Home   |  Contact
English   |  Tiếng Việt
Hoang Xuan Phu
Curriculum Vitae
Math Research
Math Publications
Different Writings
Organized Conferences
001573968 visits
BÀN VỀ QUI MÔ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

BÀN VỀ QUI MÔ ĐÀO TẠO ĐẠI HỌC

TỪ GÓC ĐỘ CHẤT LƯỢNG GIẢNG VIÊN[1]

Hoàng Xuân Phú[2]

Qui mô...

Nhiều ý kiến cho rằng: để hạn chế nạn dạy thêm, học thêm ở trường phổ thông thì phải giảm bớt sức ép của các kỳ thi tuyển sinh đại học. Chỉ ra đề dễ và sát với sách giáo khoa phổ thông thì chưa đủ, vì điều đó không làm thay đổi tỷ lệ trúng tuyển và áp lực cạnh tranh vẫn còn nguyên như cũ. Vậy phải tăng qui mô đào tạo bằng cách lập thêm trường mới, mở rộng trường cũ và đa dạng hóa loại hình đào tạo. Khó khăn về kinh phí ư? Thì tăng học phí và các khoản đóng góp khác. Nhưng việc mở rộng lại ảnh hưởng xấu đến chất lượng, vì ngay cả với qui mô hiện tại thì nhiều trường đã phải tuyển vét đến cả những sinh viên có học lực quá yếu rồi.

Đối với những người quảng bá cho quan điểm phải coi giáo dục là một thị trường thì lo lắng như vậy là quá nhiều. Thị trường tuân theo qui luật cung cầu. Nếu có người cần mua thì bán, còn khách hàng làm được gì với sản phẩm là chuyện của họ. Qui luật thị trường sẽ tự điều chỉnh mối quan hệ cung cầu và ổn định nhu cầu xã hội.

Nhiều người không nhất trí với quan điểm thị trường kể trên, nhưng cũng ủng hộ việc mở rộng qui mô đào tạo. Dù không thể biến tất cả sinh viên yếu thành cử nhân với chất lượng “tàm tạm”, nhưng cũng góp phần nâng cao dân trí. Hơn nữa, nếu được dung nạp vào các trường đại học thì sẽ giảm bớt số lượng thanh niên vừa rời khỏi trường phổ thông nhưng chưa biết làm gì, dễ sinh ra lêu lổng.

Đấy là chưa kể đến nhu cầu đào tạo cán bộ cho các địa phương, cho vùng sâu, vùng xa. Nhiều tỉnh cũng muốn lập trường đại học riêng. Lợi thì nhiều, ít nhất sẽ dễ chi phối đầu vào để giải quyết nỗi lo canh cánh của nhiều quan chức.

Ai cũng có lý. Những lý nói ra được và cả những lý không nói ra được. Thành thử lớp lớp mở ra, người người đi học. Bên cạnh hàng chục vạn sinh viên phải vượt qua kỳ thi tuyển quốc gia để bước vào cổng trường đại học, còn có một lực lượng hùng hậu đi tắt đón đầu trong đội hình tại chức, đào tạo từ xa và cử tuyển.

... và chất lượng

Điều đáng lo ngại là khi qui mô đào tạo phình ra thì chất lượng tụt xuống quá thấp. Những bài giảng chiếu lệ, bớt giờ lại được sinh viên nhiệt liệt hưởng ứng, bởi lẽ như vậy thì thi càng dễ - một cách nghĩ phổ biến khi mà kiến thức không còn là mục tiêu chính để phấn đấu. Về hình thức, điểm học của sinh viên vẫn cao, hằng năm vẫn có nhiều sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc. Nhưng những đánh giá ấy đáng tin cậy đến đâu? Một luận văn được cóp lộn xộn từ mấy tài liệu khác nhưng không bị lên án về tính trung thực, hội đồng chấm cho điểm 9,5 trong khi chỉ đáng một nửa, vậy mà tác giả còn được thầy hướng dẫn chia buồn vì không được điểm tối đa. Những chuyện tương tự không hiếm, nên nhiều khi điểm thể hiện tư cách người thầy hơn là trình độ của sinh viên.

Dư luận kêu ca về tình hình giáo dục nước nhà, song thường chỉ đề cập đến giáo dục phổ thông, trong khi giáo dục đại học cũng ở mức báo động từ lâu rồi. Các thầy cô hay phàn nàn sinh viên lười và dốt, nhưng lại ít trăn trở về một yếu tố quyết định hơn, đó là trình độ và đạo đức nghề nghiệp của giảng viên. Đúng là nước ta có nhiều thầy giỏi và tốt. Nhưng tỷ lệ được bao nhiêu và có đủ để đảm bảo cho chất lượng của hệ thống đào tạo đại học hay không?

Để xứng đáng dạy đại học, giảng viên phải thường xuyên dành nhiều thời gian tự học, bổ sung những kiến thức kinh điển mà mình còn thiếu và cập nhật những kiến thức mới mẻ nhằm theo kịp sự phát triển của khoa học và công nghệ. Tiếc rằng thời gian tự học của giảng viên ta quá ít, mặc dù trình độ chung còn lâu mới đáp ứng được yêu cầu. Một nguyên nhân quan trọng là qui mô đào tạo quá rộng, dẫn đến thời gian lên lớp quá nhiều. Thêm vào đó, những giáo trình có sẵn, đơn giản và ít thay đổi cũng khiến nhiều người ỷ lại, chỉ học một lần rồi giảng suốt mười năm.

Trong khi ở nhiều nước, nghiên cứu khoa học được dùng để đánh giá chất lượng các trường đại học, thì ở ta phần lớn giảng viên đại học không tham gia nghiên cứu (theo đúng nghĩa quốc tế). Một số người chẳng còn thời gian để nghiên cứu, số khác thì chưa bao giờ học nghiên cứu một cách thực sự. Cho nên, đòi hỏi họ phải dạy cho sinh viên tập nghiên cứu nhiều khi là điều không tưởng.

Nhằm khắc phục tình trạng giảng dạy và nghiên cứu ở các trường đại học, người ta đề nghị đưa các viện nghiên cứu cơ bản về các trường đại học. Liệu giải pháp ấy sẽ đem lại gì? Ví dụ: Nếu chia đều cán bộ nghiên cứu của Viện Toán học về các trường đại học và cao đẳng quanh khu vực Hà Nội thì mỗi trường cũng chỉ có thêm được một người. Liệu một người có đủ để giảm tải thời gian lên lớp và tạo ra phong trào nghiên cứu toán học ở trường ấy không? Hay kết quả đáng kể nhất là làm tan biến một tập thể nghiên cứu mà mấy chục năm phấn đấu với sự giúp đỡ to lớn của bè bạn quốc tế mới xây dựng được? Để khỏi tan, có ý kiến đề nghị đưa nguyên cả Viện Toán học về một trường đại học. Như vậy có thể có tác dụng tốt cho riêng trường ấy, nhưng ảnh hưởng gì đến hàng trăm trường khác?

Cần tìm giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu ngay trong chính các trường đại học. Trước hết phải hạn chế số giờ lên lớp ở mức độ hợp lý để giảng viên có thời gian nâng cao trình độ và tham gia nghiên cứu khoa học. Đồng thời phải có những qui định mang tính bắt buộc và biện pháp động viên thích hợp để thúc đẩy giảng viên làm tốt hai nhiệm vụ đang bị lơ là này.

Phải rất nghiêm túc và quyết tâm phấn đấu trong một thời gian dài thì mới hy vọng có thể củng cố và phát triển đội ngũ giảng viên đại học cho tương xứng với qui mô đào tạo hiện nay. Không còn con đường nào khác, nếu nhận thức rằng chất lượng giáo dục là một yếu tố quyết định số phận của cả dân tộc.

Làm ra một máy công cụ không đủ chất lượng thì phải bỏ đi, nếu cố dùng thì chỉ lãng phí vật liệu để sản xuất ra phế phẩm, đôi khi lại gây ra tai nạn. Sản phẩm giáo dục tồi thì tệ hại hơn vì không thể hủy đi, và có thể có ngày “sản phẩm” ấy sẽ ngoi lên được vị trí quan trọng, gây ảnh hưởng xấu cho cộng đồng. Bàn thêm như vậy để thấy đây không phải là điều có thể tặc lưỡi bỏ qua.

Nhu cầu và đáp ứng

Nhu cầu thì có nhiều loại, nhưng không phải loại nào cũng chính đáng và nên thỏa mãn. Con bạn có nhu cầu nghiện hút, liệu có nên chiều không? Bây giờ có nhiều người đi học nhưng không định học, chẳng màng kiến thức mà chỉ định kiếm mảnh bằng, để làm vỏ bọc tiến thân, hay dụng cụ ảo thuật, hay chỉ đơn thuần là có tí danh. Hiếu danh được ngụy trang bằng hiếu học. Có đáng hy sinh chất lượng giáo dục đại học vì đối tượng này hay không?

Nếu vì nâng cao dân trí và thỏa mãn nhu cầu kiến thức thì có thể mở ra hình thức đại học nhân dân, trong đó ai muốn hiểu thêm về lĩnh vực nào thì cứ đăng ký tham gia, học được gì tự mình biết lấy, cuối khóa học không có bằng chứng thực. Ở nhiều nước loại hình này thu hút rất đông học viên, nhất là những người lớn tuổi. Ở ta, nếu chỉ cung cấp kiến thức chứ không cấp bằng, chẳng hiểu còn bao người theo học? Nhưng sự hiện diện của một cơ sở đào tạo như vậy sẽ giúp cho những người có thiện ý đỡ phân vân và nhiều người bớt ngụy biện.

Nếu coi nhu cầu trang trí bằng cấp là chính đáng, bất chấp kiến thức kèm theo, thì cũng chẳng cần dùng đến các trường đại học để phải mở rộng qui mô. Trên internet vẫn xuất hiện đầy những quảng cáo theo kiểu: “Không phải học, không phải thi, không phải viết luận văn - Bạn có thể nhận được bằng cử nhân, hay thạc sĩ, hay tiến sĩ của bất cứ ngành nào mà bạn muốn.” Chỉ cần nộp ít tiền thì chẳng mấy lúc sẽ có 5-6 bằng tiến sĩ, của nước ngoài hẳn hoi. Đã có lần báo chí ngợi ca một trường hợp như vậy.

Xin trao đổi thêm đôi chút về phương diện quản lý xã hội. Nhiều thanh niên có thể trở thành những người lao động giỏi, thậm chí là xuất sắc, đóng góp cho xã hội còn hơn hẳn những kỹ sư làng nhàng. Nhưng nếu cho họ vào đại học thì không tiếp thu nổi. Được chiếu cố mảnh bằng thì chỉ thêm ngộ nhận, kéo dài thời gian lang thang thử nghiệm, cho đến khi lãng phí hết tuổi xuân lại phải bỏ nghề (cái nghề thực ra chưa bao giờ có) để kiếm kế sinh nhai. Trong hoàn cảnh đó có bao gia đình nghèo, bán hết gia súc, ruộng vườn và vay nợ cho con ăn học với hy vọng đổi đời, để rồi cuối cùng tiền mất tật mang. Với những trường hợp như vậy, có thể coi việc mở rộng cửa trường đại học là sự giúp đỡ cao thượng hay không? Tác dụng xã hội là giảm bớt số thanh niên lêu lổng cũng chỉ xuất hiện tạm thời trong mấy năm đầu thực hiện chính sách mở cửa, còn sau đấy thì đâu lại vào đó, chỉ biến một số thanh niên lêu lổng thành cử nhân lang thang mà thôi.

Bàn thêm như vậy để bớt mơ mộng và huyễn hoặc thôi, chứ không phải đòi hỏi bộ máy quản lý phải cân đối và tối ưu mọi mặt. Muốn điều khiển toàn diện và triệt để thì phải hiểu thấu đáo tình hình, cả trong nước lẫn quốc tế, cả hiện tại lẫn tương lai. Nhưng đấy là điều không tưởng, vì xã hội quá đa dạng và sự phát triển của nó quá phức tạp, dù muốn, dù cố cũng không thể bao quát hết được. Không hiểu mà can thiệp quá nhiều thì ảnh hưởng xấu sẽ nhiều hơn tốt.

Về lâu dài, mở rộng qui mô đào tạo đại học là một điều tất yếu. Trước mắt vẫn còn nhiều nhu cầu chính đáng của xã hội và đòi hỏi bức thiết của nền kinh tế chưa được đáp ứng. Nên khi cần thì vẫn phải mở thêm trường, thêm lớp, nhưng phải thận trọng, mở đến đâu chắc đến đấy. Đồng thời cũng phải xóa bỏ những nơi và hình thức đào tạo không còn xứng đáng tồn tại. Tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất phải là chất lượng đào tạo. Cơ sở quyết định quan trọng nhất phải là năng lực thực tế của đội ngũ giảng viên.

Lý do chính khiến ta chưa thể mở rộng, thậm chí còn phải thu hẹp qui mô đào tạo đại học, là số lượng và chất lượng của đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được qui mô hiện nay. Điều này còn chính yếu hơn và bế tắc hơn nhiều so với chất lượng đầu vào và khó khăn về kinh phí. Khi không có đủ thầy thì chẳng thể bàn tới chuyện thỏa mãn nhu cầu đi học của xã hội. Để dễ hiểu, xin liên hệ với thị trường hàng hóa. Đúng là có cầu thì cung, có mua thì bán. Nhưng chỉ có thể cung khi người bán có hàng, mà là hàng đảm bảo chất lượng. Không có hàng hoặc chỉ có hàng giả kém chất lượng mà vẫn bán là lừa đảo. Nếu bộ máy quản lý làm ngơ thì vô trách nhiệm, còn nếu lại ra quyết định phải bán hàng trong khi chỉ có hàng giả thì không thể nào chấp nhận được. Khi coi giáo dục là một thị trường thì hàng hóa là kiến thức mà đội ngũ giảng viên thực có. Số lượng hàng hóa lệ thuộc vào số lượng giảng viên và thời gian họ có thể làm việc “tử tế”. Chất lượng hàng hóa phụ thuộc vào trình độ giảng viên và thời gian được dành để truyền thụ kiến thức cho mỗi lớp sinh viên. Khi không đủ giảng viên có trình độ để đảm bảo chất lượng của tất cả các giờ dạy mà vẫn tuyển sinh, mở lớp thì chẳng khác gì bày bán hàng giả! Trớ trêu thay: chẳng ai dám bán một chiếc kẹo cao su cho hai “thượng đế”, thế mà tên một số thầy lại hay được chưng ra để mở quá nhiều trường nhiều lớp.

Mấy kiến nghị cụ thể

1. Nhà nước cần xây dựng quy hoạch dài hạn cho sự phát triển của qui mô đào tạo đại học, trong đó không chỉ dựa vào nhu cầu học tập của xã hội và đòi hỏi nhân lực của nền kinh tế, mà đặc biệt chú ý tới hiện trạng của đội ngũ giảng viên và khả năng đào tạo giảng viên bổ sung. Do ta không có nguồn dự trữ (như ở nhiều nước phát triển) và phải mất từ 5 đến 10 năm mới có thể đào tạo một người đã tốt nghiệp đại học loại giỏi trở thành giảng viên đại học có trình độ, nên muốn tăng qui mô đại học thì phải sớm  có chính sách phù hợp để thu hút người giỏi và bắt đầu đào tạo giảng viên bổ sung từ 7-8 năm trước đó. Xây dựng cơ sở vật chất thì có thể vay vốn để hoàn thành trong một thời gian ngắn, nhưng nhân lực trí thức thì không thể vay mượn của ngân hàng mà cần phải đào tạo trong thời gian dài. Vì vậy không thể bỗng chốc lại tùy tiện đưa ra quyết định thành lập một trường đại học.

2. Khi xét duyệt đề án thành lập mới một cơ sở đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên kiểm tra kỹ phương án tuyển dụng giảng viên. Mỗi trường cần có một số lượng giảng viên khung tối thiểu để có thể chủ động đảm bảo chương trình giảng dạy trong mọi tình huống. Đối với giảng viên thuê ở ngoài, cần có đăng ký cụ thể là dạy bao nhiêu thời gian. Phải có biện pháp kiểm tra và quản lý tổng số giờ lên lớp của từng giảng viên (thực hiện ở tất cả các trường mà người ấy tham gia), tránh tình trạng dạy quá tải, gây hậu quả xấu cho chất lượng. Trong hoàn cảnh thiếu giảng viên đủ trình độ, không thể cho thành lập quá nhiều trường rồi để mặc các trường tự thân vận động. Chỉ có cái chăn vừa hẹp lại vừa mỏng, cố kéo lên che đầu sẽ hở chân, giằng co thì cuối cùng rách toặc.

3. Để phục vụ cho việc qui hoạch đào tạo giảng viên và quản lý hoạt động của các trường, nên tiến hành khảo sát, thống kê và lập cơ sở dữ liệu về giảng viên đại học trên phạm vi toàn quốc, trong đó dùng mã số để xác định duy nhất từng người. Nếu đăng ký về số giờ giảng dạy được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu này thì có thể nhanh chóng kiểm tra xem những người tham gia dạy đồng thời ở nhiều trường có quá tải không và phương án huy động giảng viên của một trường có thể chấp nhận được hay không. Thực ra, đây cũng chỉ là một biện pháp bất đắc dĩ cho tình trạng thiếu tự giác, thuê giảng viên lộn xộn và dạy quá tải tràn lan ở nước ta hiện nay.

4. Một khi đã đòi hỏi giáo viên phổ thông trung học phải có trình độ đại học thì khoảng cách tối thiểu giữa người dạy và người học đại học cũng phải là 5 năm đào tạo, nghĩa là giảng viên đại học phải có trình độ tiến sĩ. (Thậm chí, ở nhiều nước, chỉ các tiến sĩ đã được phong giáo sư hoặc phó giáo sư mới được đọc bài giảng tại các trường đại học, còn những tiến sĩ khác chỉ được làm trợ giảng.) Tuy còn lâu ta mới đạt được chuẩn này, nhưng cũng phải hướng vào đó mà phấn đấu. Không thể để diễn ra mãi cảnh vừa học xong đại học đã quay ra dạy đại học. Đặc biệt, không nên để các trường đại học chất lượng thấp tuyển sinh viên của chính mình làm giảng viên. Phải tập trung xây dựng một số trường đại học chất lượng cao để làm cơ sở đào tạo giảng viên cho các trường đại học trong toàn quốc.

5. Đảm bảo chất lượng của đội ngũ giảng viên là vấn đề then chốt trong công tác tổ chức đào tạo đại học. Nhiệm vụ này rất khó khăn, đòi hỏi phải thường xuyên phấn đấu, phải nghiêm túc và thận trọng, nhất là lúc mới thành lập. Khi đã rơi vào trạng thái cán bộ đủ tiêu chuẩn chỉ là thiểu số nhỏ thì khó mà thoát ra khỏi. Nhân danh đa số, chuẩn dễ bị bóp méo và vai trò dễ bị đảo lộn. Xét từ góc độ này, phong trào “đại học hóa” các trường cao đẳng là một xu hướng đáng lo ngại. Ai cũng biết rằng xây nhà mới rẻ và tốt hơn hẳn so với cải tạo và nâng cấp nhà cũ. Nếu cứ cố tận dụng móng và tường của một ngôi nhà cấp 4 để nâng lên thành nhà nhiều tầng thì sẽ phải chịu mãi những hạn chế cơ bản của kiến trúc cũ, không thể khắc phục triệt để, và về lâu dài luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Việc nâng cấp một trường cao đẳng lên đại học còn nan giải hơn vì đụng đến con người (là đối tượng khó cải tạo hơn các công trình xây dựng) và bị chi phối bởi nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Nếu quan niệm không cần hệ đào tạo cao đẳng nữa thì hãy bỏ đi, còn nếu thấy vẫn cần thì nên duy trì các trường cao đẳng. Đừng biến chúng thành đại học rồi sau này lại phải sinh ra những trường cao đẳng non trẻ khác để bù lại, trong khi các bậc tiền thân khó trở thành đại học “xịn”.  Nếu cứ để xu hướng “đại học hóa” này tiếp diễn, không chừng sẽ có nhiều trường mẫu giáo mầm non noi theo, xin nâng cấp thành trường phổ thông cơ sở.

6. Nên xây dựng các cơ sở đào tạo đại học tương đối tập trung. Không nên phân tán, tỉnh nào cũng thành lập một trường đại học. Như vậy là phi kinh tế, vì chi phí để xây dựng và duy trì trường ấy còn cao hơn nhiều so với việc cấp học bổng ưu đãi cho tất cả sinh viên của tỉnh đến học tại các trường đại học đang tồn tại ở nơi khác. Đáng nói hơn là: trường đại học ở một tỉnh vừa nhỏ, vừa xa các trung tâm lớn khó có được đội ngũ giảng viên đủ trình độ. Cán bộ khoa học của tỉnh quá ít, còn trí thức từ nơi khác thì không muốn đến. Khi một trường đại học trở thành “vườn trẻ”, cả “mẫu giáo lớn” và “mẫu giáo bé” đều chật ních những người được tuyển theo cơ chế áp đặt hoặc thân quen, thì nó sẽ trở thành trung tâm hiểm họa hơn là trung tâm văn hóa của tỉnh.

7. Lâu nay đã có quy định số giờ chuẩn cho giảng viên, nhưng nó được hiểu như nghĩa vụ tối thiểu và là cơ sở để tính quyền lợi khi dạy vượt giờ. Cần phải qui định cả số giờ dạy tối đa, vừa là kỷ luật lao động để bảo vệ sức khỏe và chất lượng giảng dạy, vừa là biện pháp để đảm bảo cho các giảng viên có thời gian bổ sung kiến thức và tham gia nghiên cứu khoa học.

8. Một số qui định bằng cấp trong chính sách cán bộ mang nặng tính hình thức và có tác dụng xấu hơn là tốt. Chúng đẩy một lực lượng lớn của xã hội lao vào cuộc chạy đua tìm kiếm bằng cấp, tạo sức ép phi lí lên qui mô đào tạo và đẩy chất lượng xuống vực thẳm. Lãng phí thời gian và của cải. Bỏ bê  nhiệm vụ đang đảm nhận. Truyền thụ kiến thức thì ít mà tiêu cực thì nhiều. (Điều này cũng xảy ra ở mấy môn học được áp trên diện rộng nhằm nâng cao giác ngộ và đạo đức của xã hội.) Cuối cùng lại làm tha hóa cả thầy, trò và bộ máy. Không thể làm ngơ trước những gì đang diễn ra  nhân danh “chuẩn hóa cán bộ”. Nếu thực sự muốn đề cao bằng cấp thì Nhà nước phải quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng, điều khó mà làm được trong tình trạng xã hội hiện nay. Nếu không quản lý nổi chất lượng thì không có lý gì lại nhấn mạnh bằng cấp trong tiêu chuẩn cán bộ, để nhiều khi bằng thật thì mốc meo, còn bằng rởm lại được trọng dụng. Nói cho cùng, bằng cấp chỉ là mốc đánh dấu trên một chặng đường đào tạo, không phải thước đo trình độ và năng lực.

Hà Nội, 2/9/2004

 

 

 

 

On the dimension of university education with respect to lecturer quality

Hoang Xuan Phu

 Institute of Mathematics, VAST

18 Hoang Quoc Viet Road, Hanoi, Vietnam

hxhu@math.ac.vn, phu@ iwr.uni-heidelberg.de

http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/

(Written during the seminar on problems of Vietnam’s education system organized by Professor Hoang Tuy in Hanoi from March until May 2004 and published in the newspaper “Law - Sunday” on 3/10/2004 and 10/10/2004)



[1] Bài viết nhân dịp tham gia xê-mi-na bàn về chấn hưng giáo dục do Giáo sư Hoàng Tụy tổ chức tại Hà Nội từ tháng 3 đến tháng 5/2004, đã  đăng trên báo Pháp luật Chủ nhật ngày 3/10/2004 và 10/10/2004.

[2] Viện Toán học, 18 Đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội

   hxphu@math.ac.vn, phu@ iwr.uni-heidelberg.de

   http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/



©2010 by Hoang Xuan Phu