi.
Điều mà dư luận
quan tâm hơn cả là số phận gia đình họ Đoàn. Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo thành phố
Hải Phòng:
"Chỉ đạo thu
hồi các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng về việc thu hồi
đất và cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn. Xử lý các vi
phạm về sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn theo quy định của pháp luật và làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất theo đúng quy định
của Luật Đất đai."
"Quyết
định không đúng pháp luật" thì hiển nhiên phải "thu hồi", nếu không muốn
tiếp tục vi phạm pháp luật. Khi đã hủy bỏ hai quyết định "thu hồi đất
và cưỡng chế thu hồi đất" của UBND huyện Tiên Lãng, thì quyết định giao
21 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn còn nguyên hiệu lực, vì:
"Quyết định số
447/QĐ-UB ngày 4 tháng 10 năm 1993 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao 21
ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn là phù hợp với quy định của pháp luật đất đai tại
thời điểm ban hành."
Tương
tự, quyết định giao 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vẫn còn hiệu lực, cùng lắm là
chỉ phải sửa đổi "thời hạn giao đất và thời điểm tính thời hạn giao đất", vì:
"Quyết định số
220/QĐ-UB ngày 9 tháng 4 năm 1997 của Uỷ ban nhân dân huyện Tiên Lãng giao bổ
sung 19,3 ha đất cho ông Đoàn Văn Vươn vào mục đích nuôi trồng thuỷ sản với
thời hạn 14 năm, tính từ ngày 4 tháng 10 năm 1993 là đúng thẩm quyền và phù hợp
với thực tế sử dụng đất. Tuy nhiên quyết định này không đúng với quy định của
pháp luật đất đai về giao đất, cho thuê đất; về thời hạn giao đất và thời
điểm tính thời hạn giao đất."
Thế nhưng, lời văn "làm thủ tục cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng
đất theo đúng quy định của Luật Đất đai" lại gợi lên khả năng có
thể "thủ tục" "cho ông Đoàn Văn Vươn sử dụng đất" sẽ được "làm" lại từ đầu,
với diện tích có thể khác nhiều so với hiện tại.
Đối
với gia đình họ Đoàn thì quan trọng nhất là đoạn sau đây:
"Chỉ đạo cơ quan bảo
vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án 'giết người và chống người thi hành công vụ'
ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các
cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo
do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng."
Việc
"xem
xét tình tiết giảm nhẹ" thì "các cơ quan tiến hành tố tụng"
bắt buộc phải làm, bởi lẽ Bộ luật Tố tụng Hình sự5 (Điều 10) đã quy định:
"Cơ quan điều tra,
Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật
của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những
chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng
và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo."
"Trách nhiệm chứng
minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền
nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội."
Thực ra, gia đình họ Đoàn và những người chia sẻ với họ mong đợi
Thủ tướng đưa ra một tín hiệu về việc xem xét lại tội danh truy tố, song ông chỉ
nhắc lại tội danh "giết người và chống người thi hành công vụ", tạo nên cảm
giác khẳng định hay tán thành.
Thay vì nhắc nhở "xét xử đúng pháp luật", cụm từ "bảo đảm
tính nghiêm minh" thay cho chữ "đúng" toát lên một không khí khác hẳn. Tất nhiên là phải "bảo đảm
tính nghiêm minh của pháp luật", nhưng khi "mọi công
dân đều bình đẳng trước pháp luật" theo quy định của Hiến
pháp6 thì không thể chỉ "nghiêm minh" với gia đình họ
Đoàn, mà cũng phải xử lý "nghiêm minh" các tội phạm
liên quan khác. Những sai phạm của các cá nhân và tổ chức trong bộ máy cầm
quyền ở xã Vinh Quang, ở huyện Tiên Lãng và ở các cấp cao hơn mới là sai phạm
mang tính tiền đề, chính chúng mới gây ra sai phạm mang tính hệ quả của mấy người
trong gia đình họ Đoàn. Không thể truy tố và xét xử riêng sai phạm hệ
quả, trước khi truy tố và xét xử sai phạm tiền đề! Lẽ ra yêu cầu "khẩn
trương" phải được đặt ra trước hết với các sai phạm tiền đề, chứ không thể
áp riêng cho sai phạm hệ quả. Nếu vội vã chỉ xét xử riêng vụ án "giết người
và chống người thi hành công vụ" dành cho mấy người họ Đoàn
thì không chỉ vi phạm tính "bình đẳng trước pháp luật", mà còn không thể "xác định sự
thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ", theo quy định ở
Điều 10 của Bộ luật Tố tụng Hình sự.
Những điều kể
trên khiến tôi băn khoăn. Thay vì ngồi yên mà trăn trở, tôi viết ra đây một số
ý kiến trao đổi. Có thể Thủ tướng cũng nghĩ giống như tôi, nhưng chưa tiện nói
ra, thì những ý kiến kiểu này tuy hơi thừa, nhưng sẽ góp phần khẳng định niềm
tin để ông tiếp tục vững bước. Còn nếu ông nghĩ khác tôi, thì những điều tôi viết
ra cũng có tác dụng tham khảo, ít nhất là để lãnh đạo hiểu được người dân nghĩ
gì. Dẫu sao đi nữa, tôi chỉ thực hiện quyền hạn và nghĩa vụ của công dân được
ghi trong Hiến pháp:
"Công dân thực hiện quyền làm chủ của mình ở cơ sở bằng cách tham gia công việc của Nhà nước và xã hội, có trách
nhiệm bảo vệ của công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của công dân, giữ gìn an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, tổ chức
đời sống công cộng."7
"Các
cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật,
đấu tranh phòng ngừa và chống các tội phạm,
các vi phạm Hiến pháp và pháp luật."8
Nhiệm vụ này cũng
được tái khẳng định trong Điều 4 của Bộ luật hình sự:9
"Mọi công dân
có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm."
1.
Tội chống người thi hành công vụ
Trong
bài "Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ",10
tôi đã trao đổi về một số khía cạnh khác nhau để phủ
định tính chính danh của cái gọi là "công
vụ cưỡng chế" diễn ra ngày 05/01/2012 ở xã Vinh Quang, huyện
Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Qua đó đã phủ định sự
tồn tại của cái gọi là "tội chống
người thi hành công vụ", được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an
thành phố Hải Phòng gán cho mấy người họ Đoàn.
Một
trong những câu hỏi quan trọng nhất là: Đó là công vụ
gì? Nếu là "công vụ cưỡng chế" thì cưỡng chế cái gì? Nếu căn cứ vào Quyết định thu hồi
số 461/QĐ-UBND11 và Quyết định cưỡng chế số 3307/QĐ-UBND12 của
UBND
huyện Tiên Lãng thì phạm vi cưỡng chế chỉ là 19,3 ha
đã được giao cho gia đình ông Vươn theo Quyết định số 220/QĐ-UBND. Thế nhưng toán cưỡng chế lại
không đến mảnh đất 19,3 ha, mà tùy tiện xông vào khu vực 21 ha thuộc quyền quản
lý và sử dụng hợp pháp của anh em họ Đoàn. Gia đình họ Đoàn không hề mời họ tới
thăm, cũng không hề khiêu khích hay cản trở họ tiến vào mảnh 19,3 ha thuộc diện cưỡng chế. Vậy thì tại sao toán
người trang bị vũ khí hiện đại lại "tiếp cận", rồi sau đó tấn công
ngôi nhà hợp pháp của họ Đoàn trên mảnh đất 21 ha? Không thể dùng tiếng nổ tự
chế bằng bình gas và những viên đạn hoa cải (như họ công bố) để biện hộ, vì nếu
lực lượng vũ trang không xông tới nơi cư trú hợp pháp của công dân thì bình gas
vẫn yên vị tại chỗ của nó và đạn hoa cải đã không được bắn ra. Vậy là không thể
tìm ra bất cứ tên gọi hay nội dung chính đáng nào để gán cho cái gọi là "công
vụ" ấy.
Suốt hơn một tháng qua, rất nhiều ý kiến
đã vạch ra sự sai trái, phi pháp của việc thu hồi đất và cưỡng chế. Ngày
10/02/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã thừa nhận rằng "quyết định thu hồi đất không đúng với quy định của pháp
luật",
"quyết định cưỡng chế thu hồi đất cũng không đúng pháp luật" và "việc tổ chức cưỡng
chế thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng cũng có nhiều thiếu sót, sai phạm."
Thật là bẩn thỉu khi
người tham gia cưỡng chế đã vơ vét đồ đạc, xã đội phó cuỗm cả cái ổn áp,13
đến chó con cũng bị rượt đuổi, tóm và tống ngay vào bao.14 Đấy là
hành động cướp bóc của thổ phỉ, hay là "công vụ"?
Trong
bài "Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ", tôi đã viết: "Nếu coi nó là một công vụ thì sẽ phải trả lời cho nhân
dân câu hỏi: Tại sao chính quyền này lại có loại công vụ tệ hại, ức hiếp người
dân như vậy?"
Luật Cán bộ,
Công chức15 quy định:
"Điều
2. Hoạt động công vụ của cán
bộ, công chức
Hoạt
động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức
theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan."
"Điều
3. Các nguyên tắc trong thi hành công vụ
1.
Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2.
Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ
chức, công dân.
3.
Công khai, minh bạch,
đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát…"
Có
nghĩa là: Cho dù chính quyền công nhận cả những "công vụ xấu xa",
thì Luật Cán bộ, Công chức cũng không cho phép ta gọi cái phi vụ diễn ra
ngày 05/01/2012 ở xã Vinh Quang là "công vụ", vì nó không
"tuân thủ Hiến pháp và pháp luật", không "bảo vệ… quyền,
lợi ích hợp pháp của… công dân",
không "minh bạch" và không "đúng thẩm quyền". Không có "công vụ" thì hiển nhiên
không tồn tại "người thi hành công vụ", mà chỉ có thủ phạm và
tòng phạm của một "hoạt động tội phạm có tổ chức". Do đó, cũng
không có ai "chống người thi hành công vụ".
Việc
bắt và đánh đập bà Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) và bà Phạm Thị Báu (tức Hiền,
vợ ông Quý), rồi khởi tố về "tội chống người thi hành công vụ",
mặc dù khi xảy ra xung đột họ chỉ đứng trên đê, từ
xa nhìn lại,16 không thể dùng làm thứ trang điểm cho nhà
nước pháp quyền.
Mọi
chuyện đã quá rõ ràng, tại sao chính quyền vẫn kiên trì theo đuổi vụ án "chống
người thi hành công vụ"?
2.
Tội giết người
Ngày
10/1/2012 Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê chuẩn quyết định của
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Phòng, khởi tố bị can đối với các ông Đoàn Văn
Vươn, Đoàn Văn Sịnh (anh ruột ông Vươn), Đoàn Văn Quý (em ruột ông Vươn, nghi
can được cho là trực tiếp nổ súng) và Đoàn Văn Vệ (cháu ruột ông Vươn) về "tội
giết người"17 theo quy định của Điều 93 của Bộ luật Hình
sự.
Căn
cứ vào đâu để khởi tố họ "tội giết người"? Do không có
ai bị chết, chỉ có thể dựa vào Điều 17 (Chuẩn bị phạm tội) và Điều 18 (Phạm
tội chưa đạt) của Bộ luật Hình sự để buộc họ "phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội định thực hiện" hoặc "phải chịu
trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt". Điều kiện quan trọng
là phải chứng minh được rằng bốn người họ Đoàn có ý định giết người.
Để
trả lời câu hỏi bốn người họ Đoàn có ý định giết người hay không, ta hãy xét
xem vũ khí mà họ sử dụng gồm những gì.
Ngày 05/01/2012 An
ninh Thủ đô đưa tin là:
"Khi
đoàn công tác cưỡng chế, bí mật tiếp cận ngôi nhà của Vươn xây dựng trên diện
tích đất này thì bất ngờ một quả mìn tự chế phát
nổ hất văng 2 CBSC công an huyện Tiên Lãng làm bất
tỉnh tại chỗ nhưng rất may là không gây thương
vong."18
Thật
là khó tưởng tượng, khi mìn nổ mạnh đến nỗi "hất
văng 2 CBSC công an", "làm bất tỉnh tại chỗ", nhưng lại "không gây thương vong", và cũng không thấy phía công an đưa ra dấu vết nào của vụ nổ trên mặt
đất. Liệu
có mìn nổ thật hay không? Ngày hôm sau, An ninh Thủ đô (vẫn cùng tác
giả Nguyên Lê) đã in đậm một đoạn với thông tin là "các đối tượng đã kích nổ bình gas".19 Ít
nhất, thông tin này cũng cho ta thấy là có lẽ họ
Đoàn không có mìn (chế tạo từ chất nổ), vì nếu đã có mìn thì họ chẳng
cần phải kích nổ bình gas làm gì.
Sau trận tấn công, lực lượng cưỡng chế chỉ thu được trên hiện
trường hai bình gas, trong đó một bình còn nguyên và một bình bị lõm vào.20
Rõ ràng, cả hai bình được đưa ra làm tang chứng này không phải là cái bình đã nổ,
vì nếu nổ thì không thể còn nguyên vẹn
hay bị lõm vào như thế. Vậy thì xác của bình gas đã bị kích nổ ở đâu? Nếu
có vụ nổ to, đến mức làm cái bình gas kiên cố méo mó đến như vậy, thì liệu lớp sơn của bình gas có còn nguyên vẹn và không hề vương lại vết sém của vụ nổ như trong ảnh
hay không? Đặc biệt, các vết bẩn thông thường bám
trên thân bình bị lõm vẫn còn nguyên, nên khó có thể nói là chúng đã
tiếp xúc với vụ nổ. Chú thích ảnh viết là: "Tại hiện trường, cảnh sát thu 2
bình ga loại 12 kg, nhiều dây điện, kíp nổ..." Vậy thì kíp
nổ ở đâu, sao không trưng ra? Sao không
chụp dây điện ở trong trạng thái được rải ra, nối giữa bình gas với nơi điều
khiển, mà lại cuộn gọn gàng như vậy? Thời buổi này thì trong nhà nào
mà không có một vài cuộn dây điện.

Ảnh trên VnExpress
với chú thích: "Tại hiện trường, cảnh sát thu 2 bình ga loại 12kg, nhiều
dây điện, kíp nổ..."
Bức ảnh tiếp theo chụp một bình gas nằm chỏng trơ, được chú
thích là: "Trong
đầm, công an tìm thấy bình ga có lắp kíp nổ nhưng chưa hoạt động." Nếu đây là "bình ga
có lắp kíp nổ" để chuẩn bị kích nổ thì sao
chủ nhân lại đặt nó nằm chênh hênh như thế? Tại sao người "chế
tạo mìn" lại lẳng một cái bao bì phồng phồng (chứa gì trong đó) che bớt một
nửa bình gas? Đấy là kiểu ngụy trang hớ hênh, hay nhằm mục đích hạn chế sát
thương? Điều quan trọng là: Tại sao công an không
trưng ra bức ảnh chụp cái kíp nổ đang được lắp vào bình và đường dây điện nối với
kíp nổ?

Ảnh Báo Hải Phòng, đăng trên VnExpress, với chú thích:
"Trong đầm,
công an tìm thấy bình ga có lắp kíp nổ nhưng chưa hoạt động."
Họ trưng ra toàn những chứng cớ vu vơ, không có lấy một bằng chứng thuyết
phục. Sau khi đã chứng kiến dàn đồng ca dối trá trên cả trơ trẽn của lãnh đạo và
cơ quan chức năng các cấp ở Hải Phòng, ta buộc phải nghi ngờ về độ trung thực của
mọi thông tin do họ đưa ra. Những gì đã diễn ra chứng tỏ rằng: Họ sẵn sàng làm
bất cứ việc gì để đạt được mục tiêu đen tối của mình, kể cả ngụy tạo và vu khống.
Hãy thử đọc An
ninh Thủ đô:
"Khi tổ công tác vừa áp sát ngôi
nhà thì bất ngờ từ trong nhà Vươn cùng người nhà chĩa
súng bắn đạn hoa cải liên tiếp nhả đạn vào lực lượng chức năng, làm 4
Cán bộ chiến sỹ Công an và một số cán bộ chiến sỹ quân đội bị thương."21
Mọi
người biết rằng: Vào thời điểm xảy ra xung đột, ông Vươn không hề có mặt
trong ngôi nhà đó, mà đã bị chính quyền dùng kế "điệu hổ ly sơn"
rồi. Vậy thì làm sao ông Vươn có thể "cùng người nhà chĩa súng bắn đạn hoa cải liên tiếp nhả
đạn vào lực lượng chức năng" được?
Nhiều
bài báo tường thuật rằng súng bắn đạn hoa cải đã được sử dụng để bắn vào
lực lượng công an và quân đội. Súng bắn đạn hoa cải là loại súng săn có
nhiều ở Việt Nam, với tầm sát thương ngắn. 6 người bị trúng đạn mà không ai bị
chết, lại có thể ra viện và trở lại công tác sau thời gian điều trị ngắn, điều
đó cũng chứng tỏ rằng mức độ nguy hiểm của loại súng này kém xa so với các loại
vũ khí chuyên dụng để giết người.
Thật
là hài hước khi công an trưng ra 3 con dao chặt cây, chẻ củi của nhà nông và một
cái ống nhòm dân dụng cũ rích, rồi thuyết minh đó là "dao, kìm dùng để
gây án được tìm thấy".22 Chẳng nhẽ cả đời họ chưa thấy ai
chẻ củi, nên thấy dao to thì tưởng là âm mưu gây án cũng to hay sao? Nếu họ chứng
kiến người nhà ông Vươn đang cầm dao trên tay thì đi một nhẽ, đằng này khi đột
nhập vào trong nhà thì chẳng tìm thấy ai cả. Thế rồi nhặt nhạnh dụng cụ lao động
nhà nông để làm tang chứng gây án. Tình tiết này nói lên mức độ thê thảm của đạo
đức nghề nghiệp và trình độ nghiệp vụ của những người có trách nhiệm. Nó cũng
nói lên họ đáng tin đến đâu. Đặc biệt, nó phản ánh thực tế là công an không tìm thấy vũ khí hay bằng chứng thuyết phục nào
khác, nên mới phải nhào nặn ra cái hạ sách ấy.

Ảnh Báo Hải Phòng,
đăng trên VnExpress, với chú thích: "..dao, kìm dùng để gây án được tìm
thấy"
Rõ
ràng, khi chọn bình gas làm phương tiện gây nổ (nếu quả thật có chuyện bình gas
nổ) và chọn súng bắn đạn hoa cải để bắn, mấy người trong gia đình họ
Đoàn đã không hề có ý định giết người,
mà chỉ dùng chúng làm phương tiện để dọa, để cảnh cáo những người vô cớ
xông vào nơi cư trú hợp pháp của họ. Trong hoàn cảnh "mua súng dễ như
mua rau"23 và "thông thường là 200 USD có thể
mua được 1 khẩu K59 và 3 viên đạn theo súng",24 thì mấy anh
em ông Vươn thừa khả năng mua những khẩu súng chuyên dụng để giết người – nếu họ muốn.
Có lẽ
người nhà ông Vươn nghĩ rằng súng bắn
đạn hoa cải đủ an
toàn khi họ bắn dọa từ xa. Niềm tin ấy không phải là quá ngây thơ. Hãy nghe
Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca kể lại:25
"Tại một hội nghị do Bộ Công an tổ
chức từ năm 2006, tôi đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng
tội phạm sử dụng loại vũ khí này. Tuy nhiên thời điểm đó, lãnh đạo một công an tỉnh giáp ranh với Hải Phòng cho rằng
tôi nói chuyện thần thoại."
"Đã có lần
quá bức xúc tôi phải "cãi" với cán bộ
Viện Khoa học Hình sự về tính chất, mức độ nguy hiểm của súng hoa cải, súng bút, nhưng cũng không
đem lại kết quả gì. Theo quan điểm của họ, đây không phải là vũ khí quân dụng
nguy hiểm."
Ngay
cả lãnh đạo công an cấp tỉnh và cán bộ Viện Khoa học Hình sự của Bộ Công an
cũng tin rằng súng bắn đạn hoa cải "không phải
là vũ khí quân dụng nguy hiểm", thì làm sao có thể đòi hỏi mấy người nông dân họ Đoàn phải
nghĩ khác?
Vậy thì tại sao lại gây thương vong cho 6 cán bộ và chiến sĩ công
an và bộ đội? Hãy xem lại băng ghi hình chương
trình thời sự của VTV126 để tìm lời lý giải! Bạn sẽ thấy lực lượng
công an ra quân như một đám trẻ con đi đêm sợ ma, dúm lại với nhau, khiến tiến
lên thì vướng, mà rút lui cũng khó. Thay vì lom khom để giảm thiết diện hứng đạn,
thì họ lại thẳng đuỗn như chào cờ. Vừa nghe tiếng nổ đã hoảng loạn, quay đầu
tháo chạy, quên cả che khiên tránh đạn về hướng đối phương. Hai con chó nghiệp
vụ thì "đôi co" với sĩ quan huấn luyện, thay vì xông về phía đối
phương, khiến nhà báo Trương Duy Nhất phải đặt câu hỏi hóm hỉnh: "Không biết do hoảng sợ trước
những viên đạn hoa cải, hay bởi chúng đánh mùi được anh em nhà Đoàn Văn Vươn
không phải là “kẻ địch” để tấn công?"27
Cả trăm sĩ quan và
chiến sĩ, được trang bị vũ khí hiện đại, bao vây một ngôi nhà giữa đồng không
mông quạnh, tấn công 3-4 người với vũ khí "chủ lực" là súng bắn đạn
hoa cải, sau khoảng 4 tiếng đồng hồ mới chiếm lĩnh được ngôi nhà đã bị bỏ
trống từ lúc nào không biết. Ấy vậy mà thủ lĩnh trực tiếp cầm đầu – Giám đốc
Công an Hải Phòng Đại tá Đỗ Hữu Ca – không hề nhận thức được đó là một thất bại
ê chề, vẫn hây hây mãn nguyện:
"Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay.
Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc
diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa
có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục
tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài,
vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết
thành sách."
Quả
là dưới mọi cung bậc của khả năng nhận thức và lòng tự trọng. Trình độ lãnh đạo
cao nhất của công an thành phố còn như vậy, thì thử hỏi đệ tử dưới quyền sẽ thế
nào? May mà mấy con chó của họ Đoàn thiên về chức năng làm cảnh và chăn nuôi,
chứ nếu chúng phù hợp với nhiệm vụ coi nhà thì có lẽ hậu quả sẽ còn trầm trọng
gấp bội.
Với
một lực lượng "tinh nhuệ" như thế, tập trận giả "quân ta đánh
quân mình" cũng có thể bị thương và tử vong, có thể bị dính đạn của chính quân
mình. Vậy thì không nên đổ hết lỗi sát thương cho họ Đoàn. Khi lóng ngóng cắt
tiết gà, bị đứt tay, thì không thể buộc cho gà "tội chống người… cắt tiết".
Điều không thể chối
cãi là: Toán người lạm danh "công vụ"
trang bị đầy đủ vũ khí đã xâm nhập phi
pháp nơi cư trú hợp pháp của gia đình họ Đoàn. Thực tế cướp bóc sau
đó chứng tỏ bản chất bất lương của những
kẻ đội lốt "thi hành công vụ". Vì vậy, mấy người họ Đoàn hoàn
toàn có quyền tự vệ, và trên thực tế họ đã thực hiện quyền "phòng vệ chính đáng". Bộ luật Hình sự
quy định :
"Điều
15. Phòng vệ chính đáng
1. Phòng
vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi
ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi
ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết
người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng
không phải là tội phạm."
Hành động của những người họ Đoàn không "vượt quá
giới hạn phòng vệ chính đáng", vì:
"Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả
rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho
xã hội của hành vi xâm hại."
(Điều 15, Bộ luật
Hình sự)
Những người họ Đoàn chỉ sử dụng những phương tiện thô sơ để phản ứng, không
gây chết người.
Phản ứng của họ chỉ đủ mạnh để thức tỉnh chính quyền và đánh động dư luận.
Việc công an xả súng vào ngôi nhà nói lên "mức độ nguy hiểm" của "hành vi xâm hại" của công an.
Phản ứng dữ dội trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên internet cho
thấy dư luận đánh giá "mức độ nguy hiểm cho
xã hội" của "hành vi xâm hại"
đội lốt "công vụ cưỡng chế" ở Tiên
Lãng là rất nghiêm trọng.
Không
thể dùng việc 6 người bị thương để khẳng định những người họ Đoàn đã "vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng". Họ dùng tiếng nổ làm tín hiệu cảnh tỉnh hay cảnh báo rằng:
"Các người – những vị khách không mời mà đến – đang vi phạm không gian
riêng tư hợp pháp của chúng tôi! Hãy dừng lại! Chúng tôi không hoan nghênh các
người!" Khi đó, lẽ ra những người đột nhập phải tỉnh giấc mê man, nhận
ra là mình đang bị "lạc công vụ", xông nhầm vào khu vực không
thuộc diện cưỡng chế, và vì vậy phải xin lỗi chủ nhà rồi quay ra. Nhưng không,
họ vẫn ngang tàng và cố chấp, tiếp tục lao vào như những con thiêu thân. Đơn giản
như trường hợp đi xem bắn pháo hoa, nếu lơ ngơ sán vào khu vực bắn pháo đã được
chăng dây cảnh báo, thì cũng khó tránh khỏi thương vong. Ngớ ngẩn, tự mang vạ
vào thân, thì còn trách ai?
Như vậy, theo Điều 15 của Bộ luật Hình sự, mấy người họ
Đoàn đã "phòng vệ chính đáng" và "phòng vệ
chính đáng không phải là tội phạm".
Ngoài Điều 15, còn có thể
sử dụng hai điều khác của Bộ luật Hình sự để bào chữa triệt để cho họ.
Điều thứ nhất là :
"Điều 11. Sự kiện bất ngờ
Người thực hiện hành vi gây
hậu quả nguy hại cho xã hội do sự kiện bất ngờ, tức là
trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả
của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự."
Rõ
ràng, khi được biết phạm vi cưỡng chế chỉ là khu đất 19,3
ha, thì mấy người họ Đoàn không thể biết trước rằng lực lượng cưỡng chế sẽ tùy
tiện xông đến cưỡng
chế cả khu vực 21 ha không thuộc diện thu hồi, có nghĩa đấy là một "sự kiện bất
ngờ". Hơn nữa, họ cũng không buộc phải biết rằng lực lượng xâm nhập
phi pháp sẽ bất chấp tín hiệu cảnh cáo để sán lại quá gần, khiến đạn hoa cải có
thể gây sát thương, nghĩa là họ "không buộc phải thấy
trước hậu quả của hành vi" bắn súng đạn hoa cải để cảnh cáo.
Điều thứ hai là:
"Điều 16. Tình thế cấp thiết
1. Tình thế cấp thiết
là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước,
của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách
nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.
Hành vi gây thiệt hại
trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm."
Thiết
tưởng không cần phải thuyết minh thêm, vì hoàn cảnh thực tế của gia đình họ
Đoàn hoàn toàn phù hợp với định nghĩa trên của "tình thế cấp thiết".
Tóm lại: Các bằng chứng chỉ ra rằng bốn người họ Đoàn không có ý định giết
người. Căn cứ vào Điều 11, Điều 15 và Điều 16 của Bộ luật Hình sự,
họ không phải là tội phạm và không phải chịu
trách nhiệm hình sự.
Thêm vào đó, còn có thể dùng điều sau đây của Bộ luật Hình sự để giúp mấy người
họ Đoàn thoát khỏi tù ngục:
"Điều 25. Miễn trách nhiệm hình sự
Người phạm tội được
miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử,
do
chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn
nguy hiểm cho xã hội nữa."
Mặc dù mấy người họ
Đoàn chưa bị truy tố về tội sử dụng vũ khí trái phép,
nhưng tôi vẫn muốn trao đổi mấy ý kiến về vấn đề này. Bình gas (nếu quả thật nó
đã được dùng để gây nổ) thì hầu như nhà nào cũng có. Súng bắn đạn hoa cải,
không phải là của hiếm, cũng không phải là loại bị nghiêm cấm. Trong bài "Loạn
súng đạn hoa cải"28 của Thu Trinh đăng trên báo điện tử Đất
Việt, Đại tá Nguyễn Chí Lễ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật
tự xã hội thuộc Bộ Công an, đã cho biết rằng một số loại súng, trong đó có súng
bắn đạn hoa cải,
"chưa có trong danh mục quản lý của
Nhà nước nên mới chỉ dừng lại ở hình thức vận động nhân dân giao nộp"
và
"Bộ luật Hình sự hiện
chưa có quy định về các loại súng tự tạo, nên nếu đối tượng tàng trữ bị phát hiện
thì chỉ bị xử lý hành chính."
Về
mặt lý luận, cần lưu ý rằng: Nếu pháp luật nghiêm cấm người dân sử dụng một số
loại vũ khí có tác dụng phòng vệ, thì dựa trên giả thiết là Nhà nước đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và của cải của
nhân dân, khiến người dân không cần phải
tự phòng vệ. Trên thực tế thì Nhà nước chưa đảm bảo được sự an toàn
tính mạng và của cải của người dân. Hơn thế nữa, trong vụ Tiên Lãng, người của
cơ quan Nhà nước, nói đúng hơn là một bộ phận của bộ máy Nhà nước, lại xâm phạm
(thậm chí là cướp bóc) tài sản và đe dọa tính mạng của người dân. Vậy thì có thể
bỏ qua trách nhiệm của Nhà nước để thản nhiên, đơn phương quy kết người dân về tội
sử dụng vũ khí trái phép hay không?
Sẽ
là hỗn loạn nếu ai cũng sắm cho mình súng đạn phòng thân. Nhưng, mặc dù dân
chưa tự do mua sắm vũ khí, phải chăng là xã hội đã hỗn loạn lắm rồi? Nét đặc biệt
là hỗn loạn được điều tiết một chiều: Hỗn loạn từ
trên xuống thì mặc sức hoành hành, còn hỗn loạn từ dưới lên thì bị nghiêm cấm.
Nếu
chỉ dựa vào câu chữ vô tình của pháp luật, thì trong quá trình giành chính quyền
bằng bạo lực, những người cộng sản cũng đã từng sử dụng vũ khí trái phép và giết
người thi hành công vụ của chế độ cũ. Nhưng họ không băn khoăn, không ăn năn về
điều đó, bởi nghĩ rằng hành động của mình là chính nghĩa, rằng "mục
đích biện minh cho phương tiện". Cũng là người, chẳng nhẽ gia đình họ
Đoàn không có quyền nghĩ như những người cộng sản hay sao? Hành động trong thế
cùng đường của gia đình họ Đoàn đã thức tỉnh bộ máy cầm quyền và dư luận nhân
dân, đã cảnh báo cho lãnh đạo Đảng CSVN và Nhà nước về thực trạng tệ hại của bộ
máy cầm quyền và sự cùng cực của người dân, để mà chấn chỉnh bộ máy vì sự tồn
vong của chế độ, để muôn dân đỡ khổ. Cả một bộ máy cồng kềnh, rải từ trung ương
đến địa phương, gồm kiểm tra, thanh tra, công an, tòa án, viện kiểm sát, rồi
thêm cả ban chống tham nhũng, tiêu hết bao tiền của của nhân dân, vậy mà càng
chống thì tham nhũng càng nở rộ, càng trầm trọng, càng công khai. Tiếng nổ mang
tên Đoàn Văn Vươn đã làm cho bộ máy tham nhũng chững lại, ít nhất là trong chốc
lát, tạo điều kiện cho công cuộc cải tổ của Đảng CSVN và góp phần giải phóng
bao nông dân ra khỏi bất công. Chẳng nhẽ hiệu quả thực tế như vậy còn chưa đủ để
"biện minh cho phương tiện" hay sao?
3.
Một số tội hình sự cần bị điều tra và truy tố
Như đã viết ở phần
đầu, nếu coi 4 người họ Đoàn có "tội giết người" và "tội
chống người thi hành công vụ" thì cũng phải thừa nhận rằng hai tội đó
chỉ là hệ quả. Trước khi xét xử các "tội hệ quả" thì phải
xét xử các "tội tiền đề", là nguyên
nhân gây ra hệ quả ấy. Một số "tội tiền đề" liên
quan đến vụ Tiên Lãng, theo quy định của Bộ luật Hình sự, là:
-
Tội xâm
phạm chỗ ở của công dân
(Điều 124);
-
Tội cưỡng
đoạt tài sản
(Điều 135);
-
Tội
công nhiên chiếm đoạt tài sản
(Điều 137);
-
Tội lừa
đảo chiếm đoạt tài sản
(Điều 139);
-
Tội cố
ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165);
-
Tội lạm
dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280);
-
Tội lợi
dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281);
-
Tội lạm
quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282);
-
Tội ra
bản án trái pháp luật
(Điều 295);
-
Tội ra
quyết định trái pháp luật
(Điều 296).
Các
tội kể trên khá hiển nhiên đối với những ai đã theo dõi đầy đủ diễn biến của vụ
Tiên Lãng, nên tôi không muốn bỏ thời gian để phân tích và chỉ ra ai phạm tội
gì.
Song song với việc khởi tố về "tội
giết người" (Điều 93) đối với 4 người họ Đoàn, phải khởi tố chính tội ấy với một số người trong bộ máy cầm quyền, với tư cách "tội liên quan". Có thể một số người sẽ cho rằng việc
khởi tố này là quá khiên cưỡng. Nhưng mức độ khiên cưỡng ấy không hề cao hơn so
với mức độ khiên cưỡng của việc khởi tố 4 người họ Đoàn về "tội giết
người", bởi lẽ:
- Không có bất cứ lý do chính
đáng nào có thể biện hộ cho việc toán người lạm danh "công vụ"
mang theo vũ khí đột nhập vào nơi cư trú hợp pháp của công dân. Trong
khi đó, mấy người họ Đoàn chỉ thực hiện quyền "phòng vệ chính đáng"
của mình trước sự xâm nhập bất hợp pháp của toán người có vũ trang.
- Lực lượng lạm danh
"công vụ" đã dùng vũ khí hiện đại, đã xả súng bắn vào ngôi nhà, bất
chấp việc có ai trong đó và người ấy có liên quan đến việc kháng cự hay không.
Trong khi đó, phía họ Đoàn chỉ dùng súng bắn đạn hoa cải để cảnh báo,
hay cảnh cáo và chặn đường của những kẻ xâm nhập bất hợp pháp.
Tương
tự như trên, không thể dùng việc lực lượng cưỡng chế không làm ai bị chết hay bị
thương để giải thoát cho họ khỏi "tội giết người", vì việc xả
súng mà không trúng ai có thể do họ bắn quá kém, hay do mấy người họ Đoàn tránh
đạn quá giỏi. (Mấy người họ Đoàn giỏi đến mức có thể nhẹ nhàng biến khỏi vòng
vây của cả trăm công an, bộ đội, giữa thanh thiên bạch nhật, trên đồng không
mông quạnh.)
Giả
sử, sau khi họ xả súng bừa bãi vào ngôi nhà đó rồi tìm thấy mấy xác chết, thì họ
sẽ lập luận thế nào? Sẽ công bố là mấy người ấy đã tự vẫn do ân hận, giống như
trường hợp Nguyễn Công Nhựt,29 hay sao?
Nếu xem lại băng ghi hình chương
trình thời sự của VTV1,30 ta sẽ thấy được một phần của cảnh công
an nã súng vào nhà dân. Nhìn vào đó, ta không nhận ra dấu hiệu của sự kiềm chế
của lực lượng công an. Điều đó cũng phù hợp với đoạn tường thuật đầy hào hứng
sau đây của Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca, người cùng với 4 Phó giám đốc
Công an Hải Phòng trực tiếp chỉ đạo cuộc tấn công:
"Nhận định những kẻ trong ngôi
nhà 2 tầng chống đối bằng cách trải rơm dọc hai bên đường
rồi tẩm xăng, lãnh đạo công an thành phố đã lên phương án đốt cháy toàn bộ.
Song trên thực tế chưa dùng đến. Sau hàng loạt trận nã
đạn, khói bay mù mịt, lực lượng chức năng đã tiếp cận được ngôi nhà 2 tầng.
Tuy nhiên, 3 người đàn ông trong nhà đã biến mất từ lúc nào."31
Rõ ràng, đoạn tường
thuật trên đã trở thành lời tự thú, là bằng chứng hùng hồn về ý định giết người của "lãnh
đạo công an thành phố" Hải Phòng,
không những bằng "hàng loạt trận nã đạn"
với "khói
bay mù mịt", mà còn bằng "phương án đốt cháy toàn bộ" bằng "rơm"
"tẩm xăng". Khi cho "nã đạn" và "lên phương
án đốt cháy toàn bộ" "ngôi
nhà 2 tầng", "lãnh đạo công an thành
phố" Hải Phòng không thèm quan
tâm đến việc trong ngôi nhà ấy có người vô can hay không. Trong bài trả lời phỏng
vấn VnMedia,32 ông Ca nói rằng:
"Vào thời điểm xảy ra sự việc,
bên trong ngôi nhà theo quan sát lúc đó có 3 người con trai và một phụ nữ. Riêng đối tượng
Nguyễn Thị Thương cũng có mặt trong nhà nhưng khi xảy ra sự việc chúng
tôi chưa biết tại sao lại lên được bờ."
Nghĩa là ông Ca và
bộ sậu của ông đã dùng hoặc sẵn sàng dùng biện pháp hủy diệt, mặc dù cho rằng
trong nhà có phụ nữ. Đó là "tội giết người",
và theo Điều 93 của Bộ luật Hình sự thì hành vi của họ thuộc về các trường hợp
sau:
A) Giết nhiều người;
K) Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp;
L) Bằng phương pháp có khả năng làm chết
nhiều người;
O) Có tổ chức.
Nhiều
người nghi ngờ rằng: Việc phá hủy, rồi cho nghiền nát ngôi nhà và san phẳng hiện
trường là để xóa đi tang chứng của cuộc tấn công quá trớn và phi pháp. Cần phải
nghiêm túc điều tra xem có đúng như vậy hay không. Nếu đúng thì hành động phá
nhà ông Quý không chỉ là "tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài
sản"
(Điều 143), mà còn là hành vi "hủy vật chứng", tức là "tội
làm sai lệch hồ sơ vụ án" (Điều 300).
Dù
thế nào đi nữa, khi hai bên bắn nhau và đều "có vẻ" là sai, thì không thể
chỉ mang một bên ra xử, hay tách thành hai vụ án riêng biệt. Hiển nhiên là phải khởi tố và xét xử cả những người thuộc bộ máy cầm quyền.
Vậy
thì phải khởi tố thêm những ai về
"tội giết người"?
Đương nhiên là khởi tố tất cả những người đã tham gia cuộc đột nhập và tấn công
vào nơi cư trú hợp pháp của họ Đoàn, bất luận là họ có cầm súng bắn hay không, theo đúng kiểu truy tố mà Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an
thành phố Hải Phòng đã dành cho mấy người họ Đoàn. Hơn thế nữa, phải
khởi tố cả những người đã và đang dấu mặt ở đâu đó. Không thể để sót, mà phải
làm triệt để, giống như Cơ quan Cảnh sát điều tra
Công an thành phố Hải Phòng đã khởi tố cả ông Đoàn Văn Vươn về
"tội giết người",
mặc dù ông không có mặt tại nơi xảy ra
xung đột. Phải đối xử với những người thuộc bộ máy cầm quyền giống như đối xử với
gia đình họ Đoàn, thì mới đúng với nguyên lý "mọi
công dân đều bình đẳng trước pháp luật", được khẳng định trong Hiến pháp.
Một số "tội
tiếp theo" cần bị truy tố theo Bộ luật Hình sự là:
- Che giấu tội phạm (Điều 21);
- Tội cố ý gây thương tích hoặc
gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104);
- Tội gây thương tích hoặc gây
tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107);
- Tội hành hạ người khác (Điều 110);
- Tội làm nhục người khác (Điều 121);
- Tội vu khống (Điều 122);
- Tội bắt, giữ hoặc giam
người trái pháp luật
(Điều 123);
- Tội cướp tài sản (Điều 133);
- Tội hủy hoại hoặc cố ý làm
hư hỏng tài sản
(Điều 143);
- Tội giả mạo trong công tác (Điều 284);
- Tội truy cứu trách nhiệm
hình sự người không có tội
(Điều 293);
- Tội dùng nhục hình (Điều 298);
- Tội làm sai lệch hồ sơ vụ
án (Điều
300);
-
Tội
không tố giác tội phạm
(Điều 314).
Xin nhường mọi người dựa trên vô vàn
thông tin liên quan đã được công bố để tự xác định xem ai phạm những tội gì.
Chỉ lưu ý rằng, cùng một người hay cùng một hành động có thể bị quy về hai hay
nhiều tội khác nhau. Ví dụ: Việc Phó
chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại khẳng định rằng ngôi nhà ông
Đoàn Văn Vươn do nhân dân phá33
có thể quy về:
- Tội che giấu tội
phạm (Điều
21);
- Tội vu khống (Điều 122).
Việc lực lượng cưỡng chế bắt và đánh
bà Nguyễn Thị Thương trước mặt mọi người,34 đem giam, bức cung, rồi
truy tố bà về tội "chống người thi hành công vụ" có thể quy về:
- Tội cố ý gây
thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác (Điều 104);
- Tội gây thương
tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong khi thi hành công vụ (Điều 107);
- Tội hành hạ người
khác (Điều
110);
- Tội làm nhục người
khác (Điều
121);
- Tội vu khống (Điều 122);
- Tội bắt, giữ hoặc
giam người trái pháp luật (Điều
123);
- Tội truy cứu
trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 293);
- Tội dùng nhục
hình (Điều
298).
Cũng
cần lưu ý về "tội chống phá Nhà nước".
Rõ ràng là: Tác dụng chống phá Nhà nước của những người thuộc bộ máy
cầm quyền trong vụ Tiên Lãng cao hơn hẳn tất cả các trường hợp trên toàn quốc
đã từng bị kết án về tội này gộp lại. Đa số những người đã bị kết án về "tội
chống phá Nhà nước" vốn được ít người biết đến, tận khi bản án dành
cho họ được công bố trên đài báo thì cộng đồng nhân dân mới nghe tên lần đầu,
nên dù họ có nói hay viết gì thì dân cũng không nghe, không đọc, và nếu có vô
tình tiếp xúc thì chưa chắc đã tin. Còn vụ Tiên Lãng thì hàng chục triệu người ở
trong và ngoài nước đều nghe, đều biết và đều tin là những người đại diện cho
chính quyền trong vụ này là quá tồi tệ. Hiếm có vụ
chống phá Nhà nước nào khác thành công hơn thế. Có thể định nghĩa cụ
thể về tội này trong Bộ luật Hình sự hiện hành chưa thể hiện rõ là nó bao
gồm cả trường hợp Tiên Lãng, nhưng đó là khiếm khuyết của bộ luật, chứ không phải
là họ không có tội.
Nhiều tội trong
số kể trên đều có chung mấy "tình tiết tăng nặng",
được xác định trong Điều 48 của Bộ luật Hình sự, đó là:
A) Phạm tội có tổ chức;
C) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm
tội;
G) Phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái
phạm nguy hiểm;
K) Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng,
rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Lấy
ví dụ: Những ai đã từng dính líu trong những vụ tham nhũng trước đây, như vụ
tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn,35 nay lại liên quan đến vụ chiếm đất ở
Tiên Lãng, thì thuộc về phạm trù "phạm tội nhiều lần" hoặc
" tái phạm".
Cả
đống tội sờ sờ ra đấy, tại sao không truy tố? Chỉ riêng điều đó, cơ quan chức năng
đã phạm thêm
- Tội không truy cứu trách
nhiệm hình sự người có tội
(Điều 294).
Lẽ ra, trước khi yêu cầu
lãnh đạo thành phố Hải Phòng
"Chỉ đạo cơ quan bảo
vệ pháp luật khẩn trương đưa vụ án 'giết người và chống người thi hành công vụ'
ra xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các
cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo
do các quyết định không đúng pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng."
thì nên ra lệnh:
"Chỉ đạo cơ quan bảo
vệ pháp luật khẩn trương khởi tố vụ án 'giết người và lạm dụng công vụ' và đưa ra
xét xử công khai, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật. Kiến nghị các
cơ quan tiến hành tố tụng xem xét tình tiết giảm nhẹ đối với các bị
cáo đã có nhiều đóng góp trong quá trình công tác."
Hơn
nữa, cần chỉ thị:
"Phải khẩn
trương mở rộng vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng, không
để sót người, sót tội, bảo đảm tính nghiêm minh của
pháp luật."
Có như vậy thì mới thật sự nghiêm minh, mới thật sự công tâm,
không bao che cho những người trong bộ máy cầm quyền và không vùi dập dân thường.
Tôi dùng gạch nối "–", không phải để ghi chú rằng Tiên
Lãng thuộc Hải Phòng, vì điều đó giờ đây ai cũng biết, mà để thể hiện hướng
phát triển của vụ án. Thật vậy, chẳng ai tin rằng mọi chuyện tồi tệ chỉ xuất
phát từ Tiên Lãng và chỉ dừng lại ở huyện Tiên Lãng. Nếu như vậy thì cấp trên
đã không ngậm tăm và thậm chí tìm mọi cách để bao che suốt hơn một tháng trời.
Hơn nữa, hai anh em Lê Văn Hiền và Lê Thanh Liêm chưa đủ tầm để tự mình thao
túng đất đai bằng chuyện xây dựng sân bay quốc tế. Vâng, Tiên Lãng chỉ là một mắt
xích trong một dây chuyền tội ác.
4.
Một số việc cần làm ngay
Có 3 vấn đề
cấp bách hiện nay là:
-
Thứ nhất,
phải mở rộng vụ án, điều tra và truy tố các tội liên
quan đến những người trong bộ máy cầm quyền.
-
Thứ
hai, phải chuyển vụ án hình sự đối với gia đình họ
Đoàn cho cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương xem xét và xử lý.
-
Thứ ba,
nếu không thả ngay thì phải chuyển nơi giam giữ 4
người họ Đoàn ra khỏi địa phận Hải Phòng và tạo điều kiện để họ có thể tiếp xúc
với gia đình, người thân, thông qua đó mà tìm kiếm luật sư phù hợp.
Tại
sao lại quan niệm 3 việc trên là cấp bách? Để
chấm dứt ngay tình trạng những người phạm tội hoặc tòng phạm lại đứng ra tham
gia điều tra và xét xử dân oan!
Theo báo Đất Việt,36
"Chiều 14/2, đại tá Đỗ Hữu Ca, Bí
thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an TP. Hải Phòng đã chủ trì hội nghị cán bộ chủ chốt
của Công an thành phố triển khai Kế hoạch của Thành uỷ, UBND TP. Hải Phòng thực
hiện kết luận của Thủ tướng về việc cưỡng chế thu hồi đất tại xã Vinh Quang,
huyện Tiên Lãng…"
"… ông Ca
cũng chỉ đạo tập trung khẩn trương điều tra, đảm bảo khách quan, đúng
pháp luật vụ án 'giết người', 'chống người thi hành
công vụ', vụ án 'huỷ hoại tài sản' để đưa ra xét
xử trước pháp luật, khẩn trương truy bắt các đối tượng gây án bỏ trốn (2 nghi
phạm trong vụ nổ súng là Đoàn Văn Thoại và Phạm Thái, em ruột và em vợ Đoàn Văn
Quý)."
Thật
là rùng rợn khi kẻ lẽ ra phải là nghi can số một trong vụ án 'giết người' lại hùng hồn chỉ đạo truy tố mấy người
họ Đoàn về tội 'giết người'. Khi những người lẽ ra phải chịu trách nhiệm chính trong vụ
Tiên Lãng lại đứng ra phán xử, thì họ sẽ tha hồ mà xử lý những người đã làm hỏng
ý đồ của họ và khiến cho họ bị tai tiếng, lao đao…
Trong
thời gian tới, vị trí của nhiều cán bộ chủ chốt ở Hải
Phòng phải là chiếc ghế dành cho nghi can hoặc bị can, họ phải là đối tượng bị
điều tra, bị thẩm vấn. Không thể để họ tiếp tục đóng vai cán bộ điều tra, xét xử,
hay là người cung cấp thông tin cho cơ quan điều tra, để họ tiếp tục
bao che tội phạm và làm hại dân lành.
Huyện
ủy Tiên Lãng đã triệu tập 300 đảng viên đến để tuyên truyền, phổ biến những
thông tin sai trái, hoàn toàn bóp méo sự thật về những gì đã và đang xẩy ra
trên đất Tiên Lãng,37 và không thấy có đảng viên nào lên tiếng công
khai phản đối. Trong thể chế mà Đảng CSVN lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, sự
kiện kể trên cho thấy bộ máy cầm quyền ở Tiên Lãng
đã mục ruỗng và không thể hy vọng gì từ đó. Để cho bộ máy cầm quyền ở
Tiên Lãng rơi vào tình trạng thối nát và ngang nhiên hoành hành như vậy, không thể coi bộ máy cầm quyền của thành phố Hải Phòng
– cấp trên trực tiếp của huyện Tiên Lãng – là vô can
và trong sạch.
Giám
đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca đã thể hiện là một người quá kém cả về nhân
cách lẫn trình độ, đã phạm bao sai lầm và tội lỗi, đã ngập trong vũng đen nhầy
nhụa, song vẫn không thấy bị lôi ra gột rửa, mà vẫn ung dung tại vị và lớn tiếng
phán xét. Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Hải Phòng Đỗ Trung Thoại là
người phụ trách nông nghiệp, đã trực tiếp ký và đồng ý toàn bộ kế hoạch cưỡng
chế do Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền đệ trình, sau khi vụ việc diễn ra
thì lại cố tình bao che tội phạm bằng
cách trơ trẽn vu khống nhân dân phá nhà
ông Đoàn Văn Quý. Vậy mà Đỗ Trung Thoại vẫn bình chân như vại, lại còn được
lãnh đạo Đảng và chính quyền Hải Phòng tín nhiệm giao cho trọng trách làm Tổ
trưởng tổ công tác để chỉ đạo các ngành từ thành phố đến huyện Tiên Lãng thực
hiện kết luận của Thủ tướng (theo phương án phân công ban đầu).38 Chỉ cần nhìn vào hai ví dụ ấy, cũng thấy được bộ máy cầm quyền
ở Hải Phòng đã băng hoại thế nào.
Tôi
không tán thành quan điểm của một vị lãnh đạo, cho rằng nếu cứ thấy sai là cách
chức thì không còn ai để làm việc, bởi lẽ dù tình hình trầm trọng đến đâu đi nữa
thì đất Việt vẫn chưa hết người tài đức. Tuy nhiên, là một người già dặn, một
trong những người đứng đầu bộ máy cầm quyền, hiển nhiên ông hiểu rõ hơn, chính
xác hơn về thực trạng của hàng ngũ lãnh đạo và đội ngũ kế cận, nên đánh giá của
ông chắc hẳn phải chính xác trong phạm vi ấy. Vì vậy, dẫu thay hết cán bộ lãnh
đạo ở Hải Phòng, dẫu tin rằng ở đất Hải Phòng còn nhiều người tài đức, thì ta
cũng không thể yên tâm rằng, sau khi cách
chức hết các tham quan đương nhiệm, những người sắp
kế nhiệm sẽ đủ công tâm và thông thái để vô tư đứng ra giải quyết vụ án
quá phức tạp này.
Lãnh
đạo ở Hải Phòng, từ xã Vinh Quang, đến huyện Tiên
Lãng, cho đến cấp thành phố, đã lún quá sâu trong vũng bùn nhơ nhớp, luôn tìm
cách biến báo để xóa dấu vết tội lỗi của bản thân và đồng bọn, nên không thể có
được sự trung thực và khách quan tối thiểu để tiến hành điều tra và xét xử vụ
án của mấy người họ Đoàn. Chính vì vậy, không
thể để bộ máy cầm quyền ở Hải Phòng định đoạt số phận của gia đình họ Đoàn.
Ngày
08/02/2012, Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang và Luật sư Trần Vũ Hải đã gửi Bộ
trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang một kiến nghị, trong đó đề nghị Bộ trưởng chỉ
đạo Cơ quan Điều tra thuộc Bộ Công an áp dụng quy định tại Điều 110 của Bộ luật
Tố tụng Hình sự:
"Cơ quan điều tra cấp
trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng,
phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra
quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra."
Đây là một kiến nghị rất hợp lý và rất cần thiết. Hy vọng Bộ trưởng
Bộ Công an sẽ sớm phúc đáp và chấp thuận đề nghị này.
Tôi muốn kiến nghị thêm: Nếu không thả tự do hoặc tạm tha (cho tại
ngoại) thì đề nghị cho di dời ngay lập tức nơi giam giữ 4 người họ Đoàn ra khỏi
địa phận Hải Phòng, trước hết là để đảm bảo an toàn tính mạng và sức khỏe cho họ,
sau đó là để có điều kiện để tiến hành điều tra một cách chính xác và khách
quan.
*
*
*
Căn
cứ vào những điều báo chí đã viết về việc đắp đê, lấn biển, cải tạo cả một vùng
rộng lớn, tạo nên cuộc sống ổn định hơn trước đe dọa của sóng bão, ta thấy là gia đình ông Vươn đã có công lớn. Nếu nghĩ đến việc
nhân dân ta đã phải hy sinh biết bao xương máu để giữ từng tấc đất của Tổ quốc,
ta sẽ thấy gia đình ông Vươn không chỉ có công với địa
phương Tiên Lãng, mà là có công với Nước. Gia đình ông Vươn có công rất lớn đối với nhân dân, vì hành động
của họ đã góp phần làm cho dân đỡ khổ. Gia đình ông
Vươn có công rất lớn đối với chế độ, vì
hành động của họ đã đánh thức những người vô tình hay giả vờ quan liêu, để nhận
thức ra những đàn sâu trong bộ máy cầm quyền đang đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Hành động cực đoan để cảnh báo xã hội, cảnh báo chính quyền của mấy người họ
Đoàn cũng có thể so sánh với việc ai đó trong chiến tranh đã đốt nhà mình để
báo hiệu cho cán bộ cộng sản biết đang bị địch phục kích. Chẳng nhẽ thoát chết
rồi lại quay ra lên án tội đốt nhà hay sao? Với những lý do trên, gia đình ông Vươn hoàn toàn xứng đáng được hưởng thành quả của
mấy chục hecta đã khai phá và cải tạo.
Căn
cứ vào những lập luận trong bài này và bài "Nhân
vụ Tiên Lãng bàn về công vụ", hẳn bạn đọc thấy rằng mấy người họ Đoàn không phạm "tội giết người", lại càng không hề phạm
"tội chống người thi hành công vụ". Vì vậy, cần phải hủy bỏ quyết định truy tố và trả lại tự do cho họ.
Suy
nghĩ mãi, nhưng tôi chưa hình dung ra được con đường nào khác để có thể làm yên
lòng dân và gỡ mối bùng nhùng rối tinh của đống dây kích nổ, ngoài việc thả ngay lập tức 4 người họ Đoàn và hủy bỏ lệnh truy tố họ về
tội "giết người và chống người thi hành công vụ", hoặc đem họ ra xét xử để
tuyên bố họ trắng án.
Nên dành cho gia đình họ Đoàn những quyền lợi đặc biệt, thậm chí là
ngoại lệ (ví
dụ như vẫn cho họ tiếp tục sử dụng toàn bộ diện tích đang khai thác, cho dù diện
tích đó có thể vượt ngưỡng trong quy định nào đó), theo kiểu "gia đình
có công đặc biệt với đất nước". Nếu gia đình họ Đoàn đã từng có những
vi phạm nào đó, cũng như muôn người ở đất nước này, thì cũng có thể "miễn
truy tố", giống như các vua thời trước vẫn làm trong những trường hợp
có công đặc biệt.
Để thoát ra khỏi tình thế hỗn loạn hiện nay thì không thể chỉ máy
móc áp dụng luật pháp, mà phải dùng cả lòng bao dung, và lòng
bao dung ấy trước hết phải được dành cho gia đình họ Đoàn. Ngược lại, nếu cứ khăng khăng xử theo luật, thì phải bắt đầu xử từ những
người trong bộ máy cầm quyền. Nếu làm theo hướng thứ hai một cách nghiêm
minh, thì e rằng cuối cùng sẽ không còn đủ người, hoặc thậm chí là không có người
để đóng vai quan tòa nữa.
Nếu những người cầm quyền thành tâm muốn phát hiện kẻ thù của chế độ,
thì hãy bắt đầu tìm kiếm trong hàng ngũ của mình, đừng chỉ nhằm vào dân mà làm
hại ân nhân.
Chỉ cần một chút công bằng, chưa cần đến nghiêm minh, thì dù có dồn hết năng lượng cũng
không đủ để xử lý hết những vi phạm pháp luật trong
hàng ngũ cầm quyền.
*
*
*
Bài
viết này trình bày một lược đồ tư duy, dựa trên giả thiết là những thông tin từ
internet mà tôi đã trích dẫn là đúng. Tất nhiên, một số thông tin từ internet
có thể sai, khi đó kết luận rút ra có thể cũng sai theo.
Một
trong những mục đích của bài này là để góp ý cho những người có trách nhiệm tiếp
cận thêm một cách nhìn, để hạn chế bớt chủ quan, dẫn đến việc bênh vực các
thành viên của bộ máy cầm quyền một cách quá thái và vùi dập người dân một cách
quá đáng.
Tôi
chỉ trao đổi một số khía cạnh mà tôi e rằng những người khác chưa nói, hoặc nói
chưa đủ. Còn việc đưa ra những lập luận toàn diện, nhất là những lập luận có lợi
cho phía chính quyền và có thể có hại cho gia đình họ Đoàn, thì đã có bộ máy ăn
lương khổng lồ làm, tôi không có ý định làm thay.
*
*
*
Một thực tế tệ hại
hay tái diễn trên "công đường" thời nay là:
-
Luật sư giỏi
thì chưa chắc đã được phép tiếp cận vụ án;
-
Có thể luật
sư được … cài, để bào chữa cho… công an và làm hại cho thân chủ;
-
Luật sư muốn
tranh luận thì chưa chắc đã được nói, hoặc bị cản trở bằng khống chế thời gian;
-
Nếu luật
sư được nói thì chưa chắc quan tòa đã nghe;
-
Nếu quan
tòa có để ý nghe, thì chưa chắc đã làm theo, vì bản án đã được cấp trên ấn định
từ trước.
Để khắc phục hiện
trạng này, nên chăng sử dụng hình thức "bào chữa
công khai" trên mạng internet và
trên đài báo. Ưu điểm của hình thức này là:
-
Quan tòa
không cản trở được và không có khống chế thời gian;
-
Không nhất
thiết phải có giấy hành nghề luật sư, mà cần có đủ năng lực trí tuệ;
-
Nhiều người
có thể cùng tham gia bào chữa, không phụ thuộc vào không gian, địa điểm;
-
Phía tòa
án có đủ thời gian xem xét để chấp nhận những lập luận hợp lý;
-
Những người
thực sự quyết định kết cục của vụ án có đủ thời gian để cân nhắc và hiệu chỉnh
mệnh lệnh điều khiển "robot công đường", tức là sửa lại các "bản
án bỏ túi" trước khi trao cho "diễn viên" trình diễn tại
"công đường";
-
Nếu tòa
án không chấp nhận những lập luận hợp lý và kết tội một cách phi lý, thì dư luận
sẽ có cơ sở để phán xét và lên án.
Bài
viết này là một thử nghiệm theo hướng tiếp cận "bào chữa công
khai".
Tại nhiều chỗ trong bài, tôi đã thử đóng vai trò "bào chữa",
khi đó tất nhiên tôi chỉ trình bày những tình tiết có lợi cho "thân chủ",
mặc dù trên thực tế tôi không hề biết những người họ Đoàn là ai và thật ra họ
có sai phạm gì không, ngoài những thông tin đọc được từ internet. Có thể sẽ nẩy
sinh câu hỏi rằng ai trả cho tôi tiền "bào chữa". Xin trả lời:
Gia đình ông Vươn không trả tiền cho tôi! Bằng việc "bào chữa không
công", tôi chỉ trả một phần món nợ mà tôi đã nợ bấy lâu, đó là khoản
tiền mà Nhân dân đã góp cùng bố mẹ tôi, để nuôi tôi ăn học thành người. Trong
đóng góp ấy, phần lớn nhất là của những người Nông dân (giống như gia đình ông
Vươn), những Ân nhân của tôi, như tôi đã gửi gắm trong hai bài "Vô tư"40
và "Đừng đuổi ân nhân".41
Để bảo vệ dân oan thì phải cương quyết tấn công tội phạm liên quan,
nhất là khi tội phạm ấy xuất phát từ những người thuộc bộ máy cầm quyền. Đối với vụ Tiên Lãng, những
tội phạm liên quan xuất phát từ những người thuộc bộ máy cầm quyền được trình
bày ở phần 3 của bài viết này. Xét về phương diện tấn công tội phạm liên quan, phương thức "bào chữa công khai" có cái lợi nổi trội, là quan tòa sẽ không thể dùng lý do
kinh điển rằng vấn đề luật sư đề cập "nằm ngoài khuôn khổ vụ án đang
xét" để gạt đi, nhằm kết án bằng được theo kịch bản định sẵn.
*
*
*
Vừa rồi có một
cuộc tranh luận sôi nổi, đôi khi quá gay gắt và thiếu công bằng, về vai trò
phản biện của trí thức. Tôi không muốn tham gia cuộc tranh luận ấy, mà chỉ gửi
gắm tâm sự của mình qua bài "Trí thức",42 với khổ đầu là:
"Trí thức là biết đau
Đau nỗi đau đồng loại
Đau sớm hơn người khác
Khi mọi người chưa đau."
Vâng,
tôi đã viết hai bài liên quan đến vụ Tiên Lãng bằng những nỗi đau – nỗi đau ứ
máu không cầm nổi – nỗi đau chung với những người dân cùng cực, không chỉ ở bờ
biển Tiên Lãng – nỗi đau mà tôi muốn chia sẻ với mọi người, để cho đỡ đau…
Chú
thích:
1 VietNamNet
10/02/2012: Toàn văn kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế
Điều
12, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992
VTV1 05/01/2012: Bản tin
thời sự
VTV1
05/01/2012: Bản tin
thời sự
Hà Nội, ngày 16/02/2012
Tái bút
Khi bài
này được đăng trên blog
BA SÀM, có một bạn đọc với bí danh McKeno đã bình luận như sau:
"Súng hoa cải là công cụ sản xuất cần thiết của những người nuôi trồng
thủy sản để xua đuổi các loài chim ăn cá
như Bói cá, Sả, Cốc, Bồ nông, cò, hạc, hải âu, mòng biển…"
"Mới thả cá giống
mà một bầy chim xà xuống là… toi. Không thể la hét mà đuổi chim được. Kỹ thuật
nuôi trồng hơn nhau là chỗ đó. Hãy so sánh năng suất của đầm anh Vươn và đầm của
Tổng đội thanh niên xung phong. Mỗi hecta mặt nước của anh Vươn cho thu hoạch
ít nhất là 10 tấn thủy sản, trong khi 82 tỷ vốn của Tổng đội bị phá sản…"
Cám ơn McKeno!