Chỗ đứng của Nhân
dân trong Hiến pháp
Hoàng Xuân Phú
Hội chợ
Leipzig trở
thành hội chợ
hàng mẫu đầu
tiên trên Thế giới vào năm 1895. Đối với Cộng hòa
Dân chủ Đức (CHDC Đức, tức Đông
Đức xã hội chủ nghĩa, 1949 – 1990), Hội chợ
Leipzig là một
trong những nơi giao tiếp quốc tế quan trọng nhất. Chính quyền Đông Đức coi hội chợ
này là nơi trưng
bày thành quả kinh tế và chính trị của CHDC Đức. Nhân dân Đông Đức tận dụng hội chợ
này để tiếp
xúc với kỹ thuật và văn hóa của các nước tư bản phát triển. Hàng năm, khoảng
600.000 người đổ về hai kỳ hội chợ, được tổ chức vào tháng ba và tháng chín. Trong
hơn mười năm sống ở Leipzig, tôi đã từng hòa mình vào dòng người ấy, thăm khoảng
20 kỳ hội chợ, mỗi kỳ dành ra khoảng 3 ngày, và đã học được bao điều mới lạ, trong
đó có nhiều kiến thức về công nghệ.
Tại hội chợ hàng mẫu, người ta không bán hàng, mà
chỉ trưng bày hàng mẫu, để các doanh nhân xem xét, trao đổi và ký kết hợp đồng.
Các nhà trưng bày thường phân phát tài liệu quảng cáo, được in rất đẹp. Người
đi xem, nhất là cánh trẻ, thấy đâu đông cũng xếp hàng, mọi người lấy cái gì thì
mình cũng vơ cái đó. Nhiều khi đến tối mới có thời gian để đọc, mới biết thành
quả kiếm được trong ngày là gì. Và tất nhiên là phần lớn số tài liệu xa lạ đó
được bàn giao cho thùng rác.
Vào kỳ Hội chợ
Leipzig đầu
năm 1987, một công ty của Mỹ phân phát bản sao của một bức
tranh màu. Mọi người sà vào nhặt, tôi cũng ôm luôn một tập. Về đến nhà mới giở
bức tranh ra ngắm, thấy vẽ nhiều người ăn mặc kiểu quý tộc. Chú thích của bức
tranh viết là: "The Signing of the Constitution" by Howard
Chandler Christy
1787 (Bức
tranh "Lễ ký Hiến pháp" của họa sĩ Howard
Chandler Christy
1787), dưới
cùng in đậm "1787 ~ 1987" (xem Ảnh 1). Hóa ra, bức quảng
cáo đó được in nhân dịp kỷ niệm 200 năm Hiến pháp
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ.
Lật mặt sau bức quảng cáo, thì
thấy phần gốc của Hiến pháp Mỹ và 10 Điều bổ sung đầu tiên, được gọi chung
là "Tuyên ngôn Nhân quyền Hoa kỳ" – "United
States Bill of Rights" (xem Ảnh 2 – Nơi được đánh dấu
bằng bút màu là những chỗ mà tôi thấy đáng lưu ý khi đọc vào năm 1987).
Ảnh 1: Mặt
trước của tờ quảng cáo in bức tranh "Lễ ký Hiến
pháp" của H. C. Christy
Ảnh 2: Mặt
sau của tờ quảng cáo in Hiến pháp Mỹ (bản dịch
tiếng Đức)
Sau một ngày ròng rã lang
thang ở hội chợ, tôi bâng quơ đọc trong mỏi mệt. Nhưng càng đọc thì càng trở
nên phấn chấn. Vốn được hệ thống
giáo dục và tuyên truyền trao cho một bức tranh màu tối về chính thể Mỹ, tôi bất
ngờ nhận ra một thế giới mới lạ trong Hiến pháp Mỹ, và phát hiện ra những tinh hoa của khoa
học và nghệ thuật quản lý nhà nước được tích tụ trong đó. Dù không biết hiệu quả
thực tế ra sao, dù biết rằng còn tồn tại những điểm vẫn được tranh luận (ví dụ
như quyền mang giữ vũ khí của công dân, quy định tại Điều bổ sung sửa đổi II), tôi vẫn rất trân trọng bản hiến pháp ấy, vì nó đã dạy cho tôi nhiều điều bổ ích. Và hôm nay, chép ra đây một số
cảm nhận của 26 năm về trước, để bạn hữu gần xa cùng tham khảo.
Lời
nói đầu súc tích
Được soạn thảo và ký kết trong năm 1787,
có hiệu lực từ năm 1789, Hiến pháp
Mỹ bắt đầu bằng
câu:
"Chúng tôi, Nhân dân
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, với mục đích xây dựng một Liên bang hoàn hảo hơn
nữa, thiết lập Công lý, đảm bảo sự Thanh bình trong nước, chăm lo
Quốc phòng, lo liệu Phúc lợi chung, giữ vững Phúc lành của
Tự do cho chính mình và cho Hậu thế, quyết định xây dựng Hiến pháp này
cho Hợp chúng quốc Hoa Kỳ."
Lời nói đầu cô đọng này truyền tải nhiều thông điệp. Trước hết, chủ
thể của Hiến pháp này là "Nhân dân", đã tập hợp thành một khối
thống nhất là "Chúng tôi", những người chủ của Liên bang mang
tên "Hợp chúng quốc Hoa Kỳ", và họ đã "xây dựng Hiến pháp
này". Mục đích hướng tới là thiết lập và bảo vệ những giá trị
chung, bao gồm "Công lý" (Justice), "Thanh
bình" (Tranquility), "Quốc phòng" (common
defense), "Phúc lợi chung" (general Welfare) và "Phúc
lành của Tự do" (the Blessings of Liberty), không chỉ riêng cho
thế hệ người Mỹ đang sống, mà còn cho cả "Hậu thế", tức là các
thế hệ mai sau của họ (our Posterity).
Tôi không trích từ văn bản tiếng Việt đăng trên trang chủ của Đại
sứ quán Mỹ tại Việt Nam,
mà đưa ra lời dịch khác, nhằm thể hiện sát hơn cảm nhận của mình về Hiến pháp
Mỹ. Một ví dụ cho sự khác nhau là cách dịch
cụm từ "secure the Blessings of Liberty". Trên
mạng internet có nhiều người hỏi cụm từ này có nghĩa là gì (giải nghĩa trong nội
bộ tiếng Anh), điều đó chứng tỏ nó không phải là hiển nhiên, dễ hiểu. Bản tiếng Việt của ĐSQ Mỹ dịch
cụm từ ấy thành
"giữ vững nền tự do", tức là bỏ qua danh từ "Blessing". Trong Từ điển Anh-Việt của Viện Ngôn
ngữ học (thuộc Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, do Nhà xuất bản Khoa học xã hội
in tại Hà Nội vào năm 1975), danh từ "Blessing" có hai nghĩa gần
nhất với nội dung đang đề cập là "phúc lành" và "hạnh
phúc, điều sung sướng". Bản dịch
sang tiếng Đức của ĐSQ Mỹ tại CHLB Đức chọn nghĩa "hạnh phúc"
("das Glück der Freiheit", tức là "hạnh phúc của tự
do"). Còn cá nhân tôi thì muốn chọn nghĩa "phúc lành",
và dịch cả cụm từ thành "Phúc lành của Tự do". Bởi tôi phỏng đoán,
rằng có thể các tác giả muốn dùng "the Blessings
of Liberty" để chỉ cái Tự do được Tạo hóa ban phúc cho Loài người,
nhằm nhấn mạnh: Quyền Tự do ấy cũng tồn tại đương nhiên như Loài người,
chứ không phải là kết quả ban phát của hiến pháp, hay của bất kỳ chính phủ hoặc
đảng phái nào cả.
Lời nói đầu của Hiến pháp Mỹ chỉ
vẻn vẹn 52 từ (tiếng Anh), tức là chỉ dài bằng khoảng 1/33 so với Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1980 và bằng khoảng 1/10 so với Lời nói đầu của Hiến pháp Việt Nam 1992. Nhưng nó đã gói gọn tất cả những ý
quan trọng nhất. Có lẽ, sự cô đọng, súc tích đó đã góp phần làm cho Hiến pháp Mỹ trường tồn suốt hơn 220 năm nay, trong khi nhiều hiến pháp khác đoản mệnh.
Hiến
pháp là để tổ chức và kiểm soát quyền lực Nhà nước
Trong một nhà nước pháp quyền,
thì hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất. Điều này thì mọi người quan tâm đều rõ.
Nhưng hiến pháp quy định những gì và nhằm mục đích gì, thì không phải ai
cũng biết hoặc có cùng quan điểm. Ngay trong giới cầm quyền và những người viết
ra hiến pháp, cũng có những nhận thức khác nhau về vấn đề này. Vì vậy, các Hiến pháp Việt Nam thường khác rất nhiều so với Hiến pháp
Mỹ.
Ngoài Lời nói đầu, Hiến pháp
Mỹ 1787 bao gồm 7 điều, chứa các nội
dung sau đây:
Điều I: Quyền lực lập pháp (Quy định
về cơ cấu, tổ chức, hoạt động và quyền hạn của Quốc hội, bao gồm Thượng viện và
Hạ viện)
Điều II: Quyền lực hành pháp (Quy định
về thể thức bầu cử, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của Tổng thống
và Phó Tổng thống)
Điều III: Quyền lực tư pháp (Quy định về
Tòa án Liên bang Tối cao và một số tòa án cấp dưới do Quốc hội lập ra, và về tội
phản quốc)
Điều IV: Quan hệ giữa các bang
Điều V: Quá trình sửa đổi Hiến pháp
Điều VI: Nợ quốc gia, hiệu lực Hiến
pháp và các đạo luật của Hợp chúng quốc đối với các bang
Điều VII: Phê chuẩn Hiến pháp
Danh mục trên cho thấy, Hiến pháp
Mỹ không lan man ra
nhiều lĩnh vực, mà tập
trung vào việc thiết lập và kiểm soát hoạt động của các cơ quan quyền lực.
Với phương châm "đầu
xuôi – đuôi lọt", Hiến pháp
Mỹ không
với tới mọi cấp, mà chỉ quy định về các cơ quan và vị trí quyền lực cấp cao nhất.
Đối với tập thể, Hiến pháp
Mỹ chỉ đề cập
đến Quốc hội (bao gồm Thượng viện và Hạ viện), Tòa án tối cao và một số tòa án
cấp dưới do Quốc hội lập ra, về mối quan hệ giữa các bang.
Đối với cá nhân, ngoài mấy quy
định chung cho "các quan chức dân sự", Hiến pháp
Mỹ chỉ
tập trung vào các quy định dành cho Tổng thống, Phó Tổng thống và Nghị sĩ Quốc
hội.
Tại sao như vậy? Có
lẽ các nhà lập hiến Hoa Kỳ quan niệm rằng: Hiến pháp chỉ cần kiểm soát quyền lực ở
cấp cao nhất,
không
cần phải can thiệp sâu hơn nữa. Các cơ quan và vị trí quyền lực cấp
cao nhất sẽ sinh ra các luật và văn bản dưới luật, cùng với các biện pháp thích
hợp để điều hành và quản lý các cơ quan và nhân viên cấp dưới.
Việc thu hẹp đối tượng kiểm
soát của Hiến pháp, chỉ
tập trung vào cấp
cao nhất, sẽ không bỏ sót đối tượng, mà ngược lại còn tăng hiệu quả
quản lý.
"Không bỏ sót đối tượng" vì: Khi cấp cao nhất đã hoạt
động tử tế thì nó cũng bắt buộc các cấp dưới cũng phải tử tế theo. Cho nên,
chỉ cần quan sát mức độ tử tế của bộ máy quản lý cấp dưới, thì cũng có thể suy
đoán ra mức độ tử tế của lãnh đạo ở cấp cao nhất.
"Tăng hiệu quả quản
lý" vì: Nếu
quy định chung chung, cho phạm vi quá rộng, thì Hiến pháp sẽ "mất
thiêng", và các lãnh đạo thượng đỉnh dễ quan niệm, rằng những quy định
đó chỉ dành cho thần dân và các quan lại cấp dưới, còn bản thân họ là ngoại lệ.
Khi đó, lãnh đạo cấp cao nhất dễ "buông thả", tham nhũng và
làm bao điều xấu. Nếu xảy ra như vậy, "thượng bất chính, hạ tắc loạn",
không thể khống chế cấp dưới được nữa. Ngược lại, khi đã quy định đích danh
cho Tổng thống, Phó Tổng thống và Nghị sĩ Quốc hội, thì không thể nhầm lẫn, không
thể thoái thác được nữa. Họ chỉ còn cách là nghiêm chỉnh chấp hành.
Việc hạn chế đối tượng và
khu vực điều tiết (trực tiếp) trong khuôn khổ tương đối hẹp còn có thêm một
tác dụng rất tích cực, đó là giúp kéo dài tuổi thọ của hiến pháp. Bởi lẽ,
càng dàn trải ra quá nhiều đối tượng và lĩnh vực, thì càng hay phải sửa đổi
hoặc viết mới hiến pháp, để đáp ứng những thay đổi của thực tế cuộc
sống. Đó chính là một trong những lý do khiến các hiến pháp đã được sinh ra ở
Việt Nam đều "đoản thọ".
Hiến pháp
Mỹ không đề cập một cách chung chung những
điều cao siêu, mà quy định rất cụ thể và rất thực dụng. Chẳng hạn, để đảm bảo cho bộ máy Nhà nước
hoạt động ổn định, Hiến pháp
Mỹ quy định:
"Ngay khi nhóm họp sau kỳ bầu cử
đầu tiên, các Thượng nghị sĩ sẽ được chia đều thành ba nhóm. Thượng nghị sĩ
nhóm một sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ hai, Thượng nghị sĩ nhóm hai sẽ
kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm thứ tư, Thượng nghị sĩ nhóm ba sẽ kết thúc nhiệm
kỳ vào cuối năm thứ sáu. Sao cho, cứ sau hai năm, sẽ bầu lại một phần ba số
Thượng nghị sĩ." (Trích
Điều I, Khoản 3)
Như vậy, tuy nhiệm kỳ thông
thường của Thượng nghị sĩ là 6 năm, nhưng không phải cứ 6 năm là bầu lại một lần
và thay đổi một thể, mà cứ 2 năm lại bầu một lần và mỗi lần chỉ thay một phần
ba số Thượng nghị sĩ. Nhờ thế, hoạt động của Thượng viện không bị trì trệ
hay gián đoạn bởi các kỳ bầu cử, và sau mỗi lần bầu cử nó không bị rơi vào trạng
thái có quá nhiều "lính mới" (tức là có quá nhiều những người
còn thiếu kinh nghiệm về hoạt động trong Thượng viện).
Một ví dụ khác:
"Phó tổng thống Hợp chúng quốc là
Chủ tịch Thượng viện, nhưng không được biểu quyết, trừ trường hợp số
phiếu hai bên bằng nhau." (Trích Điều I, Khoản 3)
Với một quy định đơn giản như
vậy, Thượng viện sẽ chẳng bị rơi vào tình thế không thể đưa ra kết luận do số
phiếu chống bằng số phiếu thuận, mà luôn luôn có thể quyết định dựa trên quá
bán (đa số phiếu).
Qua đó ta thấy rằng: Hiến pháp
Mỹ
được xây dựng để tổ chức và kiểm soát quyền lực ở cấp cao nhất trong bộ máy quản
lý Nhà nước.
Hiến
pháp với vai trò phòng chống tham nhũng
Tham nhũng là nguy cơ thường trực đối với
bộ máy cầm quyền. Nó hoành hành nhiều nhất tại các chế độ lạc hậu và độc tài.
Chính quyền càng tham nhũng thì càng cư xử tệ hại với Nhân dân. Điều đó gây phản
cảm và bức xúc đến mức, để lấy lòng Nhân dân thì các trùm tham nhũng cũng lớn
tiếng tuyên bố chống tham nhũng. Vì thế, nhiều khi chống tham nhũng chỉ là màn
kịch trớ trêu, và lãnh đạo càng hô hào chống tham nhũng thì càng lộ diện là diễn
viên tồi.
Để bộ máy quản lý Nhà nước có thể hoạt động
một cách tử tế và thực sự vì Nhân dân, các nhà lập hiến Mỹ đã huy động cả hiến
pháp vào việc phòng chống tham nhũng. Vấn đề là, hiến pháp không thể cấm đoán
tràn lan và đề cập quá rộng. Vậy họ đã lựa chọn những đối tượng và hành động
tham nhũng nào để ngăn ngừa trong Hiến pháp?
Nhằm hạn chế khả năng các Nghị sĩ "tự phục vụ", bằng
cách bỏ phiếu tán thành thiết lập hay tăng thù lao cho các cương vị công chức
mà bản thân muốn được bổ nhiệm, và hạn chế việc Chính phủ cài người vào Quốc hội,
Hiến pháp
Mỹ quy
định:
"Trong
nhiệm kỳ của mình, không một Thượng nghị sĩ hay Hạ nghị sĩ nào được bổ nhiệm
vào bất kỳ cương vị công chức nào của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nếu nó được
lập ra hay nếu thù lao dành cho nó được tăng trong nhiệm kỳ đó; và không
một ai đang là công chức của của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ được trở thành Nghị sĩ của
một trong hai Viện." (Trích Điều 1, Khoản 6)
Nhằm hạn chế tham nhũng thông qua quà
tặng, lương bổng, danh hiệu…, Hiến pháp
Mỹ quy
định:
"Không tước hiệu quý tộc nào
được trao bởi Hợp chúng quốc. Nếu không được sự đồng ý của Quốc hội, không
ai trong số những người đảm nhận các chức vụ có thù lao hoặc mang tính chất
danh dự của Hợp chúng quốc được phép nhận bất cứ quà tặng, thù lao, chức vụ,
hoặc danh hiệu ở bất cứ dạng nào, do vua chúa hoặc do chính phủ nước ngoài ban
tặng."
(Trích Điều I, Khoản 9)
Để hiểu hơn ý nghĩa của quy định
trên, ta ôn lại đôi chút về một số giải thưởng mà hai vị nguyên thủ quốc gia của
hai nước xã hội chủ nghĩa Liên Xô và
CHDC Đức đã
từng nhận.
Leonid
Brezhnev là Tổng
bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1966 và kiêm chức Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao Liên Xô (tức đứng đầu Nhà nước Liên Xô) từ năm 1977, cho tới khi qua
đời vào năm 1982. Ông được phong Anh hùng
Liên Xô 4 lần (1966, 1976, 1978, 1981). Đó là phần thưởng
và danh hiệu danh dự cao quý nhất của Liên Xô. Người được phong
Anh hùng Liên Xô được nhận thêm
cả Huân chương Lênin, Huy chương Sao Vàng, Bằng khen của Đoàn chủ tịch Xô-viết Tối cao và một khoản
tiền thưởng tương đương với một năm lương.
Erich
Honecker là Tổng
bí thư Đảng Xã hội
chủ nghĩa Thống nhất Đức
và Chủ tịch Hội đồng
Nhà nước CHDC Đức từ năm 1976 đến năm 1989. Ông
được trao Huân chương Các Mác 5 lần (1969, 1972, 1977, 1982, 1985).
Đó là huân chương cao quý nhất của CHDC Đức, được kèm thêm khoản tiền thưởng
là 20.000 Mark. (Để so sánh: Tại CHDC Đức vào năm 1988, lương tháng trung bình của
công nhân trực tiếp sản xuất là 1.110 Mark, của thợ cả là 1.370 Mark và của giảng
viên đại học là 1.477 Mark.)
Ông Honecker được
phong Anh hùng
CHDC Đức vào năm
1987.
Bên cạnh đó, Liên Xô đã 3 lần (1972,
1982, 1987)
trao Huân
chương Lênin
cho ông Honecker. Ngược lại, CHDC Đức đã trao Huân
chương Các Mác
(1974) và phong tặng danh hiệu Anh hùng CHDC Đức (1976) cho ông Brezhnev. Ngoài
ra, họ còn nhận được nhiều phần thưởng khác từ trong nước, và nhiều giải thưởng
"trao đổi" với lãnh đạo các nước trong phe xã hội chủ nghĩa.
Cuối cùng thì CHDC Đức sụp đổ vào năm 1990 và Liên Xô tan rã vào năm 1991. Hơn nữa, ông Honecker bị cách chức Tổng bí thư Đảng Xã hội
chủ nghĩa Thống nhất Đức
và Chủ tịch Hội đồng
Nhà nước CHDC Đức vào
tháng 10 năm 1989, và bị khai trừ khỏi đảng vào tháng 12 năm 1989. Điều đó cho thấy, hai
ông Leonid Brezhnev và Erich
Honecker
có xứng đáng với bằng ấy danh hiệu và giải thưởng hay không.
Ví dụ kể trên cho thấy, khi đã
nắm trọn quyền lực trong tay, các nhà lãnh đạo quốc gia khó mà tự kiềm chế, để
khước từ các giải thưởng và sự vinh danh, mà bộ sậu nịnh thần luôn chầu chực nỉ
non. Liên hệ với cả vấn nạn giải thưởng và danh hiệu đang hoành hành ở Việt Nam
hiện nay, ta thấy các cha đẻ của Hiến pháp
Mỹ đã
nhìn xa trông rộng biết nhường nào, khi đưa
vào Hiến pháp điều cấm liên quan đến quà tặng, lương bổng, danh hiệu
và tước vị.
Ở Việt Nam thường diễn ra cảnh cấp dưới
tỉ tê với cấp trên, rằng "công lao của anh như trời bể, mà lương bổng lại
èo ọt, bất công quá chừng". Rằng "nếu anh bóp miệng, thì đàn
em cũng bị đói lây..." Vậy là thủ trưởng "mủi lòng", "cả
nể chiều theo ý kiến anh em", "đành chấp nhận" để họ
làm thủ tục tăng lương liên tiếp cho mình. Chỉ đợi có vậy, các đệ tử cũng ào ào
hưởng ứng, "theo đóm ăn tàn". Lương sếp tăng trước, lương mình
theo sau. Cũng tương tự như việc sốt sắng chạy cho sếp chút học vị, để thêm rộng
đường mà lo bằng cấp cho bản thân. Rồi rầm rộ cái phong trào "tình cảm",
hết tết nhất đến cưới xin, phúng viếng… "Tình cảm đi" dưới dạng
phong bì kèm theo quà cáp, "tình cảm lại" dưới dạng chữ ký.
Hai bên đều có lợi, chỉ khổ cho Dân, hại cho Nước. Các nhà lập hiến Mỹ đã đề
phòng viễn cảnh "đời thường" ấy từ hơn 220 năm trước, nên đã
quy định trong Hiến pháp rằng:
"Vào các thời điểm cố định, Tổng
thống được nhận một khoản thù lao cho công việc của mình, khoản
tiền này sẽ không tăng và cũng không giảm trong suốt nhiệm kỳ, và ông ta
không được phép nhận bất cứ một khoản thù lao nào khác của Hợp chúng quốc,
hoặc của bất cứ bang nào." (Trích Điều II, Khoản 1)
Hơn nữa:
"Tổng thống, Phó Tổng thống và
các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc sẽ bị cách chức khi bị buộc tội
phản quốc, tội nhận hối lộ, hoặc những tội nghiêm trọng khác." (Điều II, Khoản 4)
Tức là, đối với "Tổng
thống, Phó Tổng thống và các quan chức dân sự của Hợp chúng quốc",
thì "tội nhận hối lộ" được xếp chỉ dưới "tội phản quốc",
trên "những tội nghiêm trọng khác", và người "bị buộc
tội" đó phải "bị cách chức".
Qua quy định phòng chống tham
nhũng, trong đó chỉ đích danh Tổng thống và Phó Tổng thống, ta lại được chứng
kiến một lần nữa các phương châm "đầu xuôi – đuôi lọt", "cụ thể"
và "thực dụng", được quán triệt
trong Hiến pháp
Mỹ.
Hai bài học có thể rút ra từ đây là:
- Muốn thành công trong việc phòng chống tham nhũng thì trước
hết phải tập trung nhằm vào mấy vị trí cao nhất trong bộ máy quyền lực.
-
Để
phòng chống tham nhũng ở cấp lãnh đạo quốc gia, thì chẳng công cụ pháp lý nào tốt
hơn là những quy định trong hiến pháp.
Với những biện pháp cụ thể và
tập trung vào mấy điểm huyệt quan trọng nhất, các nhà lập hiến Mỹ đã thể hiện là
họ thực tâm và rất quyết tâm chống tham nhũng. Ngược lại, nếu lãnh đạo chỉ
hô hào chung chung, mà không có biện pháp đặc chủng dành riêng cho việc phòng
chống tham nhũng ở mấy chức vụ cao nhất, thì có lẽ họ cũng chỉ diễn kịch mà
thôi.
Hiến
pháp là để bảo vệ Nhân dân
Ban đầu, Hiến pháp
Mỹ không
đề cập đến các quyền con người và các quyền công dân. Tại sao như vậy? Phải chăng
các nhà lập hiến quá quan tâm đến phía cầm quyền, mà sao nhãng phía người dân?
Hoàn toàn không phải như vậy. Đoạn sau đây, trích từ Lời mở đầu của Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, có thể cho ta câu trả lời:
"Chúng tôi khẳng định các chân
lý sau đây là hiển nhiên, rằng tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, Tạo
hóa cho họ những quyền không thể xâm phạm, trong những quyền ấy, có quyền Sống,
quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc."
Qua đó ta thấy, các chính trị gia hàng
đầu của nước Mỹ ngày ấy, trong đó có các nhà lập hiến, quan niệm rằng: "Quyền
Sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc" cũng như một số quyền
khác là "hiển nhiên", không phải bàn cãi. Tuyên ngôn Độc lập Mỹ viết tiếp:
"Rằng để bảo vệ những quyền ấy,
các chính phủ được lập ra trong Nhân dân và có được các quyền lực chính
đáng từ sự ưng thuận của Nhân dân. Rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền
nào đó trở nên tiêu cực đối với mục tiêu ấy, thì quyền của Nhân dân là thay
đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập ra một chính quyền mới, được thiết lập
dựa trên những nguyên tắc và hình thức tổ chức quyền lực mà họ cảm thấy có thể
ảnh hưởng tốt nhất đối với An ninh và Hạnh phúc của họ."
Tức "Chính phủ được lập
ra", bởi Nhân dân và được Nhân dân trao cho quyền lực, chỉ nhằm "để bảo
vệ những quyền ấy". Cho nên, muốn bảo vệ các quyền con người, thì Hiến pháp
chỉ cần điều tiết và ràng buộc hoạt động của bộ máy chính
quyền, sao cho nó làm việc tử tế và bảo vệ "An ninh và Hạnh
phúc" của Nhân dân một cách tốt nhất. Nếu chính quyền không hoàn thành
nhiệm vụ đó, thì Nhân dân sẽ "thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập
ra một chính quyền mới".
Có nghĩa là: Tuy ban đầu Hiến pháp
Mỹ không
đề cập trực tiếp đến các quyền con người, nhưng mục đích của Hiến pháp
Mỹ chính là bảo vệ Nhân dân, bảo vệ các quyền con người, vốn được
coi là tồn tại đương nhiên và độc lập với Hiến pháp.
Tuy nhiên, không an tâm với
quan niệm mặc định đó, năm 1791 các nhà lập hiến Hoa Kỳ đã thêm 10 Điều bổ
sung sửa đổi đầu tiên vào Hiến pháp Mỹ, nhằm bảo vệ các quyền Tự do và quyền Sở hữu.
Đọc các Điều bổ sung sửa đổi từ I đến X, ta càng cảm
nhận rõ hơn quan niệm về quyền đương nhiên. Với tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận,
tự do báo chí, quyền hội họp (bao gồm cả quyền biểu tình) và quyền kiến nghị, Hiến pháp Mỹ viết rằng:
"Quốc hội không được ban hành
luật nhằm thiết lập quốc đạo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hay
hạn chế tự do ngôn luận, hoặc tự do báo chí, hoặc quyền của Nhân
dân về hội họp ôn hòa và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây
bất bình."
(Điều bổ sung sửa đổi I)
Nghĩa là, các quyền tự do đó
không phải do Hiến pháp "cho phép", hay "ấn định",
hay gọi một cách văn vẻ là "minh định", mà chúng đã tồn tại
sẵn, với tư cách Phúc lành Tự do, được Tạo hóa ban kèm khi sinh ra
Loài người. Và Hiến pháp Mỹ chỉ làm chức năng là cấm Quốc hội ban hành đạo luật nhằm ngăn cản
hay hạn chế các quyền đó
mà thôi.
Một điều đáng chú ý trong Hiến pháp Mỹ là cách viết: Khi nhắc tới "quyền",
thì thường là trong ngữ cảnh "(quyền) tự do …" (chẳng hạn: "(quyền)
tự do ngôn luận", "the freedom of speech"), hay "quyền
của Nhân dân về …" (chẳng hạn: "quyền của
Nhân dân về hội họp ôn hòa", "the right of the people peaceably to
assemble"), chứ không phải là "có quyền …" (như
trong các văn bản pháp luật của Việt Nam). Cách viết ấy cũng thể hiện tính "tồn
tại một cách đương nhiên" của "quyền" đó. Ví
dụ:
"Không được xâm phạm quyền của
Nhân dân về an toàn cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản..." (Điều bổ sung sửa đổi IV)
Nếu viết theo phong cách của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, thì câu trên sẽ được viết đại
khái như sau:
"Mọi người có quyền được đảm
bảo về an toàn cá nhân, nhà cửa, giấy tờ và tài sản..."
Khi được thể hiện dưới dạng "có
quyền …" như vừa rồi, thì "quyền"
được nhắc đến có thể chỉ là quyền hiến định, và nếu hiến pháp không nhắc tới
thì Nhân dân chưa chắc đã được hưởng.
Đây là điểm khác nhau quan trọng
nhất trong quan niệm về "quyền con người" giữa hai hiến pháp của Việt
Nam và của Mỹ.
Ngược lại với kiểu dùng hiến pháp để
ban phát, Hiến pháp Mỹ không chỉ thể hiện tính đương nhiên của
các quyền con người, mà còn nhấn mạnh thêm rằng:
"Việc liệt kê một số quyền trong
Hiến pháp không có nghĩa là phủ nhận hay hạ thấp những quyền khác của người
dân." (Điều bổ sung sửa đổi IX)
"Những quyền
lực không được Hiến pháp trao cho Liên bang và không bị ngăn cấm đối với các
bang, thì thuộc về các bang cụ thể hoặc thuộc về Nhân dân." (Điều bổ sung sửa đổi X)
Cho đến nay, Hiến pháp Mỹ có thêm 27 Điều bổ sung sửa đổi. Kể cả văn bản gốc lẫn 27 Điều bổ sung sửa đổi, Hiến pháp Mỹ chỉ tập trung vào việc ràng buộc bộ máy
công quyền, để bảo vệ các quyền cũng như quyền lợi của người dân.
Đặc biệt, không có bất cứ điều khoản nào
được đặt ra theo hướng hạn chế quyền con người, hay hạn chế quyền công dân, hoặc
giao nghĩa vụ cho công dân.
*
*
*
Tóm lại: Các nhà lập hiến Mỹ đã thay mặt
Nhân dân Mỹ làm ra Hiến pháp Mỹ, và Nhân dân là chủ thể của Hiến pháp ấy. Điều đó không chỉ thể hiện qua tuyên bố trong
Lời nói đầu, mà nhất quán trong toàn bộ nội dung của nó. Với mục tiêu bảo vệ quyền con người và
quyền công dân, Hiến pháp Mỹ hoàn toàn không đưa ra đòi hỏi nào đối với
người dân, mà chỉ tập trung vào việc tổ chức và khống chế bộ máy Nhà nước. Tức
là Nhân dân Mỹ xây dựng Hiến pháp Mỹ, không phải để ràng buộc chính mình, mà nhằm
ràng buộc Nhà nước, để Nhà nước làm tốt nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ Nhân dân.
Chỗ đứng của Nhân dân trong
Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là như vậy.
Phải chăng, nhờ vậy mà nguồn
năng lượng vô biên của Nhân dân được giải phóng, để hợp lực tạo nên sức mạnh của
Hợp chúng
quốc Hoa Kỳ?
Trên đây chỉ là mấy nhận
xét tản mạn về Hiến pháp Mỹ, mang tính hàn lâm, lý thuyết và độc lập với thực tiễn cuộc sống.
Đó là kết quả của những quan sát và suy luận cá nhân, dựa trên lời văn của
bản Hiến pháp Mỹ. Chúng không nhằm để xu nịnh ai, bởi các tác giả của Hiến pháp Mỹ đã về cõi vĩnh hằng từ hơn trăm năm trước; cũng chẳng nhằm để tôn vinh
riêng một dân tộc hay một chủng tộc nào, vì mọi dân tộc và mọi chủng tộc trên
trái đất này đều có người của mình đã và đang chung tay xây dựng Hợp chúng
quốc Hoa Kỳ.
Không phải ngẫu nhiên mà Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được mở đầu bằng đoạn bất hủ về quyền
con người, được trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ.
Chắc hẳn, thuở ấy, năm 1945, những
người thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không nhìn nhận Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ như sản phẩm chính trị của một cường
quốc đối địch, mà coi nó thuộc vào tinh hoa văn hóa chung của Loài người,
và mọi người sống trên trái đất này đều có quyền chia sẻ và tận hưởng.
Hy vọng, bây giờ, 68 năm sau,
chúng ta cũng có được tinh thần coi trọng tinh hoa nhân loại, để mở lòng
tìm hiểu và học hỏi Hiến pháp
Mỹ và hiến pháp của các cường quốc khác, gom
góp thêm kinh nghiệm cho
việc sửa đổi hay viết lại Hiến pháp nước nhà.
Câu hỏi đọng lại là: Bao giờ
thì Nhân dân ta có được chỗ đứng tương tự … trong Hiến pháp Việt Nam?
Hà Nội, ngày 14/02/2013
Cùng
tác giả:
-
Teo dần quyền con người trong Hiến pháp
-
Hai tử huyệt của chế độ
-
Viễn tưởng từ chức
-
Bài học tồn vong từ thảm họa
-
Nhận thức mới: Lấy là bỏ, bỏ là lấy
-
Lực cản Nhà nước pháp quyền
-
Trải bốn nghìn năm còn chậm lớn
- Chiến binh cầm bút
- Hãy để lương tâm lên tiếng một lần!
- Một số khía cạnh hình sự của vụ án Tiên Lãng – Hải Phòng
- Nhân vụ Tiên Lãng bàn về công vụ
-
Quyền biểu tình của công dân
-
Phiêu lưu điện hạt nhân
-
Về huyền thoại điện hạt nhân giá rẻ
-
Mạn bàn về an toàn điện hạt nhân
-
Nỗi buồn Quốc hoa
-
Một nhà khoa học đích thực
-
Bàn về qui mô đào tạo đại học từ góc độ chất lượng giảng
viên