Hiến pháp vi hiến
Hoàng Xuân Phú
pháp vi hiến
quyền bất chính
Một hành vi hay văn bản được
coi là vi phạm hiến pháp, gọi tắt là vi hiến, nếu
nó vi phạm một quy định nào đó trong hiến pháp.
Văn bản pháp luật vi hiến
thì không hiếm. Nhưng hiến pháp mà cũng vi hiến thì hiếm hoi đến mức có
thể coi là "đặc sản" của chế độ. Tiếc rằng, Hiến pháp 2013 – do Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 28 tháng 11 năm
2013 – lại thuộc loại ấy. Chúng ta hãy cùng nhau phân tích mấy điều khoản vi
hiến để làm sáng tỏ nhận định này.
Vì mọi điều khoản trong một
bản hiến pháp đều được xem là "chuẩn mực", nên khi hai nội
dung mâu thuẫn với nhau thì có thể dùng điều này phủ định điều kia và ngược
lại, để cuối cùng thì cả hai đều trở thành vi hiến. Tuy nhiên, ta sẽ
không phủ định triệt để cả hai, mà "tha" cho điều khoản có vị
thế ưu tiên hơn trong hiến pháp, và dùng nó để đánh giá những điều khoản
khác. Vậy căn cứ vào đâu để xác định vị thế ưu tiên trong hiến
pháp? Theo tư duy của các nhà lập hiến, chắc hẳn Chương I có vị thế ưu tiên
nhất, và Chương II có vị thế ưu tiên hơn (tức là quan trọng hơn)
so với các chương sau. Trong nội bộ một chương, điều được đặt lên trước có lẽ
cũng được coi là quan trọng hơn điều bị đặt ở phía sau.
Để chứng minh một
điều khoản nào đó của Hiến pháp 2013 là vi hiến, ngoài những quy tắc suy
luận lô-gích tối thiểu, ta sẽ chỉ dựa vào bản thân Hiến pháp để lập luận. Kể cả khi trích dẫn
Hiến chương Liên hợp quốc hay Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948,
thì không có nghĩa là viện dẫn văn bản ngoại lai, mà chỉ nhằm khẳng định đối
tượng đang được khảo sát vi phạm Điều 12 Hiến pháp 2013, cam kết rằng:
"Nước Cộng
hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam… tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước
quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên."
Bài này được chia thành 5 phần
như sau:
Phần 1 (Bớt xén quyền con người) phân
tích tính vi hiến của Điều 14 Hiến pháp 2013, quy định rằng "các quyền con người… được công nhận…
theo Hiến pháp và pháp luật".
Phần 2 (Ép thầy tu cầm súng)
bàn về tính vi hiến của Điều 45 Hiến pháp 2013,
quy định rằng "công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Phần 3 (Bắt người dưng thờ phụng)
chỉ ra sự vi hiến của Điều 65 Hiến pháp 2013,
đòi hỏi "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối
trung thành… với Đảng… bảo vệ… Đảng… và chế độ xã hội chủ nghĩa… thực hiện
nghĩa vụ quốc tế".
Phần 4 (Tước đoạt quyền sở hữu)
chứng minh sự vi hiến của Điều 53 Hiến pháp 2013,
quy định rằng "Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà
nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Phần 5 (Chiếm quyền lực Nhân dân)
vạch ra tính vi hiến của Điều 4 Hiến pháp 2013,
mặc định rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước
và xã hội", và tính vi hiến của Điều 9 Hiến pháp 2013,
ấn định rằng "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở
chính trị của chính quyền nhân dân; đại diện… quyền… của Nhân dân".
Để tránh hiểu lầm
là sự vi hiến của Hiến pháp 2013 chỉ dừng lại ở 6 điều khoản kể trên, đoạn
kết của bài này đề cập thêm một ví dụ vi hiến, đó là Điều 10 Hiến pháp 2013, quy định rằng "Công đoàn Việt Nam là tổ
chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động… đại diện
cho người lao động… bảo vệ quyền, lợi ích… của người lao động".
Ba trong số bẩy nội
dung vi hiến kể trên đã được góp ý và bị phê phán rất nhiều trong quá
trình thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Song nhà cầm quyền vẫn bất chấp,
cố bám giữ bằng được. Khi tranh luận về bản Dự thảo, cả hai phía đều dựa chủ yếu
vào quan điểm nhận thức để bảo vệ hay bác bỏ. Lập trường quá khác nhau, nên khó
tránh khỏi quá đà, lắm lúc còn nặng lời thóa mạ. Và như một bản năng, mỗi lần
đuối lý, thì bộ máy lý luận và tuyên truyền của nhà cầm quyền lại thường quy chụp
những ý kiến trái chiều là thù địch hay phản động. Bây giờ, trong bài viết này,
mọi lập luận chỉ đơn thuần dựa trên Hiến pháp 2013. Cho nên, nếu vẫn cố quy chụp
các kết luận được rút ra ở đây là phản động, thì chẳng khác gì coi Hiến pháp của
chế độ đương thời là phản động.
1. Bớt xén quyền con người
Khoản 1 Điều 14 của Hiến pháp 2013 viết rằng:
"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh
tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo
Hiến pháp và pháp luật."
Đây là một điều khoản vi hiến rất tinh
vi, bởi vì chất vi hiến ẩn khuất trong một mệnh đề được viết gián đoạn: "Các
quyền con người… được công nhận… theo Hiến pháp và pháp luật". Điều đó
cũng có nghĩa là: Các quyền con người chỉ được công nhận theo Hiến
pháp và pháp luật. Nếu quyền con người nào không hoặc chưa được Hiến pháp và
pháp luật công nhận đích danh, thì không hoặc chưa được thừa nhận.
Để chứng
minh nhận định trên, ta cần chỉ ra rằng cụm từ "theo Hiến pháp và pháp
luật" được gắn với cả bốn động từ trong cái mớ lòng thòng "được
công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm". Thật vậy, giả sử cụm từ "theo
Hiến pháp và pháp luật" chỉ gắn với động từ cuối cùng là "đảm
bảo", thì phần còn lại (trước đó) sẽ chứa đựng nội dung (hoàn chỉnh)
là:
"Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người được công nhận, tôn trọng, bảo vệ."
Câu
này ở thể bị động, nhằm hiến định nghĩa vụ của Nhà nước. Khi chuyển sang
thể chủ động, ta thu được mệnh đề:
"Nhà nước công nhận, tôn trọng,
bảo vệ các quyền con người."
Song
nội dung này đã có trong Điều 3 Hiến pháp 2013, viết rằng:
"Nhà
nước bảo đảm
và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công
nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm
quyền con người,
quyền công dân."
Vậy thì việc gì phải
nhắc lại nó một lần nữa ở Điều 14?
Lập luận vừa rồi có lẽ chưa đủ để chứng minh nhận định trên,
bởi vì viết trùng lặp là một căn bệnh của Hiến
pháp 2013. Cho nên, cần viện dẫn thêm cả Hiến pháp 1992,
trong đó quy định rằng:
"Điều 50 Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa
Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và
xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định
trong Hiến pháp và luật."
"Điều 51 … Quyền và nghĩa vụ của
công dân do Hiến pháp và luật quy định."
Rõ
ràng, Hiến pháp
1992 nhấn mạnh
đến hai lần, rằng "các quyền con người… được… thể hiện ở các
quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật" và "quyền…
của công dân do Hiến pháp và luật quy định". Hệ quả pháp lý là:
Những quyền nào không "được quy định trong Hiến pháp và luật" thì
không được nhà cầm quyền thừa nhận. Hơn thế nữa, vì "các quyền con
người" chỉ "được… thể hiện ở các quyền công dân", nên
Hiến pháp 1992 không thừa nhận quyền con người của những người Việt bị mất
quyền công dân (chẳng hạn trong thời gian chấp hành án tù giam) và của những
người nước ngoài đang có mặt ở Việt Nam (do họ không phải là công dân Việt Nam).
Vì
Hiến pháp 2013 "kế thừa" Hiến pháp 1992, như được
khẳng định trong Lời nói đầu, nên ý "quyền con người được công
nhận theo Hiến pháp và pháp luật" tại Điều 14 Hiến pháp 2013 là kế thừa của ý "quyền công
dân được quy định trong Hiến pháp và luật" tại Điều 50
và Điều 51
của Hiến pháp 1992 mà thôi.
Suốt mấy chục năm
qua, nhà cầm quyền luôn dị ứng với khái niệm "quyền con người",
coi "nhân quyền" như một thứ xấu xa, cấm kỵ. Mặc dù đó là những
quyền hiển nhiên được Tạo hóa ban cho mọi người sinh ra trên Trái đất, như
đã được trích dẫn trong "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hòa. Không thể phủ định được mãi, giờ đây họ buộc phải "chấp nhận khái
niệm quyền con người" trong Hiến pháp 2013. Để tiệm cận được cái chân lý quá hiển nhiên ấy, giới
cầm quyền phải vật lộn rất vất vả với chính bản thân mình, đến mức cho rằng cú
nhích quá muộn màng đó là "một bước tiến rất lớn", như đã thể
hiện trong lời phát biểu của ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của
Quốc hội khóa XIII và Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
năm 1992:
"Chúng ta chấp nhận khái niệm quyền con người,
chấp nhận thể hiện quyền con người trong Hiến pháp bằng những quy định cụ
thể. Đây là một bước tiến rất lớn."
Cần
phải lưu ý rằng: Đại từ nhân xưng "Chúng ta" chỉ đúng với ngữ
cảnh tâm sự trong nội bộ giới cầm quyền. Còn khi họp báo, nghĩa là nói với "người ngoài", thì ông
Lý nên xưng "Chúng tôi" cho chính xác. Bởi vì đối với quảng
đại Nhân dân thì quyền con người là một khái niệm hiển nhiên, đến mức… phải
ngạc nhiên: Tại sao họ lại "chậm hiểu" đến như vậy? "Chậm"
thì sao không tránh sang một bên, để rộng đường cho Nhân dân đi tới tương lai?
Qua khẳng định của
ông Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,
ta thấy rõ rằng nhà cầm quyền vẫn chưa chịu thừa nhận quyền con người một
cách đầy đủ, mà mới chỉ dừng lại ở mức "thể hiện quyền con
người trong hiến pháp bằng những quy định cụ thể". Sao lại ì ạch, khó
nhọc đến như vậy? Làm hiến pháp, làm luật, thì phải hiểu được kiến thức sơ đẳng
là: Dù muốn thì cũng không thể quy định hay liệt kê hết thảy mọi thứ trong
hiến pháp, pháp luật, và nếu điều gì không được liệt kê thì không có nghĩa là
nó bị phủ nhận. Để tránh hiểu lầm, 222 năm trước các nhà lập hiến Mỹ đã bổ sung thêm điều
sau đây vào Hiến pháp Mỹ:
"Việc liệt
kê một số quyền trong Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những
quyền khác của người dân." (Tu chính IX)
Quyền công dân có thể
mang tính đặc thù của từng quốc gia, nhưng quyền
con người thì mang tính phổ quát trên toàn thế giới, chứ không phải là thứ do
nhà cầm quyền của từng nước ban phát. Bình thường thì Nhà
nước phải thừa nhận tất cả các quyền con người, cho dù các quyền đó có được đề
cập cụ thể trong Hiến pháp và pháp luật hay không. Quyền con người được
đề cập trong Điều 3 Hiến pháp 2013
phải mang ý nghĩa như vậy. Do đó, việc Khoản 1 Điều 14 Hiến
pháp 2013 hạn chế quyền con người,
chỉ "công nhận… theo Hiến pháp và pháp luật", là vi phạm Điều 3 Hiến pháp 2013.
Điều 56 Hiến chương Liên hợp quốc đòi hỏi:
"Tất cả thành viên cam kết bằng các hành động chung
hoặc riêng trong sự nghiệp hợp tác với Liên hợp quốc để đạt được những mục đích
ở Điều 55."
Trong số các mục đích được nêu ở Điều 55
có:
"Tôn trọng và tuân thủ triệt để các
quyền con người và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt
chủng tộc, giới
tính, ngôn ngữ hay tôn giáo."
Điều 1 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền khẳng định:
"Mọi
người sinh ra đều
được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các
quyền."
Rõ
ràng, việc Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013 hạn chế quyền con người
ở Việt Nam là vi phạm nguyên tắc "các quyền
con người… không phân biệt chủng tộc" và "mọi
người sinh ra đều… bình đẳng về… các quyền".
Trong số các quyền
con người chưa được nhà cầm quyền Việt Nam "công
nhận… theo Hiến pháp và pháp luật" có quyền "tự do tư
tưởng". Vậy là vi phạm Điều 18 Tuyên
ngôn Quốc tế Nhân quyền:
"Mọi người có quyền tự do tư
tưởng, lương tâm và tôn giáo."
Đó là một quyền
rất cơ bản, là tiền đề của nhiều quyền tự do khác. Bởi lẽ, nếu không có quyền "tự
do tư tưởng", tức là "tự do nghĩ khác", thì
cái gọi là "tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin,
hội họp, lập hội, biểu tình" cũng chỉ là một thứ "tự do nô lệ", "tự
do phụ họa", dành riêng cho những ai chỉ biết ca ngợi nhà cầm quyền và
"ngân nga" tư tưởng được coi là chính thống mà thôi. Đúng như Rosa
Luxemburg
(1871-1919) – nhà lý luận Mác-xít tiền bối bậc thầy của những người cộng sản
Việt Nam – đã viết trong tác phẩm "Về cách mạng Nga" (Zur
russischen Revolution
– Xuất bản lần đầu vào năm 1922, bàn về cuộc cách mạng của những người cộng sản
Nga, tạo dựng ra chế độ Liên bang
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết):
"Tự do mà
lại chỉ dành cho những người ủng hộ chính phủ, chỉ dành cho các đảng viên của
một đảng – dù họ đông bao nhiêu đi nữa – thì đó không phải là tự do. Tự do
luôn chỉ là tự do của những người nghĩ khác."
Đáng lưu ý là:
Trong Hiến pháp 2013, một số quyền con người bị hạn chế bằng cách chỉ
được thể hiện dưới dạng quyền công dân, ví dụ như:
"Công dân có quyền tự do
đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước." (Điều 23)
"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự
do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình." (Điều 25)
Hệ quả pháp lý là:
Theo Khoản 1 Điều 14 thì những quyền này chỉ còn là quyền công dân,
không được công nhận là quyền con người, nên những người không
mang quốc tịch Việt Nam không được hưởng trên đất Việt Nam. Chẳng hạn, người gốc
Việt mang quốc tịch nước ngoài có thể không được về quê hương Việt Nam, hay khi
đang ở trên đất Việt Nam thì người nước ngoài không có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo
chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Như vậy là vi phạm ba điều khoản sau
đây của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền:
"Mọi người đều có quyền
rời khỏi lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và quyền trở về xứ
sở."
(Điều 13)
"Mọi người đều có quyền tự
do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; quyền này bao gồm cả tự do quan điểm mà không
bị can thiệp và được tự do tìm kiếm, thu nhận và quảng bá tin tức và tư tưởng
qua mọi phương tiện truyền thông bất kể biên giới." (Điều 19)
"Mọi
người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách ôn hòa." (Điều 20)
Với
các chứng cứ kể trên, ta có thể khẳng định rằng Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp 2013 vi phạm Điều 12 Hiến pháp 2013, trong đó cam kết "tuân thủ Hiến
chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên".
Tóm lại, Điều 14 Hiến pháp 2013 là vi hiến, vì nó mẫu thuẫn
với Điều 3 và Điều 12, tức là vi phạm hai điều có vị thế ưu tiên hơn nó
trong cùng Hiến pháp.
Sự
vi hiến này không phải là vô tình, mà là sản phẩm truyền thống của "hội
chứng ban phép", tức là lối tư duy thống trị, cho
rằng người dân chỉ được làm và chỉ được hưởng những thứ mà nhà cầm quyền
cho phép. Nó xuất phát từ ngộ nhận, cho rằng thế lực cầm quyền "cao
hơn hẳn" tất thảy Nhân dân và có "quyền sinh quyền sát"
đối với cộng đồng Nhân dân. Đó là một căn bệnh trầm kha, đã trói buộc Nhân dân ta
và cản trở sự phát triển của Dân tộc ta suốt mấy chục năm qua, biến Dân ta
thành một thứ "nô lệ tư duy". Cái gọi là "đổi
mới" (được tiến hành từ những năm 80 của thế kỷ 20) chẳng qua là nhà
cầm quyền chịu "cởi trói", nói đúng hơn là "nới
trói", trả lại cho Dân một phần quyền sinh sống và làm ăn tự do vốn có
tự bao đời. Cho nên, nếu muốn thực sự giải phóng Nhân dân, giải phóng Dân
tộc khỏi xiềng xích, thì phải cương quyết triệt xóa "hội chứng ban
phép" này.
2. Ép thầy tu cầm súng
Điều 45 Hiến pháp 2013 quy định:
"Công dân phải thực hiện nghĩa vụ
quân sự..."
Nghĩa vụ này được cụ thể hóa trong Luật nghĩa vụ quân sự như sau:
"Điều 3
Công dân nam giới,
không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo,
trình độ văn hoá, nghề nghiệp, nơi cư trú, có nghĩa vụ phục vụ tại ngũ trong
Quân đội nhân dân Việt Nam."
Khi phục vụ tại
ngũ trong quân đội thì phải luyện tập giết kẻ thù, và trong hoàn cảnh cần thiết
thì cũng phải giết kẻ thù. Mà kẻ thù, dù xấu xa, phi nghĩa đến đâu, thì cũng là
con người. Vì vậy, bắt cả những người có tín ngưỡng tương tự như "Ngũ
giới"
của Phật tử phải "thực hiện nghĩa vụ quân sự" tức là bắt họ
phải tham gia "sát sinh", là vi phạm "quyền tự
do tín ngưỡng, tôn giáo" của họ. Rõ ràng, Điều 45 vi phạm Điều 24 Hiến pháp 2013, hiến định rằng:
"1. Mọi người có quyền tự do
tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo
bình đẳng trước pháp luật.
2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
3. Không ai
được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo để vi phạm pháp luật."
Lý
lẽ trên đơn giản và hiển nhiên đến mức không thể né tránh câu hỏi: Chẳng nhẽ
Quốc hội không có ai thực sự hiểu và bảo vệ tín ngưỡng, tôn giáo hay sao? Các đại
biểu "vô thần" không hiểu tín ngưỡng đã đành, chẳng nhẽ các đại biểu
mặc áo cà sa cũng không hiểu nốt?
Hay
họ hiểu cả, nhưng chỉ định đưa "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" vào Hiến pháp để cùng với các
quyền tự do báo chí, lập hội, biểu tình… hóa trang dân chủ cho chế độ,
chứ chẳng hề có ý định tôn trọng các quyền đó? Nghi ngờ này đã được xác nhận
quá nhiều lần trên thực tế, và nay lại được củng cố thêm bởi Khoản 3 của Điều 24 Hiến pháp 2013, quy định rằng "không ai được…
lợi dụng
tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật". Xét về mặt pháp lý, khoản cấm này là hoàn toàn thừa, vì đã có quy định
tổng quát tại Điều 46 Hiến pháp 2013 là "công dân có nghĩa vụ tuân
theo Hiến pháp và pháp luật", và hệ quả hiển nhiên là "không
ai được vi
phạm pháp luật",
bất luận vì lý do gì, cho dù lợi dụng hay không lợi dụng một quyền nào đó. Cho
nên, có lẽ vai
trò của khoản cấm "lợi dụng" chỉ là tạo cớ để khước từ hay hạn
chế "quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo",
như đã trao đổi trong bài "Teo dần quyền con người trong Hiến pháp".
Nếu thực tâm tôn
trọng "quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo", thì các nhà lập hiến
CHXHCN Việt Nam nên thay Khoản
3 của Điều 24 Hiến pháp 2013 bằng Khoản 3 của điều sau đây trong Hiến pháp CHLB Đức (Grundgesetz für
die Bundesrepublik Deutschland):
"Điều 4
(1) Tự do tín ngưỡng, tự do lương tâm
và tự do biểu lộ tôn giáo và thế giới quan là bất khả xâm phạm.
(2) Việc thực thi tôn giáo mà không bị
quấy rối được bảo đảm.
(3) Không ai có thể bị ép buộc cầm
súng phục vụ chiến tranh trái với lương tâm của bản thân. Chi tiết được quy
định trong một luật của Liên bang."
Khoản 3 này đã được đưa vào Hiến pháp CHLB Đức từ năm
1949, cách
nay đã hơn 60 năm. Qua đó có thể thấy tư duy pháp luật và ý thức coi trọng quyền
con người của giới cầm quyền Việt Nam tụt hậu đến mức nào.
Trên phạm vi quốc
tế, Nghị quyết 1995/83 (ban hành ngày 08/03/1995)
của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc (The
United Nations Commission on Human Rights, CHR) đã khẳng định:
"Quyền từ chối phục vụ trong quân đội
của mỗi người vì lý do lương tâm là thể hiện hợp pháp của quyền tự do tư tưởng,
lương tâm và tôn giáo."
Và
còn nhấn mạnh rằng quyền đó dựa trên Điều 18
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền
của Liên Hợp
Quốc (mà Việt Nam là thành viên từ 20/09/1977) và Điều 18 Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights, mà Việt Nam gia nhập vào ngày 24/09/1982). Nội dung này cũng được tái khẳng định
trong một số văn kiện khác của CHR, ví dụ như Nghị quyết 1998/77 (ban hành ngày 22/04/1998) và Nghị quyết 2004/35 (ban hành ngày 19/04/2004).
Mới trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (The
United Nations Human Rights Council, HRC) nhiệm kỳ 2014-2016, nhà cầm quyền Việt
Nam không thể phớt lờ các nghị quyết kể trên của CHR (nay được thay thế bởi HRC), và bỏ qua những cam kết khi ra ứng cử.
Vậy mà 15 ngày sau khi trúng cử, Quốc hội lại thông qua một bản Hiến pháp với Điều 45
bất chấp "quyền
từ chối phục vụ trong quân đội vì lý do lương tâm". Như thế là Điều 45 vi phạm cả Điều 12 Hiến pháp 2013, hiến định trách nhiệm "tuân
thủ Hiến chương Liên hợp quốc và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ
nghĩaViệt Nam là thành viên".
Sự
vi hiến của Điều 45 Hiến pháp 2013 không
chỉ dừng ở đó. Để
nhận diện điều bị vi phạm tiếp theo, ta hãy ước lượng xem quy mô quân đội sẽ lớn
thế nào, nếu điều hiến định này được thực hiện nghiêm túc.
Theo
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật nghĩa vụ quân
sự số 43/2005/QH11,
"độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai
mươi lăm tuổi" và "thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình
của hạ sĩ quan và binh sĩ là mười tám tháng". Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2009 thì có khoảng 4,577 triệu công
dân nam ở độ tuổi 15-19 và khoảng 4,238 triệu công dân nam ở độ tuổi 20-24. Tức
là có khoảng 8,815 triệu công dân nam trong độ tuổi 15-24, bình quân mỗi tuổi
có khoảng 881.500 người. Như vậy, nếu phân đều số công dân nam trong độ tuổi nhập
ngũ (18-25), thì bình quân mỗi năm có khoảng 881.500 công dân nam cần nhập ngũ
để "thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Trong khi đó, theo
thông tin của Đại tá Nguyễn Ánh Dương tại
buổi thông báo tình hình cho đoàn Tùy viên quân sự các nước tại Việt Nam, được
tổ chức vào ngày 30/09/2013, thì tổng quân số hiện nay của Quân đội nhân dân Việt Nam là 450.000. Để duy trì quân số đó với
thời gian phục vụ tại ngũ tối thiểu là 18 tháng = 1,5 năm, thì mỗi năm chỉ cần
gọi nhập ngũ chưa đến 450.000/1,5 = 300.000 người. Như vậy là có khoảng (881.500
– 300.000)/ 881.500 = 65,97% công dân nam không bao giờ phải hay được
phục vụ trong quân đội. Đó là tính toán được đơn giản hóa, dựa trên thời gian
tại ngũ ở mức thấp nhất (18 tháng). Trên thực tế, bên cạnh lực lượng chuyên
nghiệp đông đảo, rất nhiều quân nhân phải phục vụ tại ngũ 24 tháng, theo quy
định của Điều 14 Luật nghĩa vụ quân sự hiện hành:
"Thời hạn phục vụ tại ngũ trong
thời bình của hạ sĩ quan chỉ huy, hạ sĩ quan và binh sĩ chuyên môn kỹ thuật do
quân đội đào tạo, hạ sĩ quan và binh sĩ trên tàu hải quân là hai mươi bốn
tháng."
Và
trong số phục vụ tại ngũ còn có rất nhiều phụ nữ. Vì vậy tỷ lệ công dân nam
không bao giờ phục vụ trong quân đội còn cao hơn hẳn. Thậm chí, Trung tướng
Trần Văn Độ (Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối
cao) nói rằng: "Hiện nay, trong những người đủ tiêu chuẩn, chỉ
khoảng 5% thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Sau khi trừ bớt số
được miễn hoặc được hoãn (nhưng rồi trở nên quá tuổi nhập ngũ nên cũng thành
được miễn) nghĩa vụ quân sự theo quy định của Điều 29 Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi năm 2005),
và trừ cả những người được tuyển vào lực lượng Công an nhân dân, thì tỷ lệ "phi nghĩa vụ quân sự" vẫn còn rất cao. Như vậy, quy mô quân đội hiện tại tất yếu
dẫn đến kết cục là có rất nhiều công dân nam không phải hoặc không được "thực
hiện nghĩa vụ quân sự". Do đó, Điều 45 Hiến pháp 2013 gây ra sự bất bình đẳng trước
pháp luật trên quy mô rất lớn, tức là vi phạm Điều 16 Hiến pháp 2013, hiến định rằng:
"Mọi người
đều bình đẳng trước pháp luật."
Tóm
lại, trong Hiến pháp 2013, Điều 45 vi phạm ba điều ở vị thế ưu
tiên hơn, đó là Điều 12, Điều 16 và Điều 24. Vì vậy, Điều 45 Hiến pháp 2013 là vi hiến!
Hệ quả không chỉ
dừng ở đó. Trong chế độ mà tham nhũng ngự trị, hàng năm có hàng triệu công dân
nam có thể phải nhập ngũ theo quy định của pháp luật, nhưng quân đội lại chỉ
cần và chỉ có thể tiếp nhận một phần rất nhỏ trong số đó, thì dễ xảy ra
tiêu cực trên diện rộng để tránh "thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Nghĩa là, với việc hiến định "công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân
sự" tại Điều 45,
Quốc hội khóa XIII đã hành động ngược lại với nghĩa vụ được quy định tại Điều 8 Hiến pháp 2013:
"Các cơ
quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải… kiên quyết đấu tranh chống
tham nhũng…"
Vậy
thì phải khắc phục như thế nào? Chẳng
cần phải sáng tạo ra điều gì mới mẻ, mà chỉ cần khiêm tốn học hỏi thiên hạ và
vận dụng những kiến thức đã trở thành kinh điển trên thế giới.
Để không vi phạm Điều 24 Hiến pháp 2013 về "quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo"
thì phải chấp nhận để những người khước từ cầm súng vì lý do tín ngưỡng
được thực hiện "nghĩa vụ thay thế". Một ví dụ đáng để tham
khảo là Điều 12a Hiến pháp CHLB Đức, với hai khoản đầu tiên được viết như
sau:
"(1) Đàn ông đủ 18 tuổi có thể
phải phục vụ trong lực lượng quân đội, lực lượng biên phòng, hoặc trong
một tổ chức bảo vệ dân sự."
"(2) Người nào từ chối phục vụ
chiến tranh bằng vũ khí vì lý do lương tâm thì có thể phải phục vụ thay thế.
Thời gian phục vụ thay thế không được lâu hơn thời gian nghĩa vụ quân sự. Chi
tiết được quy định bằng một luật, trong đó không được hạn chế quyền tự do xác
định lương lâm và phải đưa ra một khả năng phục vụ thay thế không liên
quan tới lực lượng quân đội và lực lượng biên phòng."
Cụ
thể hóa điều hiến định trên, Luật từ
chối phục vụ chiến tranh (Kriegsdienstverweigerungsgesetz) của CHLB Đức quy định rằng những người không muốn cầm
súng phải trải qua thủ tục xem xét, và nếu được công nhận là "người từ
chối phục vụ chiến tranh" (Kriegsdienstverweigerer, conscientious
objector),
thì sẽ được thay
thế nghĩa vụ quân sự bằng "phục vụ dân sự" (Zivildienst, civilian
service).
Theo Điều 1 của Luật phục vụ dân sự của những người từ chối phục vụ chiến
tranh (Gesetz über den Zivildienst der Kriegsdienstverweigerer) thì nhiệm vụ của họ là "phục
vụ phúc lợi chung, trước hết là trong lĩnh vực phúc lợi xã hội", ví dụ
như chăm sóc người già, người tàn tật, hoạt động cứu hộ, chuyên chở bệnh nhân…
"Phục
vụ dân sự"
thay thế cho
nghĩa vụ quân sự không phải là chuyện mới mẻ. Nước đầu tiên triển khai "phục vụ dân
sự" là Đan Mạch (vào năm 1917), tiếp sau đó là Hà Lan
(1920), Thụy Điển (1920), Na Uy (1921) và Phần Lan (1931). Ngược lại với CHLB Đức, một
số nước quy định thời gian "phục vụ dân sự" dài hơn thời
gian nghĩa vụ quân sự, ví dụ như Áo, Hy Lạp, Na Uy và Phần Lan. Có lẽ đó là một biện pháp để
hạn chế tỷ lệ lựa chọn hình thức "phục vụ dân sự".
Nếu
triển khai chế độ "phục
vụ dân sự",
Điều 45
về "nghĩa vụ quân sự" sẽ thoát khỏi tình trạng vi phạm Điều 24 Hiến pháp 2013 về "quyền tự do tín ngưỡng, tôn
giáo".
Nếu mở rộng diện "phục
vụ dân sự"
ra ngoài phạm vi của những người khước từ cầm súng vì lý do tín ngưỡng, thì có
thể hạn chế phần nào mức độ vi phạm Điều 16
về "bình đẳng trước pháp luật". Tuy nhiên, không thể và
không nên mở rộng phạm vi "phục vụ dân sự" đến mức huy động hết tất cả
những người không thực thi "nghĩa vụ quân sự". Bởi vì cái giá phải trả cho
sự "bình đẳng trước pháp luật" đối với "nghĩa vụ quân
sự" là quá đắt. Thật vậy, việc tổ chức "phục vụ dân sự" trên quy mô cả triệu người
không chỉ là rất phức tạp và quá tốn kém, mà đó cũng là nguồn khổng lồ đẻ ra
tiêu cực. Hơn nữa, hiệu quả kinh tế xã hội và chất lượng của hình thức "phục
vụ dân sự" kém xa so với việc để cho triệu người đó lao động bình
thường, rồi nộp thuế, và dùng tiền thuế để thuê nhân công chuyên nghiệp làm
phúc lợi xã hội.
Một
sáng kiến mới mẻ, có lẽ chỉ có thể nẩy sinh ở nước CHXHCN Việt Nam, là "cho phép đóng một khoản tiền để không phải thực
hiện nghĩa vụ quân sự nhằm bảo đảm sự công bằng giữa những người đủ tiêu
chuẩn".
Nó giúp tăng ngân sách và hạn chế tiêu cực trong quá trình lập danh sách thực
hiện nghĩa vụ quân sự. Chi phí tổ chức cho việc thu tiền này cũng thấp hơn
nhiều so với triển khai "phục
vụ dân sự".
Tuy nhiên, giải pháp này không cải thiện triệt để tình trạng bất bình đẳng
trước pháp luật, mà ngược lại còn hợp pháp hóa hố sâu ngăn cách giữa kẻ giàu và người nghèo.
Một
biện pháp khả thi để giảm bớt sự bất bình đẳng là tăng "công suất dùng
người" của quân đội bằng cách rút ngắn thời gian thực hiện "nghĩa vụ
quân sự",
giống như Áo (6 tháng), Đan Mạch (4 tháng), Estonia (8 tháng) và Hy
Lạp (12 tháng)…
Hai câu hỏi nảy sinh là: Có thể rút thời gian tại ngũ xuống mức nào để vẫn
còn đủ thời gian huấn luyện, nhằm đảm bảo chất lượng chiến đấu của quân đội?
Với mức thời gian đó thì quân đội đã có đủ chỗ để thu nạp hết những người phải
thực hiện nghĩa vụ quân sự hay chưa?
Giải
pháp triệt để thường được áp dụng trong thời bình là xóa bỏ hoặc tạm dừng chế
độ nghĩa vụ quân sự, và xây dựng quân đội tự nguyện thay cho quân đội nghĩa vụ. Một số nước tiêu biểu theo xu
hướng này là Anh (từ 1963), Ba Lan (từ 9/2009), Bồ Đào Nha (từ
10/2004), Đức (từ 7/2011), Hà Lan (từ 9/1996), Hungary (từ 11/2004), Italia (từ
7/2005), Mỹ (từ 1973), Pháp (từ 7/2001), Rumani (từ 2007), Tây Ban Nha (từ
1/2002)…
Trong số 28 nước tham gia liên minh quân sự NATO, chỉ còn 5 nước duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự là Đan
Mạch, Estonia, Hy Lạp, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số 28 nước tham gia Liên minh Châu Âu (European
Union), ngoài Đan Mạch, Estonia và Hy Lạp, thì chỉ còn 3 nước nữa
vẫn duy trì chế độ nghĩa vụ quân sự, đó là Áo, Phần Lan và Síp. Riêng Đan Mạch thì đã xây
dựng quân đội tự nguyện từ năm 2005, và chỉ trong trường hợp thiếu người
tự nguyện gia nhập quân đội mới "rút thăm" để chọn những
người buộc phải nhập ngũ.
Có
nhiều lý lẽ biện minh cho việc xóa bỏ hoặc tạm dừng chế độ
nghĩa vụ quân sự
để xây dựng quân đội tự nguyện, chuyên nghiệp. Chẳng hạn, tinh thần
chiến đấu của quân đội tự nguyện tốt hơn hẳn loại quân đội nghĩa vụ được
phình to bởi những người bị buộc phải cầm súng một cách bất đắc dĩ. Khả năng
chiến đấu của quân đội chuyên nghiệp cao hơn hẳn "quân đội
nghiệp dư". Tất nhiên phải giả thiết rằng quân đội đó chuyên tâm làm
nhiệm vụ quốc phòng, chứ không phải lợi dụng danh nghĩa "quốc
phòng" để lao vào làm kinh tế, sa đà vào kinh doanh. Và ít nhất, cơ
chế quân đội tự nguyện sẽ không vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và không
gây ra tình trạng bất bình đẳng trước pháp luật trong việc thực hiện
nghĩa vụ quân sự.
Trên đây ta bàn nhiều về biện pháp khắc phục
sự vi hiến của Điều 45 Hiến pháp 2013,
không
phải vì muốn "cầm đèn chạy trước ô tô", mà để chỉ ra rằng việc
khắc phục vừa khả thi, vừa có lợi, và hoàn toàn không đáng để phải tiếp tục chấp
nhận sự vi hiến đó. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy quốc phòng cho phù hợp với
tình hình thực tại. Một số ý kiến của nhà báo Huy Đức bàn về vấn đề này trong
bài "Động binh, tịnh
dân" rất đáng để các nhà hoạch định chính sách
quốc phòng tham khảo.
3. Bắt người dưng thờ phụng
Điều 65 Hiến pháp 2013 quy định:
"Lực lượng vũ trang nhân dân
tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước,
có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ
quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng,
Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực
hiện nghĩa vụ quốc tế."
Điều
này là vi hiến, vì nó mâu thuẫn với Điều 45 Hiến pháp 2013.
Thật
vậy, đa số hạ sĩ quan và binh sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam là những
công dân thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nghĩa vụ này được hiến định tại Điều 45 Hiến pháp 2013 trong
khuôn khổ "Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của
công dân". Hơn nữa, Hiến pháp 2013 chỉ quy định tại Điều 44
rằng "Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc", và đó là
đối tượng hiến định duy nhất mà "công dân có nghĩa vụ trung thành".
Vì vậy, với tư cách con em của Nhân dân, những công dân mặc áo lính để
thực hiện nghĩa vụ quân sự chỉ có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc và Nhân dân,
bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân.
Bất
cứ chế độ nào, bất cứ chính quyền hay tổ chức chính trị nào thực sự trung thành
với Tổ quốc, thật lòng gắn bó với Nhân dân và phục vụ Nhân dân, thì cũng được
chung hưởng sự bảo vệ mà những công dân làm nghĩa vụ quân sự dành
cho Tổ quốc và Nhân dân. Ngoài khuôn khổ đó, những công dân làm nghĩa
vụ quân sự không có nghĩa vụ phải trung thành thêm với bất kỳ tổ chức nào
nữa, và cũng không phải bảo vệ riêng bất cứ thứ gì.
Không
chỉ quá vô lý, mà còn hết sức hài hước, khi ép buộc cả những người không hề chịu
ơn hay gắn bó với Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thậm chí còn oán ghét đảng ấy,
lại phải "trung thành… với Đảng" và "bảo vệ… Đảng,
rồi đòi hỏi cả những người không hề yêu thích chế độ, thậm chí còn coi nó là
sai lầm lịch sử, lại phải "bảo vệ… chế độ xã hội chủ nghĩa".
Tổ chức mang tên "Quân
đội nhân dân Việt Nam" có thể nhận thêm trách nhiệm "trung
thành… với Đảng" và "bảo vệ… Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội
chủ nghĩa". Nhưng khi đó, nó không còn là quân đội của những công
dân làm nghĩa vụ quân sự, với nhiệm vụ kinh điển là Quốc phòng,
tức là bảo vệ Tổ quốc và Nhân dân trước nguy cơ ngoại xâm. Vì vậy, không
thể cưỡng bức những người không theo ĐCSVN phải gia nhập quân đội ấy. Ép buộc
công dân phải tham gia một tổ chức mang mầu sắc chính trị trái với lương tâm
của bản thân là vi phạm Điều 20
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,
trong đó quy định rằng:
"Không ai có thể bị cưỡng bách
gia nhập một liên kết."
Tức
là vi phạm cả cam
kết "tuân thủ… điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
là thành viên" tại Điều 12 Hiến pháp 2013.
Điều 65 Hiến pháp 2013 còn quy định rằng "lực lượng vũ trang nhân
dân" phải "thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Nhưng "nghĩa vụ quốc
tế" là gì? Nó được xác định theo tiêu chuẩn nào và bằng cơ chế nào? Ai có
quyền ấn định cái gọi là "nghĩa vụ quốc tế"? Nếu ấn định sai
thì phải chịu trách nhiệm thế nào trước Nhân dân về những mất mát và hy sinh vô
nghĩa?
Cho
đến nay, nhãn hiệu "nghĩa
vụ quốc tế",
hay tương tự, đã bị lạm dụng quá nhiều để ngụy trang cho tham vọng viễn chinh
của các thế lực cầm quyền. Khi thì vì bảo vệ thế giới tự do, lúc lại nhằm
xuất khẩu cách mạng ra toàn thế giới. Danh nghĩa luôn mĩ miều, mà kết cục
chẳng mấy khi tốt đẹp. Ra quân luôn "trống dong cờ mở", mà thu
quân chẳng mấy lúc vinh quang. Năm xưa Liên Xô đưa quân vào Afghanistan,
thì bị Mỹ và đồng minh kịch liệt phản đối. Nay Mỹ và đồng minh lại lao vào Afghanistan
để thế chỗ sa lầy. Gọi là giúp đỡ, mà thu được là sự oán ghét của người dân sở
tại. Nhân danh cứu người, mà lại gây ra gấp bội lần chết chóc. Lấy cớ phá bỏ vũ
khí hủy diệt, mà chỉ dựa vào bằng chứng ngụy tạo của thế lực thèm khát chiến
tranh. Lúc triệt hạ bọn độc tài, hay lũ diệt chủng, thì nhân danh "nghĩa vụ quốc tế" đã đành, nhưng khi nâng đỡ
chúng lên nắm chính quyền cũng nhân danh "nghĩa vụ quốc tế" nốt. "Nghĩa vụ"
kiểu gì mà tráo trở như vậy?
Điều
quan trọng là "nghĩa
vụ quốc tế" của ai?
Lý tưởng của ai thì người ấy cứ việc tự tay cầm súng mà triển khai. Tại sao lại
bắt những người dân vô can phải bỏ nước ra đi, hy sinh xương máu ở xứ xa xăm, cho
thứ "nghĩa
vụ quốc tế"
được ấn định bởi cảm tính của giới cầm quyền?
Tóm
lại, việc quy định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành
với ĐCSVN, có nhiệm vụ bảo vệ ĐCSVN, chế độ xã hội chủ nghĩa và thực hiện nghĩa
vụ quốc tế (tại Điều 65 Hiến pháp 2013) là vi phạm quy định
"công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự" để "bảo vệ Tổ
quốc" (tại Điều 45 Hiến pháp 2013).
Phải
khắc phục sự vi hiến của Điều 65 Hiến pháp 2013 như thế nào? Cách đơn giản nhất là
xóa bỏ nội dung "kỳ dị" ấy ra khỏi Điều 65. Ngược lại, nếu vẫn
muốn bám giữ nó, thì phải sửa lại Điều 45
theo hướng xóa bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự và xây dựng một quân đội
chỉ tuyển chọn những người tự nguyện. Khi đó, thế lực điều khiển quân đội
có thể đề ra những yêu cầu và nhiệm vụ theo ý họ, còn công dân thì tự xác định
xem bản thân có chấp nhận gia nhập quân đội ấy hay không. Tất nhiên, để có thể
đòi hỏi quân đội phải trung thành với đảng và bảo vệ đảng, thì ĐCSVN còn phải chi
tiền riêng để nuôi những người lính tự nguyện, không thể phó mặc trách
nhiệm chu cấp quân đội cho người dân đóng thuế.
4. Tước đoạt quyền sở hữu
Điều 53 Hiến pháp 2013
quy định:
"Đất
đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại
diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý."
Điều này là vi hiến.
Để chứng minh kết luận này, ta sẽ quay về cái thời mà sở hữu đất đai còn
chưa rơi vào tình trạng "hỗn loạn pháp lý", rồi sử dụng
phương pháp quy nạp để đến với thực tại.
Hiến pháp 1946
– tức là hiến pháp đầu tiên của chế độ này – chỉ có một điều duy nhất đề cập
đến quyền sở hữu, đó là:
"Điều thứ 12 Quyền tư hữu tài sản của công
dân Việt Nam được bảo đảm."
Hiển
nhiên, đất đai là một dạng tài sản, do đó quyền tư hữu đất đai
của công dân cũng được Hiến pháp 1946 bảo đảm. Đó là điều đã trở
thành hiển nhiên và cũng là lời cam kết long trọng của chế độ này khi mới
ra đời.
Hiến pháp 1959 quy định:
"Điều 14 Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo
hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân…"
"Điều 18 Nhà nước bảo hộ quyền sở
hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở và
các thứ vật dụng riêng khác."
"Điều 19 Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo
hộ quyền thừa kế tài sản tư hữu của công dân."
Như
vậy, Hiến pháp 1959 tiếp tục thừa nhận "quyền sở hữu về ruộng đất… của nông
dân", và
"quyền sở hữu của công dân về của cải thu nhập hợp pháp, của cải để
dành, nhà ở". Rõ ràng, đất đai được người dân mua bằng thu nhập
hợp pháp là "của cải thu nhập hợp pháp", vừa để sử dụng ngay,
vừa là của cải để dành, và khái niệm "nhà ở" tất nhiên gắn
liền với đất ở. Hơn thế nữa, Hiến pháp 1959 cũng thừa nhận cả "quyền
thừa kế tài sản tư hữu của công dân". Do đó, đất đai mà người
dân đã khai khẩn trước khi Hiến pháp 1959 (Điều 12) quy định "đất hoang… thuộc sở
hữu toàn dân", hoặc đã mua hay thừa kế trước khi Hiến pháp 1959 hết hiệu lực vào ngày 19/12/1980, chắc chắn thuộc "quyền
sở hữu của công dân" được "Nhà nước bảo hộ". Hiến
pháp thời đó không cho bất cứ thế lực nào, kể cả ĐCSVN, được phép xâm phạm quyền
sở hữu tư nhân về đất đai. Không tổ chức và cá nhân nào, kể cả tập thể Quốc
hội và cá nhân các đại biểu Quốc hội, được phép phủ nhận quyền sở hữu tư
nhân về đất đai.
Khi
Quốc hội khóa VI (1976-1981) thông qua Hiến pháp 1980 vào ngày 18/12/1980 thì Hiến pháp 1959 vẫn
còn nguyên hiệu lực. Cho nên, việc Quốc hội khóa VI biểu quyết xóa bỏ quyền
sở hữu hợp pháp của tư nhân về đất đai và ấn định rằng toàn bộ "đất đai… thuộc sở hữu toàn dân" (Điều 19 Hiến pháp 1980) là vi phạm thô bạo Hiến pháp
đang có hiệu lực.
Trong
một chế độ Cộng hòa, nơi mà "tất cả quyền lực… đều thuộc vào Nhân
dân" (Điều 4 Hiến pháp 1959), thì việc xóa bỏ quyền sở hữu
của người dân về đất đai là sự vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng nhất. Hành động
vi hiến đó mặc nhiên phủ định tư cách hợp hiến của Quốc hội khóa VI (đại
diện cho quyền lợi, ý chí và nguyện vọng của Nhân dân), và vì vậy cũng phủ
định luôn cả quyền "Làm Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp" của tổ chức ấy,
vốn được hiến định tại Điều 50 Hiến pháp 1959. Nếu chế độ này thực sự dân chủ, thì các đại biểu Quốc hội
khóa VI đã "có
thể bị cử tri bãi miễn trước khi hết nhiệm kỳ" vì "tỏ ra không xứng đáng với
sự tín nhiệm của nhân dân", như đã được hiến định tại Điều 5 Hiến pháp 1959.
Cần nhấn mạnh thêm
rằng, việc Quốc hội khóa VI quyết định quốc hữu hóa toàn bộ đất đai bằng
mĩ từ "sở hữu toàn dân" cũng vi phạm cả Điều 20 Hiến pháp 1959, quy định rằng:
"Chỉ khi nào cần thiết vì lợi ích
chung, Nhà nước mới trưng mua, hoặc trưng dụng, trưng thu có bồi thường
thích đáng các tư liệu sản xuất ở thành thị và nông thôn, trong phạm vi và
điều kiện do pháp luật quy định."
Bởi
vì Quốc hội khóa VI chỉ hiến định việc tước bỏ quyền sở hữu tư nhân về đất đai,
bao gồm cả nơi sản xuất và kinh doanh – là "tư liệu sản xuất ở thành thị
và nông thôn" – mà không kèm theo một giải pháp bồi thường
nào cả. Trên thực tế, kể từ đó đến nay, Nhà nước không hề tiến hành bồi
thường và cũng chẳng có ý định bồi thường cho những người bị mất quyền
sở hữu đất đai.
Quy định sai
trái rằng "đất đai… thuộc sở hữu toàn dân" không chỉ vi hiến theo Hiến pháp 1959, mà còn vi hiến đối với cả Hiến
pháp 1980.
Bởi vì đất đai thuộc sở hữu tư nhân nằm trong diện được đề cập tại Điều 27 Hiến pháp 1980:
"Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu
của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt,
những công cụ sản xuất dùng trong những trường hợp được phép lao động riêng
lẻ."
"Pháp luật bảo hộ quyền thừa kế
tài sản của công dân."
Chính
điều hiến định này tiếp tục bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về đất đai kể cả
khi Hiến pháp 1980 có hiệu lực.
Không
chỉ dừng lại ở giai đoạn đó. Chừng nào Hiến pháp kế tiếp còn thừa nhận
"quyền sở hữu của công dân về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở,
tư liệu sinh hoạt, công cụ sản xuất…" và thừa nhận "quyền thừa kế tài
sản của công dân", thì chừng ấy Hiến pháp vẫn thừa nhận quyền sở hữu tư
nhân về đất đai, và quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân" vẫn là
vi hiến. Trên thực tế, hai nội dung vừa kể đã được duy trì tại Điều 58 Hiến pháp 1992:
"Công dân có
quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt,
tư liệu sản xuất, vốn và tài sản khác trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ
chức kinh tế khác…"
"Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu
hợp pháp và quyền thừa kế của công dân."
Và chúng cũng được
tiếp tục duy trì tại Điều 32 Hiến pháp 2013:
"1. Mọi người có quyền sở hữu
về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản
xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác."
"2. Quyền
sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ."
Hơn thế nữa, việc "quốc hữu hóa"
đất đai vốn thuộc sở hữu tư nhân thành "sở hữu toàn dân" bị ngăn cấm
bởi Điều 23 Hiến pháp 1992:
"Tài sản hợp pháp của cá nhân,
tổ chức không bị quốc hữu hoá."
Và điều đó cũng tiếp
tục bị ngăn cấm bởi Điều 51 Hiến pháp 2013:
"Tài sản
hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật
bảo hộ và không bị quốc hữu hóa."
Tóm
lại, trong suốt năm đời Hiến pháp của chế độ này, nếu không phải
có được do tham nhũng hay cướp bóc, thì đất đai của tư nhân luôn thuộc phạm trù "thu
nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản
xuất" hoặc là tài sản "thừa kế", phải "được
pháp luật bảo hộ". Ít nhất thì đất đai mà người dân đã từng sở hữu hợp pháp trước
khi Hiến pháp 1980 có hiệu lực luôn là "tài sản hợp pháp của cá
nhân".
Do đó, Hiến pháp luôn thừa nhận quyền sở hữu tư nhân đối với dạng đất đai
ấy. Và đương nhiên, quy định "đất đai… là tài sản công thuộc
sở hữu toàn dân", như tại Điều 53 Hiến pháp 2013, luôn là vi hiến. Nó vi hiến ngay từ
lúc "thoát thai", khi Hiến pháp 1959 còn có hiệu lực, vì vi phạm Điều 14,
Điều 18,
Điều 19
và Điều 20.
Nó vi hiến cả trong cái "nôi chào đời" là Hiến pháp 1980, vì vi phạm Điều 27.
Nó tiếp tục vi hiến trong khuôn khổ Hiến pháp 1992, vì vi phạm Điều 23 và Điều 58.
Giờ đây, nó vẫn vi hiến, vì vi phạm Điều 32
và Điều 51
của Hiến pháp 2013.
Hơn thế nữa, Điều 53 Hiến pháp 2013 còn vi phạm cả Điều 17
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền,
quy định rằng:
"1. Mọi người đều có quyền sở hữu
tài sản cá nhân cũng như tài sản tập thể.
2. Không được tước đoạt tài sản của bất kỳ ai một cách
tùy tiện."
Tức
là vi phạm cam kết "tuân thủ… điều ước quốc tế mà Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên" tại Điều 12 của Hiến pháp 2013.
Không
còn nghi ngờ gì nữa, xét về mọi phương diện, Điều 53 Hiến pháp 2013 là vi hiến! Khắc phục thế nào đây? "Cái
gì của Xê-da hãy trả lại cho Xê-da", đừng tham lam, tiếc nuối… tài sản
của người khác. Hãy xóa bỏ điều khoản áp đặt mang tính chiếm đoạt, ngụy danh "đất
đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân". "Nhất cử lưỡng tiện",
vừa khắc phục một điều khoản vi hiến, vừa giúp chế độ thoát khỏi một sa
lầy, như đã trao đổi trong bài "Hai tử huyệt của chế độ".
5. Chiếm quyền lực Nhân dân
Điều 2 Hiến pháp 2013 long trọng cam kết:
"1.
Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân
dân."
"2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do
Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân…"
5.1.
Nếu "tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về Nhân dân" thì tối thiểu quyền lựa chọn và xác định
"lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" cũng phải "thuộc
về Nhân dân". Đây là quyền cơ bản nhất, cốt lõi nhất trong số các "quyền
lực nhà nước". Chỉ khi Nhân dân thực thi quyền cơ bản ấy thì Nhà nước mới
có thể coi là "của Nhân dân, do Nhân dân", mới thể hiện được
rằng Nước này "do Nhân dân làm chủ". Song trên thực tế, chưa
bao giờ Nhân dân bầu ĐCSVN làm "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội". Vậy thì tại sao các nhà lập hiến lại ghi vào Điều 4 Hiến pháp 2013
rằng "Đảng Cộng sản Việt Nam… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã
hội"?
Không thể ngụy biện rằng Nhân dân đã ủy nhiệm
cho Quốc hội thực hiện cái quyền xác định "lực lượng lãnh đạo Nhà nước
và xã hội". Vì sao?
Thứ nhất, các đại biểu Quốc hội chỉ được
bầu ra từ danh sách do bộ máy cầm quyền lựa chọn, dù cử tri bỏ phiếu cho ai thì
trúng cử cũng là người của nhà cầm quyền, nên Quốc hội chỉ đại diện cho thế lực
cầm quyền, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của toàn thể Nhân
dân.
Thứ hai, trong số các nhiệm vụ và
quyền hạn của Quốc hội được hiến định tại Điều 84 Hiến pháp 1992 (tức là Hiến pháp có hiệu lực tại thời
điểm mà Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013) và tại Điều 70 Hiến pháp 2013, không có bất cứ điều khoản nào
cho phép Quốc hội bầu ra một thế lực chung chung đóng vai trò "lực lượng
lãnh đạo Nhà nước và xã hội". Cụ thể, theo Điều 70 Hiến pháp 2013 thì Quốc hội chỉ có quyền hạn bầu ra mấy
chức danh như sau:
"Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước,
Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ
tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ,
Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ
quan khác do Quốc hội thành lập."
Và nhiệm kỳ của các chức danh đó
đều được hiến định là "theo nhiệm kỳ của Quốc hội". Quốc
hội chỉ được trao quyền hạn trong một nhiệm kỳ năm năm thì không thể được phép bầu ra những
chức danh hay quyền lực vô thời hạn như tại Điều 4 Hiến pháp 2013!
Thứ ba, Quốc hội được trao quyền "Làm Hiến pháp và
sửa đổi Hiến pháp", song đó là Hiến pháp được hiểu
theo nghĩa lành mạnh thông thường. Không thể lạm dụng quyền lập hiến để tùy
tiện ghi vào Hiến pháp những điều "không giống ai". Trong các hiến
pháp thông thường trên thế giới, không thể có chuyện hiến định quyền lãnh
đạo vĩnh viễn của một chính đảng duy nhất đối với nhà nước và xã hội. Nhân danh
"hoàn cảnh đặc thù", Quốc hội có thể đưa vào Hiến pháp
một số nội dung "khác thường", nhưng điều đó chỉ được coi là
"hợp với lòng Dân" nếu được đa số Nhân dân chấp thuận, thông qua phúc
quyết toàn dân, trong đó phải biểu quyết riêng rẽ cho từng nội
dung cụ thể, không thể "xập xí xập ngầu biểu quyết cả gói".
Các đại biểu Quốc hội và cả giới cầm quyền
đều biết rõ, rằng họ không thể áp đặt những đứa con do chính họ đẻ ra sẽ
phải làm gì trong 10 năm, 20 năm hay 50 năm tới. Vậy mà họ lại
ngộ nhận quyền lực, ngang nhiên áp đặt vĩnh viễn muôn dân, những người ít
nhất là bình đẳng và hoàn toàn không vướng víu gì với họ.
Giả sử Nhân dân trực tiếp bầu "lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", thì họ cũng thừa thông minh để
hiểu rằng: Chỉ có thể bầu cho từng nhiệm kỳ. Hiển nhiên là phải
dựa vào thể hiện của từng cá nhân và từng tổ chức trong nhiệm kỳ trước để quyết
định xem có nên tín nhiệm bầu thêm một nhiệm kỳ nữa hay không. Cũng phải xét
xem đương sự có còn đủ điều kiện về sức khỏe và trí tuệ để tái cử hay không. Chẳng
ai muốn bầu một vị công thần đã chớm bị bệnh Alzheimer tiếp tục tham gia "lực
lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Hơn nữa, Nhân dân của thế hệ hôm nay không
có quyền quyết định thay cho cả Nhân dân của các thế hệ mai sau. Nếu
quan niệm rằng cứ sinh ra trước là có quyền áp đặt hậu thế, thì thế hệ cầm
quyền cách nay nửa thế kỷ phải tiếp tục duy trì chế độ quân chủ, và thế hệ cầm
quyền hôm nay phải tiếp tục theo đuổi "kinh tế có kế hoạch",
chứ không thể triển khai cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã
hội chủ nghĩa". Thế hệ này đã ăn sang cả phần tài nguyên của các thế
hệ mai sau, để lại cho họ một môi trường bị phá hủy nặng nề cùng với những món
nợ khổng lồ. Như vậy đã là quá tệ. Không thể ép các thế hệ mai sau phải
chịu đựng thêm những sai lầm hay tệ nạn mà thế hệ mình đang cam chịu.
Trong mọi trường hợp, Nhân dân của thế
hệ hôm nay và Quốc hội đương nhiệm đều không được phép hiến định quyền VĨNH
VIỄN "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" của bất cứ "lực lượng"
nào.
Tóm lại, Điều 4 Hiến pháp 2013
là vi hiến, vì nó vi phạm Điều 2 Hiến pháp 2013. Khắc
phục thế nào đây?
Nếu vẫn muốn bám giữ Điều 4
thì phải sửa lại Điều 2,
xóa các nội dung "Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân",
"do Nhân dân làm chủ" và "tất cả quyền lực nhà nước
thuộc về Nhân dân" ra khỏi Hiến pháp. Vì các nội dung bị xóa là những nét
đặc trưng của chế độ "Cộng hòa", nên cũng phải đổi cả tên
nước, chẳng hạn thay từ "Cộng hòa" bằng "Đảng
quốc", tương tự như mẫu từ "Vương quốc".
Ngược lại, nếu vẫn giữ nguyên Điều 2 cùng với thể chế "Cộng
hòa", thì chỉ còn cách xóa bỏ nội dung Điều 4.
Làm như vậy sẽ không chỉ khắc phục được một điều vi hiến, mà còn giải
thoát cả Hiến pháp Việt Nam và ĐCSVN ra khỏi trạng thái tệ hại, như đã trao đổi
trong bài "Hai tử huyệt của chế độ" và bài "Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến pháp".
5.2.
Khoản 1 Điều 9 Hiến pháp 2013 viết:
"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ
chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu
trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam
định cư ở nước ngoài.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của
chính quyền nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp, chính đáng của Nhân dân…"
Nhiều
thông tin quan trọng được cô đọng trong đoạn trích này.
Trước hết, Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam được
xác định là "tổ chức liên minh chính trị". Thành phần của nó là
- "tổ chức chính trị",
- "các tổ chức chính
trị - xã hội, tổ chức xã hội" và
- "các cá nhân tiêu
biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt
Nam định cư ở nước ngoài."
Như
vậy, các tổ chức thành viên được phân thành 3 tầng. Tầng cao nhất là "tổ
chức chính trị". Tầng giữa là "các tổ chức chính trị -
xã hội". Và tầng thấp nhất là "các tổ chức xã hội" (thấp
vì không được gán cho chức năng "chính trị"). Nhìn vào 3 chữ "các",
có thể nhận ra rằng các tác giả rất chú trọng việc nhấn mạnh trạng thái số
ít, số nhiều. Cho nên, khi không viết chữ "các"
trước "tổ chức chính trị", thì có nghĩa là chỉ
thừa nhận duy nhất một "tổ chức chính trị". Có thể đoán rằng
"tổ chức chính trị" duy nhất ấy chính là ĐCSVN. Tiếc
rằng, các tác giả của Hiến pháp 2013 đã phạm phải sai lầm, quên hiến định "ĐCSVN
là tổ chức chính trị", trong khi hiến định cụ thể 5 tổ chức được coi
là "tổ chức chính trị - xã hội".
Nội
dung kể trên đã xuất hiện trong Điều 1 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam số 14/1999/QH10 (do Quốc hội khóa X thông qua
năm 1999), nay được Quốc hội khóa XIII hiến định hóa.
Thành phần của
tầng "các tổ chức chính trị - xã hội" được hiến định
tại Khoản 2 Điều 9 Hiến pháp 2013:
"Công
đoàn Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,
Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức
chính trị - xã hội…"
"… là các tổ chức chính trị - xã hội" có nghĩa đó là tất cả,
ngoài ra không còn "tổ chức chính trị - xã hội" nào nữa. Công nhân, "nông
dân", "thanh niên", "phụ nữ" và "cựu chiến
binh" đều được coi là đủ năng lực và đủ tin cậy để tham gia "chính
trị". Vậy mà, giữa thời giới cầm quyền tung hô cái gọi là "kinh
tế tri thức" hay "kinh tế trí thức", họ vẫn không
chịu hay không dám gán cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cái nhãn "tổ chức chính
trị - xã hội".
Bản thân các vị cầm quyền bây giờ mang đầy học vị và học hàm, sao họ lại
e ngại và nghi kị trí thức đến như vậy?
Vì
"Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân
dân", nên các tổ chức không thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
không có quyền tham gia vào những việc quan trọng thuộc đời sống chính trị của chính
quyền này. Điều đó không có nghĩa là mọi thành
viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều được tham gia… (Nếu không phải như vậy thì phân biệt
giữa "tổ chức chính trị - xã hội" và "tổ chức xã hội"
để làm gì?)
Trong Điều lệ Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam do Đại hội II thông qua vào năm 1983, Điều 1
được viết như sau:
"Thành viên của
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội và
những công dân của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thiết tha với sự
nghiệp đoàn kết đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa."
Vậy là ban đầu mọi tổ chức
thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều được thừa nhận là "tổ chức
chính trị - xã hội". Điều đó cũng phù hợp với Điều 9 Hiến pháp 1992,
quy định rằng:
"Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân
dân…"
Nghĩa
là mọi thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đều là "cơ sở chính trị
của chính quyền nhân dân". Song Hiến pháp 2013 đã rút lại sự "hào
phóng" ấy, chỉ trao quyền làm "cơ sở chính trị…" cho "tổ
chức mẹ" (tức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), và "quyền của
mẹ" không có nghĩa là "quyền của các con" (tức các tổ
chức thành viên).
Việc
phân chia các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành 3 đẳng
cấp, với ĐCSVN là tổ chức duy nhất thuộc đẳng cấp "tổ chức chính trị"
và 5 tổ chức được xác định là "các tổ chức chính trị - xã hội", là
bước đi có tính toán trên con đường… ngược chiều dân chủ.
Điều
1 Điều lệ Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam năm 1983 (được trích dẫn ở trên) cho thấy: Chỉ
những ai tán thành "xây dựng chủ nghĩa xã hội" và chịu thừa
nhận Tổ quốc Việt Nam là "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" mới có thể
là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từ đó đến nay, mặc dù Điều lệ đã được chỉnh
sửa ít nhiều để thích ứng với tình hình, nhưng
bản chất chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vẫn không thay đổi, trong khi
lực lượng tán thành "xây dựng chủ nghĩa xã hội" ở Việt Nam ngày
càng ít đi và chỉ là thiểu số trong Nhân dân Việt Nam. Do đó, Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam không đại diện cho toàn thể Nhân dân Việt Nam. Vậy mà Khoản
1 Điều 9 Hiến pháp 2013 lại
hiến định rằng "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đại diện… quyền…
của Nhân dân".
Không
hề được toàn thể Nhân dân bầu ra, thông qua bầu cử phổ thông, mà lại đứng ra
"đại diện quyền của Nhân dân" và "là cơ sở chính trị của chính
quyền nhân dân", thì đó là bằng chứng cho việc coi thường Nhân dân, vi
phạm nghiêm trọng nguyên tắc "tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân
dân". Nghĩa là Điều 9 Hiến pháp 2013
vi phạm Điều 2 Hiến pháp 2013.
Điều 4 Hiến pháp 1980 quy định
"Đảng cộng sản Việt Nam… là lực
lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội."
Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 bỏ chữ "duy nhất", chỉ còn giữ lại quy
định
"Đảng cộng sản Việt Nam… là lực
lượng lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội."
Tuy
nhiên, thay đổi đó không có nghĩa là Điều 4 Hiến pháp 2013 tiến bộ hơn Điều 4 Hiến pháp 1980. Vì Điều 9 Hiến pháp 2013 chỉ công nhận duy nhất một "tổ
chức chính trị" trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, "là cơ sở
chính trị của chính quyền nhân dân", nên dù bỏ đi hai chữ "duy
nhất" thì cũng chỉ còn đúng một "lực lượng lãnh
đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội" mà thôi. Hơn nữa, hiến định duy
nhất một "tổ chức chính trị" có nghĩa là chỉ chấp nhận sự tồn tại của
một đảng chính trị duy nhất, đó chính là ĐCSVN. Nghĩa là Điều 9 Hiến pháp 2013 vi phạm cả quyền tự do lập hội, được hiến
định tại Điều 25 Hiến pháp 2013. (Xem bài "Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?" để thấy rằng Hiến pháp 2013
không cho phép hạn chế quyền tự do lập hội.)
Tóm
lại, Điều 9 Hiến pháp 2013
là vi hiến, vì nó vi phạm Điều 2
và cả Điều 25
của Hiến pháp 2013.
*
*
*
Trên
đây chỉ là mấy ví dụ, chứ không phải là tất cả các điều khoản mâu thuẫn trong
Hiến pháp 2013. Vẫn còn những hạt sạn khác, chẳng hạn Điều 10 Hiến pháp 2013,
viết rằng:
"Công đoàn Việt Nam là tổ chức
chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành
lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền,
lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động…"
Đằng
sau điều hiến định này ẩn chứa một nội dung sâu xa: Vì được hiến định là "tổ
chức chính trị - xã hội…", chứ không phải là "một tổ chức
chính trị - xã hội…" hay "một trong các tổ chức chính
trị - xã hội…", nên "Công đoàn Việt Nam là tổ chức
chính trị - xã hội" duy nhất "của giai cấp công nhân và của
người lao động… đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp, chính đáng của người lao động…". Tức là người lao động
(trong đó có công nhân) không được phép thành lập thêm những
tổ chức công đoàn khác để đại diện cho mình và bảo vệ mình, mặc dù trên
thực tế Công đoàn Việt Nam không làm nổi nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp, chính đáng của mọi người lao động. Như vậy, Điều 10 Hiến pháp 2013 vi phạm quyền tự do lập hội,
được hiến định tại Điều 25 Hiến pháp 2013.
Một
số điều khoản vi hiến của Hiến pháp 2013 được
truyền nhiễm từ mấy Hiến pháp trước. Lẽ ra, thời gian trôi qua thì nhận thức
cũng phải khá hơn, đủ để nhận ra và khắc phục phần nào những sai lầm ấu trĩ đã phạm
phải trong quá khứ. Nhưng tiếc thay, bên cạnh những di sản vi hiến vẫn
được "bảo toàn", lại xuất hiện thêm những sáng tạo vi hiến mới…
Điều 74 Hiến pháp 2013 quy định Uỷ ban thường vụ Quốc hội có
nhiệm vụ "giải thích Hiến pháp…". Bao giờ thì Uỷ ban
thường vụ Quốc hội giải thích, và sẽ giải thích thế nào về những mâu thuẫn mang
tính vi hiến trong Hiến pháp 2013?
Điều 119 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi văn bản pháp luật khác phải
phù hợp với Hiến pháp." Làm sao có thể đòi hỏi "Mọi văn bản pháp
luật khác phải phù hợp với Hiến pháp", khi chính bản thân Hiến pháp cũng
không "phù hợp với Hiến pháp"? Biết tuân theo điều nào của Hiến pháp
khi chúng mâu thuẫn với nhau?
Đối
với Hiến pháp 2013, khi thông qua nó thì Quốc hội đã tiên phong thực hiện "hành
vi vi phạm Hiến pháp" đầu tiên. Trong các "hành vi vi phạm Hiến
pháp", thì ban hành Hiến pháp vi hiến là "hành vi vi phạm
Hiến pháp" nghiêm trọng và đáng chê trách nhất. Nghiêm trọng bởi
nó gây tác hại cho cuộc sống của hơn 90 triệu người dân và cả tương lai Dân tộc.
Nghiêm trọng bởi nó đẩy các nhà lập pháp và hành pháp rơi vào hoàn cảnh buộc phải
vi hiến, vì nếu tuân theo điều này thì lại vi phạm điều kia. Nghiêm trọng
bởi "hành vi vi phạm Hiến pháp" này mang tính "đầu têu", vì Quốc hội nêu gương xấu cho bộ máy chính
quyền ở tất cả các cấp trong việc vi phạm Hiến pháp và pháp luật. Đáng chê trách bởi lỗi này dễ
tránh nhất, vì lập hiến ở vị thế chủ động, không bị lệ thuộc vào các văn bản
pháp quy khác.
Điều 119 Hiến pháp 2013 cũng quy định: "Mọi hành vi vi phạm Hiến
pháp đều bị xử lý." Vậy
Quốc hội sẽ "xử lý" cái "hành vi vi phạm Hiến pháp" ấy
của chính mình như thế nào?
Bất
luận Quốc hội sẽ giải thích và tự xử lý thế nào, thì chúng ta cũng phải băn
khoăn với câu hỏi: Một văn bản chứa đựng nhiều điều khoản mâu thuẫn với nhau
như thế, thì có xứng đáng là Hiến pháp hay không?
Ngày
4 tháng 9 năm 2014
Cùng
tác giả:
Hiến pháp 2013 – Sửa nhầm hay đổi thiệt?
Đảng và Nhân dân – Vị thế bị tráo
Uẩn khúc trong Điều 4 Hiến
pháp
Rủi cho Phương Uyên – May cho Dimitrov
Quốc hiệu nào hội tụ lòng Dân?
Chỗ đứng của Nhân dân trong
Hiến pháp
Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
Hai tử huyệt của chế độ
Bài học tồn vong từ thảm họa
Lực cản Nhà nước pháp quyền
Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ
Quyền biểu tình của công dân
Phiêu lưu điện hạt nhân
Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân